Mới đây báo chí Trung Quốc ồn ĩ về chuyện: Việt Nam phát triển lực lượng dân quân biển với số lượng lớn, trang bị, tàu, vũ khí hiện đại, có thể gây mất an ninh, an toàn trên Biển Đông. Họ la ó như thế nhưng cố tình “quên” rằng, chính Trung Quốc là nước có lực lượng dân quân biển đông nhất, ra đời sớm nhất, và gây rối trên biển nhiều nhất.
Sở dĩ có chuyện ồn ào trong cuộc chiến thông tin là vì, hồi cuối tháng 1/2022, Việt Nam đã tổ chức lễ Thượng cờ cho một đơn vị dân quân mới tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đơn vị này sở hữu 5 tàu thép mà báo chí Trung Quốc thông tin có trang bị súng máy hạng nặng.
Vào năm 2021, đơn vị đầu tiên của “lực lượng tự vệ và dân quân biển thường trực” của Việt Nam đã được thành lập tại Kiên Giang. Dự kiến, các đơn vị tương tự như vậy sẽ được thành lập tại bốn tỉnh ven biển khác.
Một quốc gia biển không thể thiếu lực lượng dân quân biển. Việt Nam khẳng định lực lượng dân quân biển hoạt động hoàn toàn vì mục đích phòng thủ và phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, lực lượng dân quân biển Việt Nam chỉ được thành lập trong vài năm trở lại đây. Trước năm 2009, nước này không có một thể nhân chính thức được gọi là dân quân biển.
Dân quân biển phát triển dần theo thời gian, nhưng đến nay lực lượng này vẫn là một phần hữu cơ của Dân quân tự vệ Việt Nam, không phải là lực lượng riêng biệt như Biên phòng Việt Nam hay Cảnh sát biển Việt Nam.
Lý lẽ tưởng rõ như ban ngày, vậy mà cái gọi là phân tích của “các nhà nghiên cứu” Trung Quốc vẫn dựng đứng lên rằng: việc trang bị vũ khí cho lực lượng dân quân biển Việt Nam có thể làm gia tăng căng thẳng và đe dọa an ninh khu vực. Rồi nữa, các hải đội dân quân “thường trực” của Việt Nam đang được xây dựng theo hướng có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao hơn so với lực lượng dân quân biển thông thường và có thể đóng vai trò tích cực trong các cuộc đối đầu (!)
Tác giả Ding Duo – Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia Trung Quốc, viết trên tờ Nhân dân Nhật báo: “Trong hơn một thập kỷ, Việt Nam đã sử dụng nguồn nhân lực và vật lực khổng lồ để phát triển lực lượng dân quân biển. 126 tàu cá phục vụ lực lượng dân quân biển thuộc 14 tỉnh, thành phố ven biển sẽ được đóng tại Việt Nam trong giai đoạn 2019-2022”.
Báo này còn cáo buộc, các tàu dân quân lớp TK-1482 mới của Việt Nam được trang bị vũ khí bao gồm súng máy hạng nặng với cỡ nòng lớn. “Việc sử dụng vũ khí trên các tàu dân quân được trang bị tốt sẽ gây nguy hại đáng kể đến an ninh và ổn định khu vực” – Lei Xiaolu, Phó giám đốc Sáng kiến Giám sát Biển Đông (South China Sea Probing Initiative), một tổ chức chuyên nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc – cảnh báo.
Việc Bắc Kinh phản đối không khỏi khiến các nhà phân tích quốc tế nực cười. Vì so với Trung Quốc thì dân quân biển Việt Nam quá nhỏ bé. Tổ chức nghiên cứu Rand Corp do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho rằng: Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc thực sự được thành lập vào những năm 1950 và chịu sự chỉ huy trực tiếp của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.
Lực lượng dân quân biển Trung Quốc được ví von “Những người đàn ông xanh bé nhỏ”. Sự “bé nhỏ” này gồm hàng trăm tàu và hàng nghìn thuỷ thủ. Vậy nhưng, Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận sự hiện diện của đội quân này khi bị chất vấn và chỉ gọi đó là “dân quân biển”. Thực chất đây là một phần không thể tách rời trong nỗ lực thực thi các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
CNN dẫn lời các chuyên gia nói, các con tàu được sơn màu xanh và thuỷ thủ đoàn của nó (được cho là do Quân đội Trung Quốc kiểm soát và tài trợ) có thể nhanh chóng đưa sự hiện diện lớn của Trung Quốc tới quanh các bãi đá ngầm và đảo tranh chấp.
Lực lượng “dân quân” nêu trên đã trở thành tiêu đề của nhiều bài báo vào tháng 3-2021, khi hơn 200 tàu cá Trung Quốc tập trung mấy tháng trời quanh khu vực Đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Hiện Philippines đang chiếm giữ). Manila đã phản đối sự hiện diện này tới Bắc Kinh, gọi các tàu này là hiện diện áp đảo và đe doạ đồng thời yêu cầu các tàu Trung Quốc phải rời khu vực. Bắc Kinh lập tức phản pháo và cho rằng: Không có lực lượng dân quân biển như cáo buộc.
Mặc Trung Quốc cãi chày cãi cối, giới chuyên gia phương Tây đã hiểu rõ về cái mà Lầu Năm Góc gọi là Lực lượng dân quân biển có vũ trang (PAFMM).
Vậy là quá rõ đâu là dân quân biển thực sự và đâu là trá hình. Việc xây dựng lực lượng dân quân ở Việt Nam bắt nguồn từ khái niệm “quốc phòng nhân dân”, có nghĩa là dân quân chủ yếu là ngư dân. Sự phát triển sắp tới của lực lượng này ở Việt Nam là một công việc bình thường đối với một quốc gia có bờ biển dài hơn 3.260 km (chưa kể bờ biển của các hải đảo) Việt Nam đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Cùng với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn về tài nguyên biển và hải đảo.
Còn cái gọi là “dân quân biển” Trung Quốc thì đã lộ nguyên hình là lực lượng bán vũ trang, sẵn sàng tham gia vào các cuộc chiến, uy hiếp, không chế tàu cá của nước ngoài. Điều này Luật an toàn giao thông Hàng hải sửa đổi của Trung Quốc (áp dụng từ 1/9/2021) đã ngang nhiên cho phép điều đó (!)
H.Đ