Sau gần 1 năm công bố ý tưởng đề án xây dựng “Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực”, ngày 4/3, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội về đề án này.
Ngoài các chuyên gia, các cơ quan ban ngành được mời theo danh sách, thì báo chí không được tham dự đưa tin về buổi phản biện này. Vậy đề án xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính khu vực có gì?
Cơ hội vàng từ mâu thuẫn giữa các siêu cường
Đề dẫn tóm tắt dự thảo, đề án cho rằng, việc xây dựng “Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng” được đề xuất trong bối cảnh địa chính trị-kinh tế thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp. Mâu thuẫn giữa các quốc gia siêu cường tiếp tục căng thẳng và kéo dài trong những thập kỷ tới. Chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ đang diễn ra giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh. Lòng tin của các quốc gia phương Tây, đặc biệt là của các nhà đầu tư vào các trung tâm tàu chính mới nổi ở Trung Quốc lục địa và cả Hồng Kông, cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Do vậy, việc ra đời một trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam và các trung tâm tài chính quốc tế khác để đón dòng chảy dịch vụ tài chính từ Hồng Kông là cơ hội vàng, có triển vọng tốt. Đặc biệt là khi lần đầu tiên GDP Việt Nam đã vượt Singapore”- đề án nêu.
Để thực hiện chủ trương xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính khu vực và nắm bắt cơ hội vàng này, ngày 29/3/2021, UBND TP Đà Nẵng đã ký biên bản thoả thuânh với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) về việc tài trợ lập “Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực”.
Trên cơ sở đề án cho IPPG tài trợ, ban xây dựng đề án xác định điều kiện cần thiết để một trung tâm tài chính hình thành và phát triển phải có sự luân chuyển tự do của dòng vốn được đảm bảo và đồng tiền có thể chuyển đổi được; thị trường tài chính có độ mở cao, minh bạch; mức độ phát triển của thị trường tài chính; kinh tế vĩ mô và chính trị ổn định; môi trường kinh doanh thuận tiện;…
Tuy nhiên, qua đánh giá, Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu để trở thành trung tâm tài chính quốc tế theo mô hình trung tâm truyền thống do mức độ phát triển của thị trường tài chính, quy mô thị trường, chất lượng hạ tầng hiện đại, nguồn dân lực và các chính sách vượt trội đi kèm… cho dù TP có những đặc điểm vượt trội về hạ tầng, môi trường sống so với các địa phương khác.
Chính vì vậy, để xây dựng trở thành Trung tâm tài chính khu vực, Ban xây dựng đề án cho rằng, Đà Nẵng cần có một khu vực riêng đủ điều kiện hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược, đủ không gian để phát triển các dịch vụ bổ trợ đi kèm, đáp ứng nhu cầu giao lưu, hợp tác cho các tổ chức, nhà đầu tư tài chính tìm đến nhằm tận dụng thời cơ vàng của quốc gia. Đồng thời, Trung tâm tài chính sẽ là cơ sở thực tiễn cho cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt những điểm nghẽn để điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý và quy định quản lý ngân hàng-tài chính thích ứng với xu hướng phát triển của các lĩnh vực tài chính toàn cầu.
Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng sẽ có gì?
Để hiện thực hoá đề án, Đà Nẵng đã dành diện tích đất khoảng 6,17 ha để thiết lập khu phức hợp Trung tâm tài chính với các điều kiện về kết nối hạ tầng. Trong đó, sử dụng các lô đất A12, A13, A14, A15 (khu vực cuối đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà) để thiết kế chức năng văn phòng. Riêng lô đất nằm sát biển (khu vực đường Võ Nguyên Giáp) sẽ được thiết kế chức năng hỗn hợp, hình thành điểm nhấn kiến trúc mang tính biểu tượng cho trung tâm tài chính, và cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích đẳng cấp phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư khi đến Đà Nẵng.
Đà Nẵng cũng tiến hành chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng (diện tích 62ha) để xây dựng trung tâm kinh doanh, hình thành khu phố tài chính, liên kết với khu phức hợp trung tâm, tạo thành tổ hợp trung tâm tài chính đầy đủ về quy mô và không gian phát triển.
Ngoài ra, khi hình thành, Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng sẽ kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp tài chính tại khu vực phát triển, đáp ứng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của doanh nghiệp…
Với những phân tích trên, dự thảo cho rằng, Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng không chỉ gồm các hoạt động liên quan đến tài chính-ngân hàng mà còn bao gồm các hoạt động, dịch vụ du lịch đẳng cấp khác như: dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích đẳng cấp tương tự các trung tâm tài chính Singapore, Dubai.
“Các ngành nghề hoạt động trong Trung tâm tài chính gồm: nhóm các ngành nghề hoạt động liên quan đến tài chính-ngân hàng; nhóm các ngành nghề liên quan đến kiểm toán, luật, xếp hạng tín dụng và du lịch đẳng cấp khác như khu nghỉ dưỡng, casino, vui chơi, giải trí cao cấp, khu tổ cức hội nghị quốc tế, triễn lãm, văn phòng hạng A”- Tóm tắt dự thảo đề án nêu.
Chính sách ưu đãi chưa từng có
Cũng theo đề án, để thành lập và phát triển, Trung tâm tài chính quốc tế cần có những chính sách hấp dẫn về quản lý đất đai, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vốn, thị thực; cần có các chính sách thuế đặc thù… nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn. Nhất là tạo ra sự hấp dẫn dành cho nhà đầu tư chiến lược đầu tư hạ tầng trung tâm tài chính.
Để trở thành nhà đầu tư chiến lược vào trung tâm tài chính, nhà đầu tư phải có mức đầu tư từ 5 tỉ USD; cam kết hoàn thành dự án sau 5 năm và thu hút từ 2-3 tổ chức tài chính hàng đầu thế giới thành lập tổ chức kinh tế tại trung tâm tài chính Đà Nẵng.
Đổi lại, “Nhà đầu tư chiến lược được đề xuất hưởng một loạt ưu đãi đặc biệt như: hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 7%/năm trong thời gian 33 năm, miễn thuế 6 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 12 năm tiếp theo. Được miễn tiền thuê đất 20 năm và giảm 65% tiền thuê đất cho thời gian còn lại. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm. Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược được tạo điều kiện thuận lợi nhận quyền sử dụng đất để phát triển khu nghỉ dưỡng tích hợp casino và các bất động sản có liên quan đến trung tâm tài chính…” – Dự thảo đề án đề xuất.
Dự thảo đề án còn đề xuất nhiều chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư thứ cấp đàu tư vào trung tâm tài chính như: giảm thiểu hoặc miễn trừ các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa và tự do kinh doanh của các tổ chức kinh tế, được áp dụng mức thuế thu nhập thấp hơn mức thông thường; tăng quyền sở hữu cao hơn quy định hiện hành tại Việt Nam về giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các tổ chức tín dụng nước ngoài; thành lập sàn chứng khoán mới và chuyên biệt cho các tổ chức kinh tế trong trung tâm tài chính niêm yết và giao dịch. Đặc biệt là các tổ chức kinh tế trong trung tâm tài chính được giao dịch chứng khoáng bằng đồng Đô la Mỹ hoặc các đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi khác.
T.P