Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Mượn gió bẻ măng”

“Mượn gió bẻ măng”

Trong khi cuộc chiến do Nga khởi binh tấn công quân sự Ukraine tiếp tục căng thẳng, “Bộ tứ Kim cương” nhận rõ vai trò, trách nhiệm của mình và thấy rằng cần phải tỏ rõ thái độ hơn bao giờ hết về sự kiện chấn động thế giới này.

Hôm 3/3 các nhà lãnh đạo của nhóm “Bộ tứ kim cương” (bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản) đã tổ chức họp trực tuyến. Nội dung cuộc họp bàn về sự kiện quân sự nóng bỏng đang xảy ra tại Ukraine – điều mà Đại hội đồng Liên hợp quốc đã phải tổ chức họp đột xuất, thảo luận và bỏ phiếu kín bày tỏ thái độ đối với cuộc chiến này. Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo Bộ tứ thống nhất rằng, mối họa chiến tranh xảy ra đối với Ukraine sẽ không được phép xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cuộc họp của nhóm Bộ tứ được tổ chức vào thời điểm đáng lo ngại về an ninh, an toàn cho Đài Loan và Biển Đông. Cần đề phòng Trung Quốc “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng phương Tây mất tập trung để ra tay. Sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Australia và Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã gặp gỡ các nhà báo quốc tế. Thông điệp của nhóm Bộ tứ gửi đi là: Chúng tôi cho rằng, diễn tiến này càng cho thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhận thức về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Tuy nhiên, Ấn Độ có thái độ mềm mỏng hơn đối với Nga. Trong bốn nước Bộ tứ, chỉ có Ấn Độ bỏ phiếu trắng trong tất cả các cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine.

Trước đó, hôm 28/2, Điều phối viên của Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell cho biết, Mỹ vẫn duy trì tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine. Wasinghton thấy rõ rằng, điều này sẽ gặp khó khăn và tốn kém nhưng không thể chậm trễ.

Vậy là việc Bắc Kinh nêu cao cảnh giác với Bộ tứ là cần thiết, bởi 18 năm qua, bốn quốc gia này đã cụm lại trong ngôi nhà chung, tìm mọi giải pháp để thách thức Trung Quốc, nói cụ thể hơn là kiềm chế âm mưu, hành động thôn tính Biển Đông của nước này.

Hình thành từ năm 2004 nhưng vai trò của Bộ tứ có phần mờ nhạt. Nó chỉ rõ “hình hài” cùng những quyết sách rõ ràng kể từ năm 2020, vào lúc quan hệ giữa các thành viên với Trung Quốc xấu đi. Cái cơ chế an ninh vốn hình thành từ 18 năm trước hơn hai năm qua mới thật sự đi vào vận hành nhằm ứng phó sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Bộ Tứ nhiều lần khẳng định không phải là “NATO châu Á” mà chỉ là nhóm có thể cung cấp cho các nước khác trong khu vực một giải pháp thay thế Trung Quốc trong các lĩnh vực ứng phó Covid-19, cứu trợ sau thảm họa và an ninh mạng. Theo tuyên bố nêu trên, bốn nước Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản lần đầu sát cánh cùng nhau thực hiện hoạt động cứu trợ vào tháng 1/2004. Khi đó động đất kinh hoàng xảy ra ở Indonesia, kéo theo những đợt sóng thần dọc bờ biển phía đông Ấn Độ, khiến khoảng 230 nghìn người thương vong.

Vào năm 2008, thủ tướng Australia Kevin Rudd bất ngờ tuyên bố rút khỏi Bộ Tứ, vì “không muốn nước này là thành viên của một nhóm công khai thách thức Trung Quốc”. Thời điểm đó, Bắc Kinh là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Canberra.

Mấy năm gần đây Trung Quốc tỏ rõ sự hung hăng trong việc xây dựng các mạng lưới khu vực và phô trương sức mạnh quân sự, nhất là ở Biển Đông. Không chỉ có vậy, Bắc Kinh còn có những hành động làm gia tăng căng thẳng biên giới với Ấn Độ. Sự thách thức của Trung Quốc khiến cho các nước Bộ Tứ xích lại gần nhau hơn. Đặc biệt, Australia đã quay lại, trở thành thành viên gắn kết chặt chẽ, có nhiều sáng kiến trong nhóm.

Tại cuộc tập trận Malabar 2020 cả bốn nước đều tham gia, chẳng khác nào một liên minh quân sự. Trung Quốc rất bất bình, cáo buộc Bộ Tứ là nhóm hoạt động kiểu “Chiến tranh Lạnh” để kiềm chế, cản trở Bắc Kinh.

Trước khi tham gia Bộ tứ, Ấn Độ thường khẳng định không gia nhập bất cứ liên minh nào liên quan tới cạnh tranh giữa các siêu cường. Vậy nhưng sau cuộc đụng độ đẫm máu với quân đội Trung Quốc tại khu vực biên giới trên dãy Himalaya, New Delhi đã thay đổi quan điểm. Đáp lại, ba thành viên còn lại trong Bộ Tứ đều tăng cường hoạt động ngoại giao và quân sự với Ấn Độ. Điều phối viên an ninh Nhà Trắng phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương Kurt Campbell gọi Ấn Độ là “thành viên rất quan trọng của Bộ Tứ”. Trong chiến lược khu vực của mình, Tổng thống Mỹ Joi Biden đã thay cụm từ “châu Á – Thái Bình Dương” bằng “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Hội nghị trực tuyến của các nhà lãnh đạo “Bộ tứ Kim cương” diễn ra vào lúc nguy cơ một cuộc chiến tranh nóng hiện hữu. Giới qua sát phân tích và kỳ vọng nhóm bốn nước sẽ xích lại gần nhau hơn, gạt bỏ bất đồng, có những bước đi cứng rắn, cụ thể hơn nhằm gia tăng vai trò trong khu vực.

Trong lúc đang diễn lại con bài tập trận trên Biển Đông kéo dài suốt tháng 3, chắc chắn Bắc Kinh sẽ rất “quan ngại” trước động thái này. Và có thể bớt hung hăng hơn, dịu giọng hơn với các nước đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới