Những tưởng 2022 sẽ là năm phục hồi của ngành du lịch thế giới vốn “ốm yếu” vì đại dịch Covid-19, nhưng chiến sự Nga – Ukraine đang bẻ lái lộ trình hồi sức của ngành này.
Sau hai năm du lịch bị đóng băng vì các biện pháp phòng Covid-19 thay đổi thất thường, các hãng hàng không và công ty lữ hành một lần nữa đối mặt với thách thức từ hàng loạt lệnh “đóng cửa” bầu trời và hủy chuyến. Mây đen tiếp tục phủ đầu ngành du lịch thế giới.
Theo tổng hợp của đài CNN, đến nay, đã có hơn 30 quốc gia đóng cửa không phận đối với Nga và Moscow đã cũng “phản pháo” không kém. Cơ quan Hàng không Dân dụng Nga vừa thông báo đã đóng cửa không phận đối với ít nhất 37 quốc gia, tính đến ngày 1/3/2022. Không phận Ukraine, Moldova và một số khu vực của Belarus vẫn đang trong trạng thái đóng.
Trong ngắn hạn, các nước đồng loạt đóng cửa không phận khiến ngành hàng không đối mặt với tình trạng hủy chuyến hoặc chuyển hướng đường bay. Còn với ngành du lịch, những hậu quả lâu dài có thể còn sâu rộng hơn nhiều.
Chi phí nhiên liệu tăng, giá tour đắt đỏ hơn
Giá dầu thô thế giới chính thức vượt mốc 110 USD/thùng vào ngày 2/3 và rượt đuổi mốc 116-118 USD/thùng vào ngày hôm sau. Các nhà đầu tư lo ngại, giá dầu còn tiếp tục tăng do hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga đang gặp khó. Ra đòn trừng phạt sau khi Điện Kremlin tấn công vào Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây quyết định loại Nga ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế SWIFT nhằm ngăn chặn giao dịch ngoại tệ của các ngân hàng Nga.
Giá năng lượng tăng cao khiến cho bất kỳ loại hình du lịch nào cũng tăng giá. Các tuyến bay vòng tránh không phận bị đóng cửa theo các lệnh trừng phạt sẽ khiến các hãng bay “đốt” nhiều nhiên liệu hơn. Chi phí hàng không tăng cao cuối cùng cũng bị dồn sang tay người tiêu dùng.
Hãng hàng không lớn nhất châu Âu Lufthansa cho biết, các đường bay vòng qua châu Á sẽ khiến hãng này tiêu tốn thêm “1 triệu euro” mỗi tháng. Phát biểu với báo giới trong buổi công bố báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh hôm 3/3, Giám đốc tài chính Remco Steenbergen của Lufthansa khẳng định, hãng này sẽ phải tăng giá vé máy bay để bù đắp mức tăng của giá nhiên liệu và các chi phí khác.
Giá vé máy bay tăng đột biến sẽ kéo giảm nhu cầu bay của kháng hàng. Đó là tin xấu cho ngành công nghiệp không khói vốn đang phải vật lộn để bù đắp cho những tổn thất do đại dịch hai năm qua, chưa kể lạm phát.
Nhu cầu du lịch giảm vì nỗi sợ kép
Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) đã phát đi cảnh báo về “nguy cơ cao” mất an toàn đối với các máy bay dân dụng bay gần biên giới Ukraine. Không phận Nga, Belarus, Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Moldova cũng nằm trong danh sách rủi ro an toàn.
Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu cũng đã tăng gấp đôi diện tích vùng cảnh báo rủi ro xung quanh Ukraine do lo ngại “tên lửa tầm trung xâm nhập vào không phận được kiểm soát”. Đặc biệt, cơ quan này lưu ý, “có nguy cơ xảy ra cả việc cố ý nhắm mục tiêu và xác định nhầm máy bay dân dụng”.
Thế giới không thể xem nhẹ cảnh báo của Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu sau khi chuyến bay thương mại MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine vào năm 2014, khiến 298 người thiệt mạng. Các nhà điều tra cho biết, tên lửa “hạ” máy bay Malaysia được bắn từ bệ phóng thuộc Lữ đoàn tên lửa phòng không số 53 của Nga.
Đối với những hành khách và phi hành đoàn vốn ngại Covid-19, thì chuyện bay gần khu vực xung đột và khu vực trong vùng cảnh báo rủi ro sẽ khiến họ chùn chân đi du lịch.
Bình luận trên CNN, ông Olivier Ponti, Phó chủ tịch Công ty phân tích du lịch ForwardKeys cho biết: “Có khả năng các điểm đến gần Nga sẽ bị ảnh hưởng vì khách hàng sẽ lo sợ chiến tranh cận kề, ngay cả khi điều đó là phi lý”. “Du khách Mỹ có thể bị ngăn cản nhiều hơn khi đến thăm Đông Âu và mặc dù không quá nhiều, nhưng việc đi du lịch các nước Tây Âu cũng sẽ bị hạn chế”, ông Olivier Ponti nhận định.
Chúng ta vẫn đang sống giữa một đại dịch toàn cầu với các biện pháp hạn chế đi lại và kiểm dịch khác nhau, theo từng quốc gia. Các tổ chức du lịch đã kêu gọi các nước sớm xem xét gỡ bỏ hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19, “mở cửa” bầu trời trở lại để phá băng du lịch.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng thực địa ở Ukraine cộng với cuộc khủng hoảng tị nạn chiến tranh sẽ khiến đại dịch Covid-19 càng dễ lây lan hơn. “Bất cứ khi nào ta phá vỡ xã hội như vậy và khiến hàng triệu người phải di cư, thì các bệnh truyền nhiễm sẽ xoáy vào vết đổ vỡ đó”, ông Mike Ryan, Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của WHO nói trong một cuộc họp báo hôm 3/3.
“Mọi người túm tụm bên nhau, họ căng thẳng, không ăn ngủ đúng cách. Họ rất dễ bị tác động, trước hết là bản thân bị nhiễm bệnh. Và có nhiều khả năng bệnh sẽ lây lan”, đại diện WHO nêu.
Hàng không, du lịch tiếp tục thất thu
Theo Hiệp hội các nhà điều hành du lịch Nga (ATOR), người Nga đã thực hiện hơn 10,1 triệu chuyến du lịch nước ngoài trong năm 2021, trong đó 4,7 triệu chuyến đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, ngành du lịch hy vọng doanh thu năm 2022 sẽ gỡ gạc lại những mất mát 2 năm qua. Dữ liệu của Công ty phân tích du lịch ForwardKeys cho thấy lượng đặt vé máy bay từ Nga đi các nước trong ba tháng 3, 4, 5 đã phục hồi bằng 32% so với trước đại dịch, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Maldives và Thái Lan là những điểm đến được người Nga đặt tour du lịch nhiều nhất.
Tuy nhiên, tình thế nhanh chóng đảo ngược khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra. Các điểm đến được người Nga ưu thích đều ghi nhận tỷ lệ hủy chuyến cao kỷ lục trong 3 ngày từ 24-26/2, trong đó Cộng hòa Cyprus có tỷ lệ hủy chuyến cao tới 300%, Ai Cập (234%), Thổ Nhĩ Kỳ (153%), Vương quốc Anh (153%), Armenia (200%), và Maldives (165%). Vắng bóng du khách Nga sẽ giáng một đòn mạnh lên những điểm đến này.
Điều đáng nói hơn, các biện pháp trừng phạt gay gắt của phương Tây đã khiến đồng rúp của Nga rớt giá kỷ lục. Hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch và Moody’s đều giáng cấp nợ chính phủ của Nga xuống mức “rủi ro cao nhất” (junk status) vào sáng 3/3.
Không chỉ tiền tiết kiệm hao hụt dần về giá trị, các đòn trừng phạt của phương Tây cũng khiến khách du lịch Nga khó có thể sử dụng thẻ tín dụng quốc tế ở nước ngoài. Các công ty thanh toán quốc tế như Visa và Mastercard tuần này cho biết đang nỗ lực thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Nga có thể sẽ chịu thêm đòn giáng về du lịch. Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) dự kiến tổ chức một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng điều hành vào tuần tới để quyết định xem có đình chỉ tư cách thành viên và sự tham gia của Nga trong tổ chức này không.
Cổ phiếu ngành hàng không và du lịch gần đây giảm mạnh. Tính cả tháng 2, cổ phiếu của Tập đoàn hàng không IAG, chủ sở hữu của hãng hàng không British Airways, đã mất giá 5%. Trong khi đó, cổ phiếu của Lufthansa đã lao dốc 14% kể từ khi lực lượng quân đội Nga tiến vào Ukraine. Cổ phiếu hãng hàng không EasyJet (Vương quốc Anh) cũng trong tình cảnh tương tự.
Ông Matt Berna, Giám đốc điều hành Công ty du lichj Intrepid Travel (Bắc Mỹ) cho biết, nhiều khách hàng gọi điện đến công ty này để xác nhận xem chuyến du lịch của họ có diễn ra hay không và bày tỏ hy vọng công ty này có chính sách đặt phòng linh hoạt.
“Intrepid Travel hiện không có bất kỳ tour du lịch nào đến Ukraine hoặc Nga, nhưng trong ngắn hạn, chúng tôi dự đoán doanh số từ các chuyến du lịch châu Âu cũng sẽ sụt giảm”, ông Matt Berna nói.
Thêm vào đó, tâm điểm dư luận thế giới lúc này không phải là những kỳ nghỉ mà là tình hình chiến sự và tình cảnh của người dân Ukraine cũng như thảm họa nhân đạo đang diễn ra dọc theo biên giới của nước này. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), hơn 2 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa và ước tính “sẽ có tới 4 triệu người rời khỏi đất nước của họ trong những tuần tới nếu xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn”.
Nguy cơ dịch Covid-19 lây lan có thể khiến các nước láng giềng khó có thể nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Nếu các quy định phòng dịch được tái thiết lập hoặc siết chặt, ngành du lịch lại đương đầu với thách thức cũ.
T.P