Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao Bắc Kinh cho rằng Đài Loan khác với Ukraine?

Tại sao Bắc Kinh cho rằng Đài Loan khác với Ukraine?

Việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu Trung Quốc có mở cuộc tấn công tương tự nhằm vào Đài Loan?

Chính quyền Bắc Kinh từ lâu nay đã nhận thấy rằng Washington đang sử dụng hòn đảo tự trị này như một phần trong chiến lược nhằm kìm hãm đối thủ của họ, và cáo buộc Mỹ không tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc khi ủng hộ phong trào độc lập ở Đài Loan.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và cần được tái thống nhất dù có phải sử dụng vũ lực. Và câu nói “Hôm nay Ukraine, Ngày mai Đài Loan” nhanh chóng trở thành câu phổ biến ở Đài Loan sau khi Nga mở chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hồi cuối tháng trước.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng có những sự khác biệt rõ ràng giữa Ukraine và Đài Loan – và chủ quyền chính là yếu tố quan trọng để chỉ ra sự khác biệt giữa ý định của Bắc Kinh với Đài Loan với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong buổi họp báo hôm đầu tuần này đã nhấn mạnh rằng tình hình ở Đài Loan và Ukraine không thể đem ra so sánh – vấn đề Đài Loan hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, trong khi cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine là xung đột giữa hai quốc gia.

Nhưng dường như Washington lại rất quan tâm tới sự tương đồng này nên đã nhanh chóng cử một phái đoàn cấp cao bao gồm nhiều cựu quan chức an ninh tới Đài Loan, ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Mặc dù không trực tiếp nhắc tới chuyến thăm đó – trưởng đoàn là cựu Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Michael Mullen – nhưng ông Vương Nghị nói rằng Mỹ đang đẩy hòn đảo tự trị vào tình huống nguy hiểm. Ông cũng nhấn mạnh rằng Mỹ và Trung Quốc cần phải hòa thuận và tránh xung đột.

Hiện trạng của Đài Loan là kết quả của cuộc nội chiến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Kuomintang (Quốc dân đảng, KMT). Sự kiện này ngừng lại vào năm 1949 với sự thành lập của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đến năm 1979 Washington mới cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và chuyển sang thiết lập quan hệ chính thức với Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, Jimmy Carter, đã ký Đạo luật Quan hệ Đài Loan, công nhận “nguyên tắc một Trung Quốc” nhưng không làm rõ Bắc Kinh hay Đài Bắc đại diện cho “Trung Quốc”. Thời điểm hiện tại, chỉ có 13 trên tổng thống 193 thành viên LHQ công nhận Đài Loan là một nước có chủ quyền. Phần còn lại, giống Mỹ, công nhận Bắc Kinh. Còn Ukraine, một nước từng thuộc Liên bang Xô viết, là một đất nước chủ quyền độc lập, là thành viên của LHQ.

Nga chỉ ra tham vọng gia nhập NATO và EU của Ukraine là hành động vượt “lằn ranh đỏ” của họ. Trong khi đó, Mặc dù Bắc Kinh hết sức phẫn nộ trước việc Washington thách thức hiện trạng của Đài Loan nhưng lại không có lằn ranh đỏ nào bị xâm phạm.

Theo chuyên gia về các vấn đề Đài Loan, Wang Jianmin, đến từ ĐH Sư phạm Mân Nam, Phúc Kiến, vẫn còn cơ hội để Bắc Kinh và Washington xử lý vấn đề Đài Loan “một cách thông thái hơn”.

Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chưa từng có ai vượt qua “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh – đó là tuyên bố độc lập chính thức của Đài Loan hay việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đài Bắc và Washington, ông Wang nói.

“Người Mỹ luôn khuyến khích người Đài Loan thách thức giới hạn của Bắc Kinh, nhưng Đài Bắc đến nay vẫn chưa dám sửa đổi hiến pháp của họ, trong khi Washington vẫn hay nhắc lại chính sách một Trung Quốc của họ” – ông Wang nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Mỹ đang áp dụng chiến thuật đa diện trong vấn đề Đài Loan, duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược” cùng lúc hỗ trợ hòn đảo này tăng cường phòng thủ và khuyến khích quan hệ thương mại chặt chẽ hơn giữa hai bên.

Đạo luật Quan hệ Đài Loan cho phép Mỹ bán vũ khí cho hòn đảo này nhưng lại không chỉ rõ rằng liệu Mỹ có đến trực tiếp bảo vệ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo này bị tấn công hay không. Các thương vụ vũ khí với Đài Loan đã tăng mạnh dưới thời Tổng thống Donald Trump – lên tổng giá trị lên tới mức kỷ lục là gần 20 tỉ USD.

Tính tổng cộng, Nhà Trắng đã phê duyệt 13 thương vụ vũ khí cho Đài Bắc kể từ khi chính quyền Trump bắt đầu, 2 trong số này được duyệt dưới thời Tổng thống Joe Biden. Những trang thiết bị mà Mỹ bán cho Đài Loan bao gồm chiến đấu cơ F-16, tên lửa chống hạm, tên lửa tấn công mặt đất tầm xa và các bộ cảm biến trinh sát lắp đặt trên máy bay.

Mỹ cũng liên tục gây sức ép với “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh bằng các chuyến thăm Đài Loan, trong đó bao gồm nhiều quan chức và cựu quan chức – như Bộ trưởng Y tế dưới thời chính quyền Trump, ông Alex Azar, trong năm 2020 đã trở thành quan chức đương nhiệm cấp cao nhất đến thăm Đài Loan kể từ năm 1979.

Đối với Bắc Kinh, những nỗ lực tăng cường quan hệ với Đài Loan của Mỹ bị coi là chệch hướng với hiện trạng, với mục đích là làm suy yếu vị thế chiến lược của Trung Quốc bằng cách khuyến khích hòn đảo tự trị này đi theo con đường độc lập.

“Nhưng cách mà Bắc Kinh phản ứng sẽ khác với Nga” – Ngoại trưởng Vương Nghị nói.

Theo Zhou Chenming, nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, giới lãnh đạo Trung Quốc có đầy đủ năng lực và tự tin hơn so với đối tác Moscow khi phải đối phó với những vấn đề liên quan tới lợi ích cốt lõi của quốc gia.

“Bắc Kinh hiểu rõ rằng chính sách “mơ hồ chiến lược” mà Washington áp dụng ở Đài Loan có lợi cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc đại lục” – ông nói – “Nhưng Trung Quốc mạnh mẽ hơn Nga xét về tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự.”

Là một thế lực đang trỗi dậy, Bắc Kinh tin rằng “thời gian và động lực” nằm ở phía của họ, và điều đó sẽ giúp Trung Quốc bắt kịp sức mạnh của Mỹ nhờ vào các nỗ lực to lớn trong phát triển kinh tế và quốc phòng, ông Zhou nói.

Quân đội Trung Quốc đang trải qua quá trình hiện đại hóa quy mô lớn, trong đó bao gồm 2 tàu sân bay – một trong số đó được phát triển trong nước – và chiếc thứ ba dự kiến ra mắt trong năm nay. Họ cũng đang phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc cũng tăng dần – với mức tăng 7,1% đã được công bố – từ mức tăng 6,8% trong năm ngoái.

Bắc Kinh cũng đang sử dụng các công cụ pháp lý để chống lại phong trào độc lập của Đài Loan. Một quan chức cấp cao đã đề xuất một bộ luật mới để trừng phạt bất cứ ai làm sai trách nhiệm khuyến khích tái thống nhất Đài Loan – và trước đó là Luật Chống ly khai, cung cấp nền tảng pháp lý để tái thống nhất hòn đảo này bằng vũ lực.

Một danh sách đen gồm những “người ly khai Đài Loan” và những người ủng hộ tài chính cho họ cũng đã được soạn thảo, trong đó Bắc Kinh tuyên bố sẽ khởi tố họ và cấm họ đặt chân tới đại lục, Hong Kong và Macau.

Zhu Feng, Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc ĐH Nam Kinh, nói rằng Bắc Kinh đang vạch ra hàng loạt viễn cảnh để đối phó với những thách thức khác nhau.

“Người Trung Quốc không ngu ngốc đến nỗi bị những chiêu trò địa chính của Mỹ thao túng. Bắc Kinh nêu rất rõ rằng điều chủ chốt là phải tránh bất kỳ một cuộc xung đột vũ trang nào” – ông Zhu nói.

Chuyên gia quân sự Ni Lexiong đến từ Thượng Hải cho rằng Bắc Kinh sẽ đưa ra những tính toán hết sức thận trọng về cách phản ứng với Mỹ và Đài Bắc, nhưng các chiến thuật chiến đấu không cân xứng mà Ukraine đang áp dụng cũng rất đáng lưu ý.

“Chi phí chiến tranh trong trường hợp xung đột với Đài Loan sẽ cao hơn nhiều so với chiến dịch của Nga ở Ukraine. Có nhiều sự bất trắc một khi chiến tranh bùng nổ” – ông nói – “Ví dụ, Tổng thống Putin nhận ra rằng lực lượng lính dù không còn là một lực lượng tinh nhuệ nữa, bởi họ mất hơn 2 ngày mới kiểm soát được một sân bay ở Kiev.”

Trong khi Ukraine có đường biên giới chung với Nga nên một đòn tấn công là trực diện, thì tấn công Đài Loan sẽ cần có một chiến dịch phức tạp hơn nhiều bao gồm lực lượng không quân, hải quân và lính thủy đánh bộ…do eo biển Đài Loan là một hàng rào tự nhiên, ông Ni nói.

Giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ không tấn công Đài Loan trong lúc phương Tây đang dành sự quan tâm cho Ukraine, nhưng do cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Trung Quốc và Mỹ nên cuộc khủng hoảng ở Đài Loan sẽ còn tiếp tục trở nên trầm trọng.

“Các cuộc xung đột quân sự ở Đài Loan sẽ xảy ra vào bất cứ lúc nào một khi Mỹ muốn nối lại quan hệ ngoại giao, hay có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy họ có các thỏa thuận hỗ trợ quân sự với Đài Loan” – ông Wang Jianmin cảnh báo.

Lu Li-shih, cựu quan chức tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Kaohsiung, nói rằng quân đội Trung Quốc sẽ cập nhật “kế hoạch chiến dịch tái thống nhất Đài Loan” của họ dựa trên những chiến thuật mà binh sĩ Ukraine đang áp dụng, nhờ vào các vũ khí mà Mỹ cung cấp.

“Quân đội Trung Quốc là đội quân chăm chỉ nhất thế giới, họ luôn nỗ lực hết mình để học mọi thứ từ các đối tác Mỹ” – ông Lu nói – “Tôi từng dự đoán rằng quân đội Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan cho đến khi họ trở thành một lực lượng hải quân biển xanh thực thụ khoảng 5 năm tới, nhưng giờ tôi tin rằng kế hoạch của họ có thể đã thay đổi thành khoảng 1 thập kỷ.”

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới