Các biện pháp trừng phạt sẽ gây ra thảm họa cho nền kinh tế Nga nhưng Mỹ và châu Âu cũng hứng chịu ảnh hưởng. Moscow vẫn có công cụ gây áp lực với phương Tây.
Trái với nhiều dự đoán, rạng sáng 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố khởi động một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine với mục đích “bảo vệ người dân vùng Donbass.” Quân đội Nga đã vượt qua biên giới từ ngả Belarus, Crimea và Donbass.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống V. Putin mô tả đây là “hoạt động quân sự đặc biệt” được tiến hành ở Ukraine theo các thỏa thuận đã được ký kết giữa Moscow với hai nước cộng hòa Donetsk và Luhansk ở Donbass thuộc miền đông Ukraine, nhằm bảo vệ công dân Nga sinh sống ở đó.
Theo ông Putin, chiến dịch này cũng nhằm bảo vệ Nga khỏi các mối đe dọa đối với an ninh của Nga, đặc biệt khi Kiev tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông nhấn mạnh, mục tiêu của Nga thông qua chiến dịch này không phải để chiếm đóng Ukraine, mà là nhằm phi quân sự hoá, giải giáp, trung lập hoá Ukraine.
Trong khi đó, Quốc hội Ukraine tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Tổng thống V. Zelensky ban bố thiết quân luật trên toàn quốc. Ông Zelensky kêu gọi người dân Ukraine không nên hoảng sợ và bày tỏ niềm tin vào chiến thắng. Ông đã đăng một video trên Facebook: “Không có gì phải hoảng sợ. Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi tình huống và chúng ta sẽ chiến thắng”.
Phản ứng quốc tế
Đến nay, có Mỹ và các nước phương Tây lên tiếng phản đối chiến dịch quân sự của Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.
Các nước khác kêu gọi các bên kiềm chế, không để tình hình leo thang. Nhìn chung, các phản ứng là có mức độ, giới hạn ở các tuyên bố lên án, cho rằng Moscow vi phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, vi phạm luật pháp quốc tế và kêu gọi Nga rút quân.
Mỹ và NATO cho rằng, Ukraine không phải thành viên của liên minh nên không có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine theo điều 5 của Hiến chương. Tổng thống Mỹ J. Biden cũng tuyên bố, trong mọi trường hợp Mỹ sẽ không đưa quân đến Ukraine tham chiến chống Nga.
Mặt khác NATO đã từ chối đề nghị của Tổng thống V. Zelensky về việc thiết lập một vùng cấm bay trên không phận Ukraine vì lo ngại rằng, một quyết định như vậy có thể dẫn đến một cuộc đụng độ trực tiếp giữa liên minh và Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng khẳng định London không có ý định gửi quân đến Ukraine và nêu rõ Anh không muốn đối đầu quân sự với Nga.
Trong khi đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Nhật Bản và New Zealand đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt trên diện rộng đối với Nga nhắm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng, giao thông vận tải, xuất khẩu hàng hóa, hạn chế cấp thị thực ngoại giao cho các quan chức Nga, cấm xuất khẩu công nghệ vào Nga và hạn chế Moscow thâm nhập thị trường tài chính của các nước EU.
Về cấm vận nhằm vào Nga: Chính quyền Mỹ quyết định dừng cấp phép hoạt động cho công ty “Nord Streeam-2 AG”, đơn vị điều hành dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc-2” giữa Nga và Đức. Các biện pháp này hầu hết đã được áp dụng từ nhiều năm nay và Moscow đã chuẩn bị kỹ cho tình huống này.
Về phản ứng của Hội đồng Bảo an: Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhóm họp, nhưng không đưa ra được tuyên bố nào do không đạt được đồng thuận. Mới đây, Mỹ và Albania đã kêu gọi tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an ngày 25/2/2022 về dự thảo nghị quyết lên án hành động quân sự tại Ukraine của Nga và yêu cầu Nga rút lực lượng khỏi quốc gia này ngay lập tức.
Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết chắc chắn sẽ không thông qua được vì Nga là thành viên thường trực của HĐBA có quyền phủ quyết, chưa kể một thành viên thường trực khác là Trung Quốc có thể sẽ không bỏ phiếu thuận.
Về kế hoạch triển khai lực lượng bổ sung của Mỹ: Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc sẽ cử thêm 7.000 quân tới Đức. Quan chức này nói, mục đích của quyết định này là “để trấn an các đồng minh NATO, ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga và chuẩn bị hỗ trợ các nhu cầu trong khu vực.”
Trước đây, Washington đã bố trí 1.000 binh sĩ ở các nước Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania và Romania. Sau đợt tăng quân này, Mỹ sẽ có tổng cộng hơn 90.000 nhân viên quân sự ở châu Âu.
Trật tự thế giới mới
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine cần phải được xem xét trong bối cảnh có nhiều thay đổi đã xảy ra trong quan hệ quốc tế suốt ba thập kỷ qua. Chiến dịch này không chỉ nhằm trung lập hoá Ukraine, bảo đảm an ninh cho Nga mà mục tiêu lớn hơn là thiết lập một trật tự thế giới mới.
Năm 1991, Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, thế giới chuyển từ lưỡng cực sang đơn cực do Mỹ lãnh đạo.
Lợi dụng khối quân sự Warsaw giải thể, nước Nga suy yếu, liên minh NATO do Mỹ đứng đầu đã mở rộng tư cách thành viên từ 12 nước khi thành lập (1949) lên 30 nước hiện nay và đang có kế hoạch kết nạp thêm Ukraine và một số nước thuộc Liên Xô cũ.
Cùng với việc mở rộng về phía Đông, NATO đã triển khai các loại vũ khí chiến lược ở các nước Đông Âu và vùng Baltic giáp biên giới Nga, bao vây nước Nga từ mọi phía. Điều này hoàn toàn trái với cam kết của Mỹ và NATO đưa ra năm 1991 “không mở rộng NATO một inch về phía Đông.”
Nước Nga, đang hồi phục mạnh mẽ và dần dần lấy lại vai trò và vị trí của Liên bang Xô Viết. Về quân sự, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, Liên bang Nga không thua kém Mỹ và vẫn là một siêu cường.
Ngoài ra, Trung Quốc đang trỗi dậy thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Không chấp nhận một trật tự thế giới do Mỹ lấn lướt, đe dọa tới an ninh của mình, Moscow phải tìm mọi cách thay đổi trật tự thế giới hiện tại, trước mắt là liên quan tới cấu trúc an ninh của châu Âu. Quan điểm này được Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác chia sẻ.
Trong tình hình như vậy, ngày 17/12/2021, Moscow đã đưa ra đề xuất về an ninh cho lục địa châu Âu, nhưng không được Mỹ và NATO đáp ứng. Các nước này tăng cường “bơm vũ khí” vào Ukraine, tiếp tục triển khai lực lượng quân sự ớ Đông Âu và các nước Baltic.
Nước Nga không có cách nào khác, phải tìm cách bảo đảm an ninh lâu dài cho mình, đã công nhận nền độc lập của hai nước cộng hoà Donetsk và Lugansk tách khỏi Ukraine và tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine nhằm phá hủy các cơ sở quân sự được thiết lập tại đây và trung lập hoá nước này.
Mỹ, Châu Âu cũng sẽ bị thiệt hại do trừng phạt Nga
Một số nhà phân tích chính trị phương Tây cho rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ gây ra thảm họa cho nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, nhiều người khác, kể cả chính giới lại cảnh báo phương Tây cần chuẩn bị đối phó với hậu quả của các lệnh cấm vận này đối với chính nền kinh tế của họ. Tổng thống Mỹ J. Biden thừa nhận rằng, nền kinh tế Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Nguồn cung cấp nguyên liệu thô từ Nga bị gián đoạn, làn sóng người tị nạn, hàng tỷ USD Nga nợ các nước sẽ không trả được, giá cả và chi tiêu ngân sách sẽ tăng vọt trong khi 30 quốc gia châu Âu với hơn 500 triệu dân chưa ra khỏi đại dịch Covid-19.
Nga được tự do áp đặt các biện pháp trừng phạt đáp trả. Moscow vẫn có các công cụ gây áp lực kinh tế đối với phương Tây. Các biện pháp trừng phạt sẽ đánh vào các ngân hàng và doanh nghiệp phương Tây đang đầu tư hoặc giao dịch với Nga. Các hoạt động quân sự sẽ phá hủy các đường ống dẫn dầu và khí đốt, các nhà máy, hầm mỏ và gây ra một làn sóng người tị nạn.
Thương mại: Nga là đối tác thương mại lớn thứ năm của EU, Ukraine là đối tác thương mại thứ 18. 37% thương mại của Nga là với EU, châu Âu mua 25% tổng lượng dầu và 40% khí đốt từ Nga. Do đó, châu Âu dễ bị tổn thương. Nga chỉ cần một động tác đóng van đường ống khi đốt thì châu Âu phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất, chưa kể việc phong tỏa đường ống Nord Stream-2.
Về phần mình, ngay từ khi sáp nhập Crimea năm 2014, Nga đã chuẩn bị cho mình mọi điều kiện để có thể vượt qua những khó khăn do cấm vận gây ra. Mới đây, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, một thị trường 1,4 tỷ dân sẽ giúp Nga bớt lệ thuộc vào châu Âu.
Chính quyền Nga đã tính toán trong việc chi tiêu ngân sách hợp lý hơn. Nga đã tích lũy được một tấm đệm an toàn vững chắc cho nền kinh tế khi gặp rủi ro.
Quỹ phúc lợi quốc gia đạt gần 200 tỷ USD, nợ nước ngoài chỉ bằng 20% GDP hàng năm của nền kinh tế, dự trữ vàng và ngoại hối vượt quá 600 tỷ USD và tỷ trọng đồng USD của Mỹ trong nền kinh tế Nga khá thấp. Gần đây, giá dầu tăng kỷ lục lên hơn 100 USD/thủng đang đem lại cho ngân sách Nga một nguồn thu lớn.
Hàng không: Nhiều hãng hàng không chưa thoát khỏi khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, thì lại lâm vào khủng hoảng mới. Giá nhiên liệu tăng chỉ một phần của vấn đề, chiến tranh nếu nổ ra sẽ tước đi lợi nhuận của các hãng hàng không do không thể thực hiện được các chuyến bay đến Ukraine do mất thương quyền bay qua không phận Nga.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 1000 chuyến bay từ châu Âu sang phía Đông qua không phận Nga, sẽ phải bay vòng qua không phận các nước khác, chi phí sẽ tăng lên đáng kể.
Ngoài ra, trong số gần 1.000 máy bay của các hãng hàng không Nga, thì có một nửa được thuê của các nước phương Tây với giá trị khoảng 10 tỷ USD/năm. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong việc thanh toán bằng ngoại tệ do các lệnh trừng phạt gây ra đều có thể gây thiệt hại cho các chủ sở hữu máy bay.
Ngân hàng và tài chính: Việc loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT giữa các ngân hàng được Mỹ và châu Âu coi là “quả bom hạt nhân” trong việc trừng phạt tài chính.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, biện pháp này sẽ tạo cơ hội cho các con nợ Nga trì hoãn, hoặc thậm chí trốn tránh việc trả nợ. Mặt khác, nó sẽ làm giảm vai trò của phương Tây trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Ngay cả khi không loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, các nước phương Tây vẫn bị thiệt hại do các lệnh trừng phạt nhằm vào các ngân hàng nhà nước của Nga hoặc các hạn chế đối với việc thanh toán bằng đồng USD.
Phần lớn các ngân hàng nước ngoài có đại diện tại Nga là của châu Âu. Ngân hàng lớn nhất trong số này là Raiffeisen của Áo, UniCredit của Italia và Société Générale của Pháp. Các chuyên gia tính toán rằng, do lệnh trừng phạt mỗi ngân hàng trong số này sẽ thiệt hại ít nhất khoảng 1,5-2,5 tỷ euro.
Mặt khác, để đáp trả các lệnh trừng phạt, Nga có thể tịch thu tài sản của các công ty phương Tây đang hoạt động tại Nga. Các công ty này có thể sẽ mất hết tài sản, hoặc sẽ mất lợi nhuận do đồng rúp mất giá, hoặc do hạn chế việc chuyển tiền ra nước ngoài.
Cung cấp nguyên liệu: Nga là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính các nguyên liệu thô để sản xuất phân bón, nhà cung cấp hàng đầu về nhôm, titan, niken, coban, bạch kim, vàng, đồng, thép, kim cương. Việc gián đoạn trong việc cũng cấp các nguồn nguyên liệu này từ Nga sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất ở châu Âu.
Mỹ và châu Âu không thể vượt qua những khác biệt về quy mô và bản chất của các lệnh trừng phạt chống Nga. Các nước châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga khoảng 64% mà Mỹ và các nước khác không thể thay thế được.
Các biện pháp trừng phạt chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho Nga, nhưng Mỹ và châu Âu sẽ không thể ngăn cản Tổng thống V. Putin thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh cho nước Nga và các đồng minh của họ trong không gian hậu Xô Viết, tiến tới thiết lập một trật tự thế giới mới.
Thực tế chứng minh rằng, các biện pháp trừng phạt đã không đem lại hiệu quả mong muốn. Các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất, chiến lược “gây sức ép tối đa” chống Iran của Mỹ và phương Tây đã không khuất phục được Tehran, thì việc trừng phạt Nga, một cường quốc có quan hệ hợp tác rộng rãi với nhiều quốc gia trên thế giới, mặc dù sẽ gây khó khăn cho kinh tế Nga, nhưng cũng sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.
Mặc dù lên án Nga, Mỹ và phương Tây và cả Ukraine vẫn để ngỏ cửa cho đàm phán để giải quyết cuộc xung đột. Các nước đang kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng vũ lực, trở lại bàn đàm phán để tìm ra giải pháp bảo đảm lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan.
T.P