Sau khi Nga phát động “Chiến dịch quân sự đặc biệt” chống Ukraine, các nước phương Tây do Mỹ và EU đứng đầu đã tung ra các biện pháp trừng phạt quy mô lớn nhằm vào Nga. Điện Kremlin đã có biện pháp giáng trả.
Ngày 5/3, theo giờ địa phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký lệnh yêu cầu Chính phủ Liên bang Nga trong vòng hai ngày phải xác định danh sách các quốc gia và khu vực nước ngoài đã có những hành vi không thân thiện đối với Liên bang Nga, các thực thể pháp nhân và cá nhân Nga.
Theo tin của RIA Novosti, ngày 7/3 theo giờ địa phương, Chính phủ Nga đã phê duyệt, công bố Danh sách các quốc gia và khu vực không thân thiện, bao gồm Mỹ, các quốc gia thành viên EU, Vương quốc Anh, Ukraine, Nhật Bản và một số quốc gia và khu vực khác, tổng cộng 48 nơi.
Theo bản tin, các quốc gia và khu vực bị Nga đưa vào bản danh sách này bao gồm: Mỹ, các quốc gia thành viên EU (tất cả 27 quốc gia), Ukraine, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Sĩ, Montenegro, Albania, Na Uy, Iceland, Liechtenstein, Andorra, Monaco, Bắc Macedonia, San Marino, Micronesia và Đài Loan.
RIA Novosti đưa tin rằng danh sách các quốc gia và khu vực không thân thiện được công bố vào ngày 7/3 là một phần của sắc lệnh về “Thủ tục tạm thời để thực hiện nghĩa vụ đối với một số chủ nợ nước ngoài” do ông Putin ký vào ngày 5/3. Theo văn kiện pháp luật này, nhà nước Nga, các công ty và công dân Nga được phép thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài và khu vực bằng đồng rúp để tránh vỡ nợ do bị kiểm soát vốn.
Ngày 24/2, ông Putin thông báo Nga đã phát động một “Chiến dịch quân sự đặc biệt” ở vùng Donbas của Ukraine. Kể từ đó, nhiều nước phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, đặc biệt là hai ngân hàng lớn nhất của Nga – Sberbank (Ngân hàng Dự trữ Liên bang) và Ngân hàng VTB (Ngân hàng Ngoại thương) cũng bị liên quan.
Tối 26/2, Nhà Trắng ra thông cáo chung cho biết Mỹ, Liên minh châu Âu (Pháp, Đức và Ý), Vương quốc Anh, Canada đã quyết định loại bỏ một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống thanh toán của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication, SWIFT); coi đây là biện pháp trừng phạt mới nhất chống lại Nga; đồng thời cũng áp đặt “các biện pháp hạn chế” đối với Ngân hàng Trung ương của Nga, ngăn ngân hàng này triển khai dự trữ quốc tế để có thể làm suy yếu các lệnh trừng phạt.
Theo một tuyên bố chung do một số quốc gia đưa ra, biện pháp trừng phạt liên quan đến SWFIT sẽ đảm bảo rằng các ngân hàng Nga bị cắt khỏi hệ thống tài chính quốc tế và “gây tổn hại năng lực kinh doanh của họ trên toàn cầu”. Điều này có nghĩa là các ngân hàng Nga sẽ không thể giao tiếp an toàn và hiệu quả với các ngân hàng nước ngoài. Về vấn đề này, nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài mô tả đây là “vũ khí hạt nhân tài chính” chống lại Nga.
Ngoài ra, Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada và một số quốc gia khác cũng đã đóng cửa không phận đối với Nga, một số doanh nghiệp nhà nước của Nga khó gọi vốn, và việc cung cấp các sản phẩm công nghệ cao cho Nga cũng đã bị hạn chế. Mấy ngày qua, các nước Âu, Mỹ đã liên tiếp đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt và hạn chế khác nhau nhằm vào Nga trong các lĩnh vực khác nhau như ngoại giao, nghệ thuật, tài chính, thể thao, chăm sóc y tế.
Vào ngày 4/3 theo giờ địa phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu tại một buổi lễ kỷ niệm rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây thiệt hại cho một số dự án hợp tác, nhưng chúng không thể ngăn cản Nga đạt được các mục tiêu của mình. Về lâu dài, Nga thậm chí có thể hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt này.
“Chúng tôi đã nói nhiều lần và sẵn sàng nhấn mạnh một lần nữa rằng nếu bất kỳ ai không muốn hợp tác với chúng tôi trong khuôn khổ hợp tác thống nhất, làm như vậy sẽ gây tổn hại cho chính họ và tất nhiên là cho chúng tôi”. Ông Putin tiếp tục nói: “Chúng tôi sẽ buộc phải thực hiện các điều chỉnh nhỏ đối với một số hạng mục để có thêm các năng lực khác, giống như chúng tôi đã thực hiện trên một số chương trình khác, trong đó có lĩnh vực hàng không.”
Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga cuối cùng sẽ giải quyết được các vấn đề mà nước Nga đang phải đối mặt. “Bất kể thế nào, chúng tôi đều sẽ giải quyết những vấn đề này. Quan trọng hơn, về lâu dài, chúng tôi thậm chí có thể hưởng lợi từ chúng vì chúng tôi có thêm các khả năng khác. Chúng tôi có năng lực giải quyết những vấn đề này.”
Điều đáng nói là trước sự công kích của dư luận phương Tây, nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ Latinh vẫn từ chối tham gia lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Ví dụ, ở châu Âu, các nước Belarus, Serbia, Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối rõ ràng các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Trong số các quốc gia châu Á, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, không có quốc gia nào khác tuyên bố tham gia lệnh trừng phạt. Các nước Brazil, Mexico, Argentina và một số quốc gia châu Mỹ khác cũng thông báo họ không có ý định tham gia vào các lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Dự kiến, Nga sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt, bao gồm hạn chế ngoại giao, đối với các quốc gia và khu vực có tên trong danh sách này. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng biện pháp của Nga chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần chứ ít có giá trị thực tế.
T.P