Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiQuan điểm của TQ về 'có trừng phạt Nga?'

Quan điểm của TQ về ‘có trừng phạt Nga?’

Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc uyển chuyển vấn đề, cho rằng trừng phạt không phải là cách tốt, khi được hỏi liệu Bắc Kinh có trừng phạt Nga như một số nước phương Tây đã làm.

Sau động thái mở màn của Mỹ, lần lượt các nước châu Âu, Úc, Nhật Bản đã áp lệnh trừng phạt nhắm vào Nga với lý do Matxcơva công nhận độc lập hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine.

Ngày 23-2, Hãng thông tấn Yonhap dẫn các nguồn tin cho biết Seoul đang tham vấn với Mỹ về các biện pháp trừng phạt Nga. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã loại trừ việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine. 

Trước đó, Úc và Canada cũng công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào một số cá nhân thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Nga, dẫn tới việc Matxcơva tuyên bố sẽ đáp trả “tương xứng”.

Ngày 23-2, khi được hỏi liệu có tham gia cùng phương Tây “trừng phạt Nga”, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này chưa bao giờ nghĩ trừng phạt là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề.

Theo bà Hoa Xuân Oánh, các bên nên kiềm chế hành động và bình tĩnh, tìm cách giải quyết sự việc qua đối thoại. 

Phản ứng của Trung Quốc trước các diễn biến mới tại Ukraine là điều một số báo chí phương Tây đang chú ý, xét tới quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa hai nước trong thời gian gần đây.

Hôm 22-2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken theo đề nghị từ Washington.

Thời báo Hoàn Cầu cho biết ông Vương Nghị đã nhấn mạnh lập trường của Bắc Kinh với vấn đề Ukraine là “nhất quán”. Trong đó các mối quan ngại an ninh chính đáng của các nước cần được tôn trọng, đảm bảo các nguyên tắc đã được nêu trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Zhang Jun cùng ngày 22-2 cũng kêu gọi các bên giải quyết bất đồng bằng con đường đối thoại và hòa bình. Theo ông Zhang, tình hình ở Ukraine hiện nay là “kết quả của nhiều yếu tố phức tạp” và cố gắng duy trì lập trường trung lập.

Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc liên tục được củng cố kể từ năm 2014, sau khi Matxcơva đối mặt các lệnh trừng phạt của phương Tây vì sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine sau một cuộc trưng cầu ý dân.

Số liệu hải quan cho thấy Trung Quốc trở thành điểm đến hàng đầu cho hàng hóa Nga kể từ năm 2014, theo Hãng tin Reuters ngày 23-2.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp hàng nhập khẩu hàng đầu của Nga, với điện thoại di động, máy tính, thiết bị viễn thông, đồ chơi, dệt may, quần áo và linh kiện điện tử. Tỉ trọng nhập khẩu của Nga từ Trung Quốc đã tăng kể từ năm 2014.

RELATED ARTICLES

Tin mới