Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLuật Đất đai 2013 bộc lộ “kẽ hở” cho “nhóm lợi ích”...

Luật Đất đai 2013 bộc lộ “kẽ hở” cho “nhóm lợi ích” trục lợi, tham nhũng

Nguồn lực về đất đai vẫn chưa được khai thác và phát huy đầy đủ trong Luật Đất đai 2013 để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Các đại biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Cần nhanh chóng sửa đổi Luật đất đai 2013 để đáp ứng nhu cầu phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là ý kiến đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức sáng nay (15/3) tại Hà Nội.

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XI, về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai, trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và Luật Đất đai năm 2013, nguồn lực đất đai, thị trường đất đai được phân bổ, sử dụng hiệu quả hơn, thể chế quản lý nhà nước về đất đai ngày càng được hoàn thiện và nguồn lực đất đai đã có những đóng góp quan trọng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết và Luật đất đai còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, yếu kém. Thêm vào đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra những yêu cầu mới về phát triển đất nước trong thập niên tới, đòi hỏi phải đổi mới mặt mẽ, căn bản và toàn diện về thể chế, chính sách thị trường đất đai, quản lý, sử dụng đất.

PGS.TS Bùi Nhật Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Quá trình thực thi chính sách, pháp luật về đất đai đã bộc lộ nhiều “kẽ hở”, tạo môi trường, điều kiện cho “nhóm lợi ích” tiêu cực trục lợi, tham nhũng.

“Do đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã đưa ra định hướng mang tính chiến lược cho giai đoạn 2021-2030 “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh”, trong đó có nguồn lực đất đai”, PGS.TS Bùi Nhật Quang nêu rõ.

Từ những bất cập trong quá trình triển khai, nhiều ý kiến cho rằng, cần nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai 2013, trong đó, đổi mới cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hài hòa giữa thu ngân sách với khuyến khích đầu tư phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực, đặc thù của các vùng, miền.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, vướng mắc lớn nhất là vấn đề tài chính đối với đất đai nên toàn bộ mục này phải sửa. “Tài chính đất đai trong luật hiện nay quy định toàn bộ ở đó là các khoản thu từ đất đai, nhưng thiếu thứ rất lớn đó là chi cho đất đai, chi vào đất đai, chi vì đất đai. Rõ ràng tài chính đất đai đang bị hiểu rất méo mó, chỉ có nguồn thu mà không thấy có thu”, ông Ánh nêu vấn đề.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, các vấn đề liên quan đến đất đai rất phức tạp và nhạy cảm, để giải quyết được các vấn đề này đòi hỏi phải luôn bám sát vào các quan điểm, định hướng của Đảng, có cách tiếp cận tổng thể, nhiều chiều, khoa học, khách quan, đồng thời phải dựa trên điều kiện lịch sử cụ thể, tôn trọng thực tiễn, lấy đó làm thước đo, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển mới của đất nước. Đặc biệt, cần phải khắc phục bằng được những chồng chéo giữa Luật Đất đai và các luật khác.

“Cần phải có sự thể chế hoá cụ thể hơn, đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên liên quan và khắc phục hạn chế, sự chồng chéo, không thống nhất giữa Luật Đất đai 2013 và các luật khác. Hướng tới việc xây dựng 1 bộ luật về đất đai hay là coi luật đất đai là luật cơ bản điều tiết các quan hệ, quản lý và sử dụng đất”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn nói.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến nhằm tìm ra các giải pháp hoàn thiện khung khổ pháp lý về đất đai, khai thác tốt tài nguyên đất đai phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về thực hiện đột phá chiến lược “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới