Lục quân của NATO không thể được bảo vệ hoàn toàn từ trên không. Ở tầm thấp, quân đội Nga có những ưu thế vượt trội.
Trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở châu Âu tiếp tục leo thang, nhiều chuyên gia phương Tây đưa ra câu hỏi: cuộc xung đột vũ trang Nga – NATO sẽ có kết cục như thế nào? Một sĩ quan cao cấp của Mỹ khẳng định lục quân của NATO không thể được bảo vệ hoàn toàn từ trên không. Ở tầm thấp, quân đội Nga có những ưu thế vượt trội.
Cuộc khủng hoảng Ukraine có tác dụng làm tăng độ gắn kết trong liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Không quân của NATO tăng cường các chuyến bay dọc biên giới Nga.
Trên lãnh thổ châu Âu, các đơn vị tác chiến đa quốc gia được thành lập, cơ sở hạ tầng quân sự tiếp tục được hoàn thiện. Các cuộc diễn tập thường xuyên được tổ chức. Brussels và Washington không giấu diếm rằng: tình hình căng thẳng hiện nay là một cơ hội tốt để các đồng minh phương Tây thực hành chiến thuật, vượt qua rào cản ngôn ngữ, diễn tập hành động như một thực thể thống nhất.
Theo nhận định của Tư lệnh lực lượng không quân Mỹ, phụ trách khu vực châu Âu và châu Phi, tướng Jeffrey Harrigian: đây là cơ hội tốt để Mỹ có thể phối hợp với các đối tác diễn tập hoạt động hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng mặt đất từ trên không (CAS).
Trưởng ban các chương trình đặc biệt của bộ tư lệnh không quân Mỹ, đại tá Maximilian Bremer cho rằng:
“Hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị trên mặt đất là nhiệm vụ không đơn giản, khi ở độ cao dưới 3.000m, lực lượng không quân Mỹ chủ yếu chỉ có máy bay cường kích A-10 và trực thăng tấn công.
Trong khi Nga có những thiết bị phòng không rất mạnh, nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại. Thí dụ như: các tổ hợp Tor, Buk, tổ hợp Pantsir, Tugunska. Đó là chưa kể đến các tổ hợp phòng không vác vai Igla, Verba. Những vũ khí này không chỉ gây ra những thiệt hại về vật chất, mà còn những tổn thất rất lớn về con người cho đối phương”.
Đại tá Bremer thú nhận: “Hiện nay, Mỹ chưa có vũ khí đáp trả hiệu quả. Những máy bay cường kích và trực thăng có thể dễ dàng bị bắn hạ. Đưa tiêm kích thế hệ 5 F-35 vào sử dụng là vô cùng mạo hiểm, đây là dòng máy bay chỉ có khả năng tàng hình khi đạt độ cao nhất định, số lượng tiêm kích có giá thành rất cao F-35 của Mỹ cũng không có nhiều”.
Theo đánh giá của đại tá Bremer, ngoài các tổ hợp phòng không ra, quân đội Nga có át chủ bài khác, đó là pháo binh. Trong những thập niên gần đây, không quân NATO chủ yếu dựa vào sức mạnh của không quân, khi mà hệ thống phòng không của đối phương không đủ mạnh, có thể tự do oanh tạc mà không bị trừng phạt. Nhưng đối với Nga, sự việc sẽ không diễn ra như vậy được.
Đại tá không quân Mỹ Maximilian Bremer nhấn mạnh: “pháo binh là lực lượng chủ chốt của lục quân Nga. Chỉ tính riêng quân đội Nga, số lượng tổ hợp pháo hạng nặng, các hệ thống hỏa lực bắn loạt đã nhiều hơn bất kỳ một quốc gia thành viên của NATO.
Trong khi Nga không ngừng hoàn thiện vũ khí này, thì NATO lại đưa chúng đi làm phế liệu. Kết quả là quân đội NATO hầu như không có pháo binh hạng nặng. Cần phải hiểu rõ sự việc là: giai đoạn đầu của chiến tranh, quân đội Nga có thể sử dụng pháo binh để tấn công đối phương, trong khi binh sĩ của họ vẫn có thể bình an vô sự.
Pháo binh sẽ kết hợp chặt chẽ với máy bay trinh sát không người lái. Trong những năm gần đây, Nga đã có nhiều bước tiến về số lượng và chất lượng trong lĩnh vực này. Nga đã sử dụng rất hiệu quả vũ khí này ở chiến trường Syria”.
Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov cho biết: “Máy bay không người lái của Nga đã thực hiện 16.000 chuyến bay, chúng kết hợp với lực lượng mặt đất tạo thành vòng tròn hỏa lực – trinh sát khép kín. Sự liên kết này có thể diễn tả như sau: lực lượng đặc nhiệm lọt sâu vào hậu phương của địch, xác định mục tiêu cần tiêu diệt.
Máy bay không người lái được điều động tới khu vực tác chiến, binh sĩ đặc nhiệm Nga được trang bị tổ hợp trinh sát, chỉ huy và thông tin.
Qua tổ hợp này, tọa độ mục tiêu được chuyển về cho máy bay không người lái. Những thông tin này, được máy bay không người lái truyền cho không quân và pháo binh. Tiếp theo là những giàn hỏa lực chính xác. Máy bay không người lái xác nhận hiệu quả của đợt tấn công. Chiến thuật này liên tục được huấn luyện và hoàn thiện”.
Một thế mạnh nữa của quân đội Nga, đó là: máy bay không người lái loại nhỏ, hoạt động tầm thấp và máy bay không người lái cảm tử. Mỹ đã tiêu tốn hàng tỷ USD để phát triển vũ khí để đối phó với thiết bị này của Nga. Các đợt thử nghiệm cho thấy, vũ khí của Mỹ chỉ đánh chặn được 60% mục tiêu loại này.
Đại tá không quân Mỹ Maximilian Bremer kết luận: “Nói tóm lại, NATO không có nhiều phương án để vô hiệu hóa thế mạnh của quân đội Nga. Hiện nay, NATO cần phải khẩn trương tăng cường khả năng pháo binh, đặc biệt là pháo hạng nặng và các tổ hợp pháo phản lực bắn loạt. Tăng cường số lượng máy bay không người lái cỡ nhỏ (càng nhiều càng tốt), gấp rút phát triển hệ thống phòng không tầm ngắn”.
T.P