Quyết định của Nga có ảnh hưởng lớn tới các nước châu Âu.
Theo BBC, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng sau khi việc phê duyệt đường ống Nord Stream 2 đến Đức bị tạm dừng để phản đối chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine. Giá dầu cũng tăng mạnh kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Với 1/4 lượng dầu và 1/2 lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu đến từ Nga, có những lo ngại rằng Nga có thể hạn chế nguồn cung để trả đũa các biện pháp chống lại nước này.
Trên thực tế, Nga đã bắt đầu siết mạnh tay đối với vấn đề khí đốt cho châu Âu. Hãng tin RT ( Nga) ngày 5/3 (theo giờ địa phương) thông báo: “Đường ống Yamal-Europe đã tạm dừng tất cả các nguồn cung cấp gas sang hướng Tây, điều đó có nghĩa là dòng chảy từ Nga sang Đức đã bị đình chỉ vô thời hạn”.
“Vật giá ở một số quốc gia châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga”, RT nhấn mạnh thêm.
Châu Âu mua bao nhiêu khí đốt từ Nga?
Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU. Phần lớn những nhà cung cấp còn lại đến từ Na Uy và Algeria.
Nga đưa khí đốt đến châu Âu thông qua một số đường ống chính – chẳng hạn như Nord Stream 1, Yamal-Europe và Brotherhood.
Đường ống chính của Châu Âu
Khí đốt được tập trung tại các trung tâm lưu trữ trong khu vực, và sau đó được phân phối trên khắp lục địa.
Quyết định từ chối phê duyệt Nord Stream 2 của Đức đã dẫn đến việc Nga cảnh báo rằng giá khí đốt ở châu Âu sẽ tăng chóng mặt.
Ngày 22/2, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố: “Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ban hành lệnh dừng quá trình chứng nhận đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Tốt. Chào mừng các bạn đến với thế giới mới, nơi người châu Âu sẽ sớm trả 2.000 Euro cho 1.000 mét khối khí đốt tự nhiên!”
Giá xăng ở Liên minh châu Âu đã tăng hơn 70% kể từ ngày 21/2. Nga chỉ cung cấp khoảng 5% nguồn cung khí đốt cho Vương quốc Anh, vì vậy nước này ít phụ thuộc vào nhập khẩu của Nga hơn so với các nước châu Âu khác.
Tuy nhiên, giá cả ở Anh cũng tăng đáng kể do ảnh hưởng của việc thiếu hụt nguồn cung ở các nơi khác ở châu Âu.
Nhìn chung, xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đã giảm trong vài năm qua – giảm 32% trong tháng 2 năm nay so với tháng 2/2020.
Nga là đối tác thương mại về dầu lớn nhất của Liên minh châu Âu – theo dữ liệu mới nhất từ Eurostat. Vương quốc Anh ít phụ thuộc hơn vào Nga về dầu mỏ, phần lớn nhập khẩu từ Na Uy và Mỹ.
Dầu đắt hơn đồng nghĩa với việc giá xăng cao hơn, cũng như chi phí sản xuất tăng dẫn đến giá nhiều loại hàng hóa khác cũng cao hơn.
Giá dầu đã lần đầu tiên tăng lên hơn 100 USD/thùng kể từ năm 2014.
Theo số liệu của Gas Infrastructure Europe, kho chứa khí đốt trên toàn châu Âu thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong 10 năm, với mức hiện chỉ dưới 30% dung lượng lưu trữ.
Tuy nhiên, dự trữ thường thấp hơn vào thời điểm này trong năm, trước khi tăng lên trong những tháng mùa xuân và mùa hè. Theo BBC, kho khí đốt của Anh hiện đã đầy khoảng 86% nhưng nó có dung lượng lưu trữ ít hơn nhiều so với hầu hết các nước châu Âu khác.
Một yếu tố khác là do trong thời kỳ đại dịch, nhu cầu sử dụng dầu mỏ giảm do hoạt động kinh tế bị thu hẹp. Do đó, các kho dự trữ khí đốt trên khắp châu Âu đã cạn kiệt, điều này càng khiến giá cả tăng lên.
Có một số yếu tố khác đã ảnh hưởng đến tình hình ở châu Âu, chẳng hạn như thời tiết lạnh giá làm cạn kiệt nguồn dự trữ và nhu cầu khí đốt ngày càng tăng ở các nơi khác trên thế giới.
Châu Âu đang cạnh tranh về nguồn cung cấp khí đốt toàn cầu
Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch đã khiến các nhà máy tăng cường sản xuất, đẩy nhu cầu năng lượng lên cao.
Châu Âu cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng đối với khí đốt từ các khu vực khác trên thế giới. Trong những thập kỷ gần đây, nhu cầu về khí đốt ở một số khu vực như châu Á và Trung Đông đã tăng mạnh.
Điều này có tác động trực tiếp đến thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), chiếm khoảng 1/4 lượng nhập khẩu của châu Âu.
Khi nhu cầu về LNG cao, nguồn cung có xu hướng chuyển hướng sang châu Á để tận dụng lợi thế của giá tăng. Ngoài ra, Nga cũng đang mở rộng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc và vào tháng 6 đã khánh thành một nhà máy chế biến khí đốt ở vùng viễn đông nước này, được dự đoán sẽ trở thành một trong những nhà máy lớn nhất thế giới.
Liệu châu Âu có thể xoay xở nếu không có khí đốt của Nga hay không?
EU phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng 61% nhu cầu năng lượng và 40% khí đốt tự nhiên của khối này đến từ Nga.
Phân tích của tổ chức tư vấn Bruegel dự đoán rằng nếu Nga cắt nguồn cung cấp hoàn toàn cho châu Âu, lượng khí đốt lưu trữ ở các nước EU sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất một thập kỷ qua vào tháng 4 tới.
Tháng 4 là thời điểm nhiệt độ tăng cao và các nước châu Âu thường bắt đầu tăng lượng khí đốt dự trữ để chuẩn bị cho mùa đông năm sau. Điều đó có nghĩa là họ sẽ cần tìm các nguồn khí đốt khác.
Điều đó có thể có nghĩa là các quốc gia tăng lượng khí đốt của riêng các nước tự khai thác và cũng nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên lỏng hơn (LNG) từ những nơi như Bắc Phi và Azerbaijan.
Lượng khí khổng lồ cần bổ sung sẽ gây áp lực đáng kể lên ngành khí đốt châu Âu và làm tăng giá khí đốt từ mức vốn đã cao tại đây.
T.P