Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHy vọng của ông Antony Blinken

Hy vọng của ông Antony Blinken

Ngoại trưởng Mỹ, ông Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vừa có cuộc điện đàm, tại đó, ông Antony Blinken đã bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Dư luận đang chờ xem, hy vọng của ông Antony Blinken có thành… thất vọng?

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 4/2.

Thông tin về cuộc điện đàm được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tiết lộ, đưa trên tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 6/3. Dù không nêu cụ thể ai là người đề nghị trước về cuộc nói chuyện này, nhưng dư luận nghiêng về khả năng ông Antony Blinken là người chủ động nhấc máy trước ở đầu dây bên này, tại Washington. Sau đó, phát biểu trên kênh truyền hình CNN, Blinken cho biết ông, đã nói với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị “rằng Trung Quốc thường xuyên tuyên bố về tính chất thiêng liêng của nguyên tắc chủ quyền”. Nói cách khác, nhà ngoại giao Mỹ muốn giải thích rằng, tại sao mình lại hy vọng, kỳ vọng Bắc Kinh sẽ thay đổi thái độ.

Dư luận không võ đoán. Cuộc chiến diễn ra tại Ukraine chưa được 10 ngày, nhưng chừng đó thời gian cũng đủ thấy thái độ từng quốc gia, cũng như phơi bày các tính toán thực dụng về mặt lợi ích của các cường quốc, dù nhiều khi, nó được núp dưới chiêu bài bảo vệ hòa bình, công lý. Điều đó thể hiện qua tuyên bố ủng hộ/phản đối Nga cả trước, trong và sau phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 – phiên hợp được coi là hiếm hoi trong lịch sử 77 năm của Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine.

Mỹ thì đã hẳn: cáo buộc, phản đối Nga là kẻ xâm lược, đồng thời, tỏ ra như một hảo hán chứng kiến bất bằng, thúc dục đồng minh lên tiếng bảo vệ Ukraine. Ngược lại, trong khi Washington và phương Tây lồng lộn, thì Bắc Kinh – một trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc – lại tỏ ra “chín chắn một cách đáng ngờ”.

Chưa nói tới những lời nồng nàn giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình tại cuộc gặp cuối năm 2021 diễn ra 8 ngày sau cuộc gặp ông Joe Biden, trong đó, ông Putin vô cùng hể hả với việc ông Tập “hiểu những quan ngại của Nga và hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của Kremlin nhằm xây dựng một số đảm bảo an ninh nhất định cho Nga”, những hình ảnh thân thiện giữa ông Tập Cận Bình và ông Putin trước Olympic Bắc Kinh mùa đông 2022 vẫn còn đó, khiến thiên hạ chẳng hề sửng sốt khi đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Trương Quân ngày 21/2: “Tình hình hiện nay ở Ukraine là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp. Trung Quốc luôn đưa ra lập trường của mình, tuỳ theo tính chất của từng vấn đề”.

Sau đó, người giữ cương vị cao nhất về ngoại giao của Bắc Kinh – ông Vương Nghị, còn nói: “Tất cả các bên đều có quyền nêu lên mối quan ngại của họ. Những quan ngại hợp lý của Nga cũng cần được tôn trọng và chú ý”.

Nhà ngoại giao lão luyện họ Vương này ỡm ờ nước đôi?

Ai không hiểu Trung Quốc mới nghĩ thế! Thật ra, quan điểm “vị Nga” đã hiển hiện rõ mồn một qua lời ông Vương Nghị. Càng có cơ sở để khẳng định điều đó khi biết về kinh tế, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Nga với kim ngạch song phương đạt cỡ 150 tỷ USD năm 2021, cùng vô số các hợp đồng kinh tế, thương mại khổng lồ mà hai bên đã ký tá với nhau trong thời gian qua.

Quan điểm, thái độ và sự tính toán đó, một lần nữa, được thể hiện qua lá phiếu trắng của Bắc Kinh tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 2/3.

“Quá tam ba bận” – Hành xử như thế của Trung Nam Hải kể như cũng đã rõ, đã thể hiện sự nhất quán quan điểm của họ về câu chuyện Ukraine. Thế nên, sự hy vọng của ông Antony Blinken về việc Trung Quốc gọi Nga là “kẻ xâm lược” dễ thành thất vọng lắm.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới