Friday, January 24, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Bành trướng tư bản vô trật tự” hay là: đừng theo tư...

“Bành trướng tư bản vô trật tự” hay là: đừng theo tư bản trăm phần trăm (!)

Khái niệm này được các nhà lãnh đạo Bắc Kinh sử dụng quãng một năm nay. Nghe ra có phần trừu tượng, nhưng dịch nôm ra thì nó cũng na ná như ở Việt Nam có khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ở đây cái “trật tự” của Trung Quốc thể hiện ở chỗ, không vì lợi nhuận mà bỏ qua các vấn đề văn hóa-xã hội.

Đấy là nói lý thuyết. Cần phải có thực tiễn để chứng minh, để các nhà lãnh đạo liên hệ, kiểm chứng. Mới đây đã có một “thực tiễn” khá là cứng rắn khi một quan chức đứng đầu thành phố Hàng Châu (Cựu Bí thư Thành ủy), tỉnh Chiết Giang đã phải vào tù vì phạm tội “bành trướng tư bản vô trật tự”.

Thế có nghĩa là, quan tham này không chỉ dính vòng lao lý vì tham lam mà còn vì chuyện quan điểm. Ông ta đã mắc hai lần tội. Đáng chú ý, ông ta thuộc “phe Chiết Giang” vốn thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình. Vụ bắt giữ gây làn sóng chấn động. Dư luận Trung Quốc mấy hôm nay rộ lên những lời bàn, rằng, ông Tập đã xuống tay với tay chân của mình nghĩa là muốn gửi đi một thông điệp: các anh hãy liệu chừng, ai đi chệch “đường ray” lúc này là sẽ bị xử rất nghiêm.

Hôm 11/02/2022, Chu Giang Dũng (Zhou Jiangyong), 54 tuổi, cựu quan chức cấp cao nhất của thành phố Hàng Châu đã bị bắt giữ, mà trước đó không có bất kỳ tín hiệu nào. Hàng Châu có số dân hơn 12 triệu người và là đại bản doanh của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba.
Chuyện bắt Chu được giữ bí mật đến phút chót. Hai cơ quan chống tham nhũng cấp quốc gia cùng vào cuộc là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng và Ủy ban Giám sát Quốc gia. Tội trạng của Chu khá mù mờ: “Giả vờ tuân thủ các quyết định và sắp xếp của Ủy ban Trung ương trong khi hành động chống lại những quyết định này”. Nói mộc mạc là ông này nói một đằng làm một nẻo.

Một nguồn tin bí mật cho hay: Chu bị phát hiện đã thông đồng với một số phần tử tư bản và hỗ trợ việc mở rộng tư bản thiếu kiểm soát. Vì lẽ ấy Chu Giang Dũng bất đắc dĩ trở thành quan chức cấp cao đầu tiên ở Trung Quốc bị cáo buộc tiếp tay cho việc “bành trướng tư bản vô trật tự.”

Một thông tin khác cho hay, công ty liên quan tới Ant Group trực thuộc Alibaba đã được mua giảm giá hai lô đất ở Hàng Châu sau khi mua cổ phần tại hai doanh nghiệp thanh toán di động do em trai Chu làm chủ. Vậy là, giống như ở Việt Nam, các quan chức tham nhũng phạm tội chủ yếu là “ăn đất”.

Chiết Giang là một tỉnh lớn, kinh tế phát triển năng động, đã góp phần đưa Trung Quốc tiến lên vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tại đây, một cuộc điều tra quy mô lớn về quan hệ giữa chính trị và kinh doanh đã được lặng lẽ thực hiện tại Hàng Châu từ năm 2021. Có khoảng 25.000 người bao gồm quan chức địa phương và cán bộ thừa hành đã vào vòng ngắm của cơ quan điều tra.

Vì sao Chu, một cán bộ trẻ, được thăng tiến tại Chiết Giang, thành trì chính trị của Tập lại ngã ngựa? Hơn chín năm qua từ khi Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, đây là lần đầu ông “trảm” những phụ tá thân cận. Chu có thể là nạn nhân của cuộc đấu tranh nội bộ liên quan đến việc tái cử của Tập Cận Bình tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm nay, và ông sẽ thực hiện tham vọng lãnh đạo suốt đời.

Xin lưu ý, từ khi cụm từ “bành trướng tư bản vô trật tự” được đề xuất và chú ý, đã xảy ra cuộc đàn áp khốc liệt chống lại những gã khổng lồ công nghệ và các công ty giáo dục tư nhân. Một số nhà kinh tế lo ngại, các chính sách như vậy có thể dẫn đến việc phủ nhận “tư bản” vốn là một chức năng của nền kinh tế. Chẳng lẽ “tư bản” đẩy kinh tế phát triển lại là “kẻ thù” của Trung Quốc?

Hiện cán bộ các cấp ở Trung Quốc còn khá lúng túng khi đặt vấn đề: phát triển có trật tự là gì và nó khác với phát triển vô trật tự như thế nào? Hay nó tùy thuộc vào ý định thay đổi xoành xoạch của Đảng độc quyền? Phải chăng trong chính trị cũng có một hệ thống “đèn giao thông” dành riêng để kiểm soát vốn. Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh thì đi. Mà cái đèn trong tay các nhà cầm quyền thì chẳng có quy tắc nào hết. Nhiều khi nó bật đèn vàng để cấp dưới tự xử. Công và tội là ở chỗ này.

Việc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương xử lý Chu được cho là xử phạt vụ vượt đèn đỏ. Khi “thông đồng với tư bản” thì đèn đỏ sẽ bật xanh.

Cách đây 30 năm trong chuyến “Nam tuần” của Đặng Tiểu Bình vào tháng 2/1992, ông Đặng đã đặt nền móng cho mức độ tự do trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Đường lối này từng bước hoàn thiện qua ba đời lãnh đạo liên tiếp, Đặng, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Nhưng không ai nghĩ đến có một ngày những con chiên tử vì đạo như Chu Giang Dũng phải vào tù vì lao ra khỏi hầm trú ẩn trước tiên. Đương nhiên, y phạm tội tham nhũng, nhưng y bị bắt chủ yếu là do… chệch hướng.

Một ngáng trở lớn đã đặt ra trong thời Tập Cận Bình. Thật là một trận đánh úp với một rừng chữ nghĩa rối mù.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới