Saturday, January 4, 2025
Trang chủQuân sựCuộc đua giữa các "ông lớn" ngành vũ khí tăng nhiệt khi...

Cuộc đua giữa các “ông lớn” ngành vũ khí tăng nhiệt khi chiến sự Nga-Ukraine leo thang

Chiến sự Nga-Ukraine đang làm gia tăng lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo và một cuộc chiến tranh thế giới mới khi các cấu trúc an ninh hiện tại bị phá vỡ. Nhưng nó cũng dẫn đến sự tăng trưởng mạnh trong chi tiêu quốc phòng.

Tên lửa phòng không Stinger.

Cuộc đua giữa các “ông lớn” trong ngành vũ khí

Ít ai biết được rằng, phía sau cuộc chiến này là cả một ngành công nghiệp quốc phòng trị giá gần nửa nghìn tỷ USD trên thế giới đang nỗ lực hoạt động để cung cấp vũ khí nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh của các quốc gia và lợi nhuận mà nó thu về cũng rất lớn.

Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ mua và chuyển giao cho Ukraine số vũ khí trị giá 450 triệu euro, trong khi đó Mỹ cũng cam kết viện trợ quân sự cho nước này 350 triệu USD, chưa kể việc cung cấp hơn 90 tấn vật tư quân sự và 650 triệu USD.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ và NATO đã chuyển giao 17.000 vũ khí chống tăng và 2.000 tên lửa phòng không Stinger cho Ukraine. Nhiều quốc gia khác trong đó có Anh, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada cũng cam kết trang bị vũ khí cho Kiev. Đây là những thương vụ có thể tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho các nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới.

Kể từ sau khi Nga tấn công Ukraine, cổ phiếu của 2 tập đoàn lớn của Mỹ là Lockheed và Raytheon đều tăng lần lượt khoảng 16% và 3% dù chỉ số chứng khoán S&P 500 giảm mạnh.

Cổ phiếu của BAE Systems – tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất ở châu Âu đã tăng 26%. Trong top 5 nhà thầu quốc phòng hàng đầu thế giới tính theo doanh thu, chỉ có Boeing bị tụt hạng do ảnh hưởng của lệnh cấm bay mà châu Âu áp đặt với Nga, cùng một số lý do khác.

Trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhiều công ty vũ khí hàng đầu của phương Tây đã thông báo cho các nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của họ. Trong một tuyên bố ngày 25/1, ông Gregory J Hayes – giám đốc điều hành tập đoàn Raytheon nhận định: “Căng thẳng ở Đông Âu và Biển Đông khiến nhiều quốc gia phải tăng cường đầu tư cho quốc phòng, an ninh. Vì thế tôi cho rằng chúng ta sẽ có được một số lợi ích từ việc tăng chi tiêu này”.

Ở thời điểm đó, ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu được dự báo sẽ tăng 7% vào năm 2022. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine leo thang, các công ty quốc phòng đang gia tăng lợi nhuận theo theo nhiều cách. Ngoài việc cung cấp vũ khí cho các bên tham chiến tại Ukraine, họ sẽ đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh ngày càng gia tăng từ các quốc gia khác, chẳng hạn như Đức hay Đan Mạch. Xét về tổng thể, Mỹ đang dẫn đầu thế giới khi chiếm 37% tổng doanh thu trong ngành công nghiệp quốc phòng từ năm 2016 đến 2020, đứng thứ 2 là Nga với 20%, tiếp theo là Pháp chiếm 8%, Đức chiếm 6% và Trung Quốc chiếm 5%.

Mặt trái của ngành công nghiệp quốc phòng

Ngoài 5 nhà thầu quốc phòng hàng đầu thế giới, rất nhiều nhà xuất khẩu vũ khí tiềm năng khác cũng đang tìm kiếm các cơ hội. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong đó có máy bay không người lái công nghệ cao – quyết định được cho là mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng của nước này. Israel – quốc gia chiếm khoảng 3% doanh thu toàn cầu về xuất khẩu vũ khí, thời gian gần đây cũng đăng tải bài báo có nội dung: “Người chiến thắng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine: Ngành công nghiệp quốc phòng của Israel”.

Còn Nga đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp quốc phòng để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây kể từ năm 2014. Chính phủ nước này đã thiết lập một chương trình thay thế vũ khí nhập khẩu quy mô lớn để giảm sự phụ thuộc vào vũ khí và công nghệ nước ngoài, đồng thời tăng doanh thu từ việc xuất khẩu.

Là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, Nga đang hướng tới một lượng lớn khách hàng quốc tế. Xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm 22% trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, chủ yếu do giảm doanh số tại thị trường Ấn Độ. Trái lại, Moscow đã tăng doanh số đáng kể ở các thị trường Trung Quốc, Algeria và Ai Cập.

Một báo cáo ngân sách của Quốc hội Mỹ cho biết: “Các loại vũ khí của Nga thường có giá thành phải chăng, dễ vẫn hành và bảo trì hơn so với các hệ thống của phương Tây”. Nga có 3 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất là Almaz-Antey (với doanh thu 6,6 tỷ USD), United Aircraft Corp (4,6 tỷ USD) và United Shipbuilding Corp (4,5 tỷ USD).

Trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine leo thang, đã có những nỗ lực nhằm hạ nhiệt tình hình, chẳng hạn như NATO công khai từ chối yêu cầu thiết lập vùng cấm bay của Tổng thống Ukraine Zelensky, hay Nga và Ukraine đồng ý đối thoại. Nhưng nhiều chuyên gia lo ngại, những nỗ lực này có thể bị xói mòn do việc các bên sẵn sàng chi một lượng tiền lớn để mua vũ khí.

Một số nhà phân tích cho rằng, để tháo ngòi xung đột Nga-Ukraine, thế giới cần tìm cách hạn chế sức mạnh và ảnh hưởng của ngành công nghiệp này. Trong đó có việc đưa ra những thỏa thuận quốc tế nhằm hạn chế việc bán vũ khí, hỗ trợ cho các quốc gia cam kết cắt giảm ngành công nghiệp quốc phòng và trừng phạt những công ty vũ khí đang tìm cách vận động hành lang để tăng chi tiêu quân sự.

Theo nhận định của nhà phân tích Peter Bloom, thuộc Đại học Essex, đây không phải là công việc dễ dàng và cũng không thể thực hiện trong một sớm một chiều, nhưng rõ ràng việc đảm bảo hòa bình lâu dài sẽ là một thách thức nếu chúng ta vẫn coi việc chế tạo và bán vũ khí như một ngành kinh tế sinh lợi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới