Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên vừa qua, trong khi giá dầu chỉ còn thấp hơn nửa đô la là chạm 100 USD sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội tiến vào miền đông Ukraine.
Giá dầu thô Brent phiên 22/2 tăng vọt lên 99,5 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014 do các nhà giao dịch tính tới khả năng nguồn cung từ Nga có thể bị gián đoạn. Sau đó, giá dầu hạ nhiệt, song kết thúc phiên vẫn tăng 3,5% so với phiên trước, chốt ở 96,84 USD/thùng.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) phiên này cũng vọt lên 96 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 7 năm, trước khi kết thúc ở 92,35 USD, vẫn tăng 1,28 USD hay 1,4% so với phiên liền trước.
Chuyên gia Tamas Varga của nhà môi giới dầu PVM cho biết: “Giá dầu ngày càng có thêm nhiều động lực để vượt 100 USD/thùng”, và “Những người đã đặt cược vào điều đó đã đoán trước được rằng xung đột sẽ leo thang.”
Nhà phân tích Norbert Rucker của Julius Baer cho biết: “Chúng tôi thấy thị trường dầu mỏ đang ở trong một thời kỳ băng giá và lo lắng, giá tăng bởi nỗi sợ hãi và cảm xúc địa chính trị. Với tâm trạng phổ biến hiện nay, giá dầu rất có thể leo lên mức ba con số trong thời gian tới.”
Các động thái trên của thị trường dầu mỏ diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo quân đội của mình tiến vào các khu vực Donetsk và Luhansk do phiến quân Ukraina nắm giữ, khiến Đức và các cường quốc phương Tây khác công bố các lệnh trừng phạt mới chống lại Moscow.
Đức công bố ngừng phê duyệt đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD của Nga trên Biển Baltic, Mỹ cấm các công ty kinh doanh tại các khu vực ly khai, và cấm nhập khẩu toàn bộ mọi hàng hóa từ các khu vực đó, Liên minh châu Âu đưa thêm nhiều chính trị gia của Nga vào danh sách đen…
Chỉ số chứng khoán S&P 500 của Phố Wall kết thúc phiên này giảm 1% xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ cuối năm 2021, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu năng lượng và tiêu dùng không thiết yếu giảm giá mạnh. Sự sụt giảm trong phiên vừa qua đã đưa chỉ số S&P500 chính thức bước vào đợt điều chỉnh theo hướng giảm, khi mất hơn 10% kể từ mức cao nhất gần đây, ngày 3/1.
Chỉ số Nasdaq Composite của các công ty công nghệ cũng giảm 1,2%, chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu giảm 1,9%, trước khi phục hồi nhẹ để kết thúc phiên tăng 0,1% so với phiên liền trước.
Cổ phiếu phương Tây trồi sụt mạnh cho thấy các nhà giao dịch dự kiến thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục dao động sau mỗi thông tin liên quan đến Ukraine, với thước đo về sự biến động dự kiến đối với giao dịch S&P 500 – Vix – ở mức 28,9.
Giá khí tự nhiên tại Châu Âu phiên vừa qua cũng tăng vọt thêm khoảng 10% lên 79,50 euro/Megawatt giờ, trước khi Mỹ và các đồng minh phương Tây tung ra hàng loạt các lệnh trừng phạt chống lại Moscow vào cuối ngày.
Các lệnh trừng phạt đối với trái phiếu chính phủ của Nga là sẽ cấm mua các khoản nợ phát hành sau ngày 1 tháng 3. Trái phiếu chính phủ của Nga được phát hành bằng đồng euro phiên vừa qua chỉ phản ứng rất nhẹ trước tin này, bởi nhà đầu tư đã bán tháo từ trước đó.
Trái phiếu chính phủ châu Âu chịu áp lực bán ra trước viễn cảnh giá khí đốt trong khu vực sẽ gia tăng, làm cho tình trạng lạm phát vốn đang rất cao sẽ càng thêm trầm trọng.
Bastien Drut, chiến lược gia về kinh tế vĩ mô của CPR Asset Management, cho biết: “Một trong số rất ít điều chắc chắn mà chúng ta có thể thấy từ cuộc khủng hoảng này là giá năng lượng đang tăng cao. Ngay cả khi căng thẳng ở Ukraine không leo thang thì lạm phát vẫn đang gia tăng.”
Chỉ số chứng khoán toàn cầu – FTSE All-World giảm 3,3% trong tháng này, nâng mức giảm từ đầu năm đến nay lên 8%, do căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa bối cảnh thị trường vốn đã bị xáo trộn bởi các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các chiến lược gia của JPMorgan trong một thông báo gửi tới khách hàng của mình đã cho biết: “Một cú sốc giá năng lượng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đang tích cực xoay trục vì mục tiêu ngăn chặn lạm phát có thể làm giảm thêm tâm lý của nhà đầu tư và kéo theo khả năng kéo giảm tăng trưởng kinh tế”.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu một chuỗi các đợt tăng lãi suất từ tháng tới, sau khi ghim chi phí đi vay gần bằng 0 trong suốt 2 năm qua. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ loại bỏ các khoản mua nợ khẩn cấp của chính phủ trong năm nay.
Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ phiên vừa qua vững ở mức 1,93%.
Lợi tức trái phiếu Bund kỳ hạn 10 năm của Đức tăng 0,04 điểm phần trăm lên 0,24%, trong khi lợi suất trái phiếu Anh kỳ hạn 10 năm tăng 0,6 điểm phần trăm lên 1,47%.
Giá tài sản của Nga biến động mạnh trong phiên 22/2, với đồng rúp có lúc chạm mức thấp nhất hơn 15 tháng, nhưng sau đó hồi phục mạnh lên kết thúc phiên tăng 0,7% so với phiên trước.
Tại châu Á, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 2,7%, trong khi chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Tokyo lúc đóng cửa giảm 1,7%.
T.P