Theo các chuyên gia, việc Argentina tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là một bước tiến đáng kể trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ với Mỹ Latinh.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần trước để dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông 2022, Tổng thống Alberto Fernandez của Argentina đã để đất nước mình tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, mở đường cho các khoản đầu tư trị giá hơn 23 tỉ USD.
Theo South China Morning Post, ông Fernandez là một trong số ít các nhà lãnh đạo từ Nam Mỹ – nơi được coi là “sân sau của nước Mỹ” – tham dự lễ khai mạc trong bối cảnh các nước phương Tây khác tẩy chay ngoại giao thế vận hội.
Việc Argentina ký kết thỏa thuận tham gia BRI diễn ra ngay sau khi Tổng thống Fernandez tuyên bố trong chuyến đi Nga rằng Argentina phải từ bỏ sự “phụ thuộc” kinh tế vào Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Argentina cũng là nước đầu tiên trong số các nền kinh tế lớn ở Mỹ Latinh tham gia BRI, chương trình giúp Trung Quốc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng như đường sắt, cảng và đường cao tốc trên toàn thế giới.
Sau cuộc gặp ngày 13.2 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Fernandez, hai nước cam kết thắt chặt quan hệ về thương mại, tiền tệ, nông nghiệp, năng lượng và các lĩnh vực khác.
Dựa vào ảnh hưởng của Argentina
Ông Jiang Shixue, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Thượng Hải, cho biết thỏa thuận Trung Quốc – Argentina không chỉ có ý nghĩa đối với quan hệ song phương mà còn có thể thúc đẩy mối quan hệ của Bắc Kinh với các nước Mỹ Latinh khác.
Trước Argentina, tổng cộng 19 quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean (LAC) đã tham gia BRI. Brazil, Mexico và Colombia – các nền kinh tế lớn nhất của khu vực – là những nước không nằm trong chương trình này.
“Argentina là một quốc gia rất quan trọng, cả về kinh tế và ảnh hưởng chính trị”, ông Jiang cho biết.
Bà Yue Yunxia, chuyên gia Mỹ Latinh tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết các cuộc đàm phán giữa Argentina và Trung Quốc về việc ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) liên quan tới BRI đã diễn ra trong một thời gian dài và kết quả “đạt được một cách khó khăn” trong hiện tại có ý nghĩa lớn.
“Là một quốc gia lớn ở Mỹ Latinh, việc Argentina tham gia BRI có ý nghĩa biểu tượng. Đây là một bước đột phá”, báo Yicai dẫn lời bà Yue cho biết.
Tổng thống Guillermo Lasso của Ecuador, nước đã cắt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc vào tháng 12.2021, cũng đã gặp ông Tập trong Thế vận hội Mùa đông. Cuộc gặp đã dẫn đến MOU giữa hai bên nhằm mở đường cho một thỏa thuận thương mại vào cuối năm nay, cũng như thúc đẩy quan hệ kinh tế thông qua BRI.
Xâm nhập sân sau của Mỹ
Các chuyên gia Trung Quốc chỉ ra rằng việc Bắc Kinh và Nam Mỹ thắt chặt quan hệ đến từ việc các nền kinh tế này đang bổ khuyết cho nhau. Tuy vậy, một số nước lớn trong khu vực vẫn thận trọng về quan hệ với Trung Quốc, quốc gia được cho là đang cạnh tranh với Mỹ về ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực.
Trung Quốc đã vượt Brazil để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Argentina vào tháng 4.2021. Nước này tiêu thụ rất nhiều đậu nành và thịt bò của Argentina.
Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và khu vực LAC đạt mức cao kỷ lục, vượt mốc 450 tỉ USD và tăng 41,1% so với năm 2020. Điều này dẫn tới việc Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latinh, theo số liệu Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố.
Ông Dong Jingsheng, Phó giám đốc nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Bắc Kinh, cho biết các nền kinh tế lớn ở Mỹ Latinh đang thận trọng trong việc tham gia BRI vì quan hệ thân thiết với Mỹ, nước đang xem Trung Quốc là mối đe dọa ở sân sau.
Năm ngoái, truyền thông đưa tin Mỹ đang xem xét việc đưa ra các dự án cơ sở hạ tầng ở Mỹ Latinh để cạnh tranh với BRI của Trung Quốc.
“Trong những năm qua, hợp tác về thương mại, đầu tư và tài chính giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh đã tăng lên. Điều này khiến Mỹ cảm thấy rằng Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện ở sân sau truyền thống của mình và tạo ra một số thách thức ”, ông Dong nói.
“Tuy nhiên nhìn chung, sự hiện diện và tác động kinh tế của Trung Quốc ở Mỹ Latinh vẫn còn một khoảng cách xa so với Mỹ”, chuyên gia này nói thêm.
Ông Dong cũng cho biết kinh tế của Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh có tính bổ khuyết cho nhau.
“Những năm gần đây, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu tài nguyên. Trong khi đó, Mỹ Latinh lại giàu các tài nguyên như dầu mỏ và có nền nông nghiệp mạnh. Mặt khác, công nghiệp sản xuất của Trung Quốc rất phát triển và Mỹ Latinh là một thị trường lớn”, ông Dong nói.
“Dù tình hình chính trị các nước này có thay đổi như thế nào, họ cũng luôn cần dựa vào thị trường Trung Quốc. Sức ảnh hưởng của Mỹ không thể thay đổi nền tảng hợp tác kinh tế giữa hai bên”, chuyên gia Dong chỉ ra.
Argentina tham gia BRI trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang trì trệ và mắc kẹt trong khủng hoảng nợ nhiều năm qua.
Sau chuyến thăm của Tổng thống Fernandez đến Trung Quốc, chính phủ Argentina tuyên bố hai nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoán đổi tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương và đồng ý tiếp tục “tăng cường hợp tác” trong vấn đề này.
Bà Yue Yunxia nhận định mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Argentina và Trung Quốc về tiền tệ “sẽ không chỉ hỗ trợ sự ổn định tài chính của Argentina mà còn mang lại lợi ích cho việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ”.