Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Bộ tứ” có còn là “kim cương”?

“Bộ tứ” có còn là “kim cương”?

“Bộ tứ” thành lập từ năm 2007, theo sáng kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cùng sự ủng hộ của Phó Tổng thống Dick Cheney của Hoa Kỳ, Thủ tướng John Howard của Úc và Thủ tướng Manmohan Singh của Ấn Độ. Những vấn đề liên quan sự kiện Ukraine đang khiến các thành viên lâm vào thế khó.

Một cuộc tập trận của nhóm “bộ tứ” trên Vịnh Bengal, tháng 10/2021.

Hiểu cụ thể hơn, “bộ tứ” hay còn còn gọi là “bộ tứ kim cương”, là một diễn đàn chiến lược không chính thức giữa các nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc. Diễn đàn này được duy trì bằng các hội nghị thượng đỉnh bán thường xuyên, trao đổi thông tin và diễn tập quân sự giữa các quốc gia thành viên. Mục tiêu của nó là duy trì trật tự an ninh dựa trên quy tắc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Một cây làm chẳng nên non”. Biết thế nên dù là cường quốc số 1 như Mỹ, vẫn muốn có thêm các quốc gia, hoặc là đồng minh, hoặc là đối tác, “chụm vào” để tăng thêm sức mạnh. Các quốc gia khác thì đương nhiên rồi. Nhật Bản vốn hằm hè với Trung Quốc trong câu chuyện quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Còn Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai, sau Trung Quốc, thời điểm đó cũng đã bắt đầu vươn vai cạnh tranh với các nước khác, nhất là Trung Quốc kề cạnh, để thành cường quốc, chí ít là ở Châu Á.

Ra đời không muộn, nhưng phải 14 năm sau, “bộ tứ” dường như mới thực sự xứng với mỹ từ “bộ tứ kim cương” với cuộc họp tháng 2/2021 giữa các nguyên thủ 4 nước thành viên, vạch ra những mục tiêu chiến lược: “giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, trao đổi quan điểm về các lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và bao trùm”.

Có người ví, mục tiêu đó tuy “mênh mông như đại dương”, nhưng suy cho cùng, lại khá cụ thể: cảnh báo sự trỗi dậy một cách hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, và nhất là Biển Đông đang nóng lên từng ngày gắn với yêu sách “đường 9 đoạn” Bắc Kinh đơn phương đưa ra năm 2009.

Senkaku trên biển Hoa Đông có thể ít phức tạp hơn do tranh chấp chỉ diễn ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng Biển Đông thì khác: can dự, ngoài “5 nước 6 bên”, còn là Mỹ và nhiều nước khác, với lý do đây là tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới. Đó là chưa kể, một Biển Đông có thành “ao nhà” của Trung Quốc hay không; một Biển Đông có được duy trì và đảm bảo “tự do hàng hải” hay không, còn nói lên rằng, giữa Trung Quốc và Mỹ, “ai lên ngôi, ai thoái vị” vai trò cường quốc số 1?

Ngỡ đã thành “kim cương” rồi thì cứ thế mà đập cũng không bể. Những cuộc tập trận quy mô lớn của “bộ tứ” trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhất là Biển Đông thời gian gần đây càng khiến nhiều người tin điều đó. Vậy mà đánh đùng, cuộc chiến Ukraine đẩy Mỹ và Ấn Độ vào tình thế khá éo le, khiến có người lo ngại rằng “kim cương cũng có thể rạn”?

Chuyện liên quan đến sự kiện Ukraine.

Mỹ cùng Nhật, Úc phản đối, cáo buộc Nga xâm lược Ukraine. Ấn Độ thì lặng thinh. Và Ấn Độ cũng một trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của LHQ “yêu cầu” Nga “ngay lập tức” rút quân khỏi Ukraine và chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Dư luận thừa biết, có là phiếu đó vì Ấn Độ trong thế khó với việc Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho quân đội Ấn Độ; và Ấn Độ cũng là khách sộp mua hệ thống phòng không S-400 của Nga – điều đó có thể khiến New Delhi chịu án phạt của Washington trong bối cảnh Nhà trắng cùng các đồng minh đang thực hiện các biện pháp trừng phạt, cấm vận Nga.

Tuy nhiên, với ai kia, chứ với Ấn Độ thì Mỹ phải tính. Bởi nếu Mỹ nặng tay với Ấn Độ như thông lệ, thì rất có thể khiến Ấn Độ – một thành viên của “bộ tứ” phẫn nộ. Và như thế, ai dám chắc, một “bộ tứ kim cương” có thực sự còn, hay chỉ là hình thức?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới