Chưa có khi nào mà ASEAN có vị thế như hiện nay. Đây là dịp tốt nhất để các nước trong khối tăng cường vai trò trung tâm của mình, tạo lợi thế đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Năm 2022 là năm đánh dấu 20 năm ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Theo tinh thần của Tuyên bố này, các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ tiếp tục bàn thảo, đi đến thống nhất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Thế nhưng 20 năm ấy, Trung Quốc chính là nước đã cố tình dây dưa, không muốn hoàn thành Bộ quy tắc quan trọng này.
Lý do mà Bắc Kinh nại ra đủ can cớ, tìm cách trì hoãn là vì nước này có quá nhiều vi phạm luật pháp quốc tế. Nếu COC được thông qua chính là cái dây trói tay Trung Quốc thực hiện âm mưu biến Biển Đông thành ao nhà.
Thế nhưng năm 2020, khi Campuchia làm Chủ tịch ASEAN sẽ rất thuận lợi cho Trung Quốc trong việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử. Bởi Phnompenh ngày càng lộ rõ sự lệ thuộc của một nước chư hầu đối với Trung Quốc. Thuận lợi như thế, Bắc Kinh muốn áp đặt âm mưu của mình trong việc đàm phán, nhưng xem ra các thành viên trong ASEAN tỏ ra cứng rắn đối với những điều kiện mà Bắc Kinh nêu ra.
Khi chưa chín muồi thì tốt nhất chưa nên đem ra đàm phán. Quan thầy cho ý chỉ và nhược tiểu răm rắp thực hiện. Năm 2021 và 2022 hai cuộc họp dự kiến diễn ra tại Campuchia đều bị trì hoãn bởi một lý do lãng xẹt: Một số nhà lãnh đạo ASEAN chưa sẵn sàng (!).
Bạn đọc còn nhớ, từ năm 2017, ASEAN đã chính thức thông qua dự thảo khung COC sau bốn năm đàm phán với Trung Quốc. Vậy mà từ cái “khung” đến cái tổng thể cứ kéo dài bất tận. Đúng ra thỏa thuận này cần phải ra đời sớm hơn rất nhiều, góp phần duy trì ổn định trong khu vực.
Trong suốt 5 năm qua, khi COC chưa được ban hành thì Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, nhằm tạo tình thế đã rồi khi bước vào đàm phán chính thức. Bắc Kinh ngang ngược nêu ra “tầm nhìn ba bước” khi đối thoại với ASEAN. Trong cái gọi là tầm nhìn này, một nội dung được họ đặt ra là: chỉ chính thức thông báo việc khởi động tiến trình đàm phán COC tiếp theo “nếu không có can thiệp nước ngoài nghiêm trọng nào và tình hình Biển Đông ổn định”.
Cụm từ “can thiệp bên ngoài” là rất mơ hồ. Nhà cầm quyền Bắc Kinh nêu ra mà không kèm theo bất kỳ diễn giải cụ thể nào. Nó đích thực là công cụ họ kiểm soát tiến trình đàm phán theo ý muốn.
Là vùng biển quốc tế, Biển Đông đóng vai trò chiến lược khi là cầu nối cho một lượng rất lớn tàu bè các nước di chuyển qua lại hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Do vậy, ngoài tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN thì tồn tại song song đó là mâu thuẫn lợi ích với nhiều bên khác ngoài khu vực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ… Việc Bắc Kinh đòi hỏi “không có can thiệp nước ngoài” là gần như không thể. Biển Đông đâu có phải là sân nhà của Trung Quốc để nước này đặt ra điều kiện phi lí đó.
Cần phải nói thẳng, sự dây dưa, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc là tiền lệ rất xấu. Tuy đã tham gia DOC, nhưng Trung Quốc không tôn trọng các nguyên tắc mà chính nước này đã thống nhất với các nước thành viên ASEAN. “Đường chín đoạn” mà Bắc Kinh viện dẫn để lý giải cho các hành động ngang ngược ở Biển Đông đã bị Tòa Trọng tài thường trực LHQ (PCA) vất vào sọt rác, nhưng Trung Quốc vẫn tai lành tai điếc làm mọi điều ngang ngược trên Biển Đông.
Cụ thể là, trong nhiều năm qua, lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc ở Biển Đông vẫn tiếp tục gây rối, cản trở hoạt động khai thác dầu khí, tấn công tàu cá Việt Nam và khiêu khích nhiều quốc gia ASEAN khác.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng sốt sắng nêu ra tham vọng hoàn tất COC ngay trong năm 2022, khi nước này đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á. Và Bắc Kinh đã nhiệt thành cổ vũ.
Tuy nhiên, ASEAN không dễ dàng sa bẫy Trung Quốc. Tầm quan trọng ngày càng tăng của các quốc gia ASEAN về an ninh kinh tế, an ninh hàng hải, môi trường, các mục tiêu phát triển bền vững ngày càng được thể hiện. Thêm nữa, các nước ngoài khu vực như Mỹ, Anh, Nhật, Úc cùng Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng “làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với các nước ASEAN”.
Thái độ nhất quán của các nước ASEAN là, khi văn kiện vẫn còn những lỗ hổng thì dứt khoát không vội vàng thỏa hiệp.
Các lỗ hổng đó tập trung ở mấy điểm: một, bản dự thảo hiện tại đã không đưa ra khái niệm rõ ràng mặt địa lý liên quan phạm vi áp dụng COC; hai, các bên vẫn chưa thống nhất được COC sẽ là một văn kiện có tính ràng buộc pháp lý hay chỉ đơn thuần là một “tuyên bố chính trị”; ba, không nêu ra “các quy tắc, cơ chế giải quyết tranh chấp hay chế tài rõ ràng”. Dự thảo cũng không thống nhất quy định liên quan tới các quốc gia bên ngoài khu vực. Bắc Kinh mong muốn loại bỏ sự tham gia của các cường quốc không giáp Biển Đông, trong khi các nước ASEAN coi sự tham gia như vậy sẽ là nhân tố dung hòa tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia quốc tế, để đạt được các mục tiêu liên quan COC, cần có sự phối hợp với Indonesia, Chủ tịch ASEAN năm 2023. Không nên để Campuchia dịp này cố “gò” cho bằng được thể hiện sự trung thành với quan thầy.
Cần thiết phải tiếp tục đối thoại một cách thật sự để thể hiện với Trung Quốc rằng ASEAN là một phần của khu vực. ASEAN không phải con rối để Bắc Kinh giật dây.
H.Đ