Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSông Hồng đã bị TQ đầu độc

Sông Hồng đã bị TQ đầu độc

Ở Lào Cai, người dân không dùng nước sông tưới rau, nguồn nước sạch nay cũng tận dụng nước suối nội thủy, vì e ngại sông Hồng ô nhiễm.

Sông Hồng sau khi chảy 80km dọc biên giới Việt – Trung từ xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai thì gặp phụ lưu là sông Nậm Thi ở thành phố Lào Cai. Từ đây, sông Hồng chảy hẳn vào đất Việt Nam.

Không dùng nước “sông chung”

Ông Hồ Cao Khải, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cho hay, trước đây, nước sinh hoạt của người dân Lào Cai hầu hết phụ thuộc vào sông Hồng. “Tuy nhiên, đến nay chúng tôi đã chuyển hướng, sử dụng nguồn nước nội địa, không dùng nước sông chung (sông Hồng, sông Nậm Thi) nữa”, ông Khải nói với VTC News.

Lý do, theo ông giám đốc sở, bắt nguồn từ nhiều yếu tố. “Nếu bên Trung Quốc có kế hoạch, nội dung nào đó mà mình không phát hiện kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân”, ông Khải nói.

Theo ông giám đốc, thành phố Lào Cai bây giờ chủ yếu sử dụng nước Cốc San (thủy điện Cốc San – PV) và nhà máy nước Nhạc Sơn, lấy nguồn nước ở suối Ngòi Dum từ Sa Pa về. Những nguồn nước này đều nằm trong nội địa Lào Cai, không liên quan đến các sông xuyên biên giới.

“Cá nhân tôi nghĩ rằng, về chiến lược lâu dài chúng ta cần có đề án mang tính tổng thể về nguồn nước để chủ động, tránh phụ thuộc bên ngoài”, ông Khải nói thêm. Hiện nay Lào Cai vẫn dùng nước sông Nậm Thi nhưng không đáng kể, chủ yếu chỉ phục vụ sản xuất, còn nước ăn thì 90% của nội địa.

Không chỉ ở thành phố Lào Cai, người dân thành phố Yên Bái nay cũng không dùng nước sông Hồng. Ông Lê Văn Thuý ở tổ 1, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái nói: “Ngày xưa các nhà máy nước của thành phố chủ yếu lấy nước từ sông Hồng, tuy nhiên kể từ khi xây dựng thuỷ điện Thác Bà trên sông Chảy thì chuyển hẳn sử dụng nước ở đó, không dùng nước sông Hồng nữa”.

Cần phải nói thêm, sông Chảy “hoàn toàn Việt Nam”: Sông bắt nguồn từ sườn tây nam đỉnh Tây Côn Lĩnh và sườn đông bắc đỉnh Chiêu Lầu Thi (còn gọi là Kiêu Liều Ti) trên khối núi thượng nguồn sông Chảy, phía tây bắc tỉnh Hà Giang, vượt qua Lào Cai, Yên Bái rồi chảy vào sông Lô ở Đoan Hùng, Phú Thọ.

“Từ những năm 1970, khi mực nước sông Hồng còn cao, dân chúng tôi từ ăn uống đến tưới tiêu đều phụ thuộc vào đó. Nhưng 5 – 7 năm nay nước không về nhiều, việc lấy nước tưới ngọn hoa, cây cỏ còn khó”, ông Thúy bảo. “Nước cạn cộng với việc xả thải công nghiệp, thải sinh hoạt làm dòng sông ô nhiễm, chả dám dùng nước sông vào việc gì”.

Vì sao họ e ngại?

Về chuyện có những địa phương không dùng nước sông Hồng cho sinh hoạt, ông Phạm Mạnh Hùng – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống cho rằng, công nghệ xử lý nước của một số tỉnh miền núi phía bắc khá lạc hậu nên với những nguồn nước có chất lượng nước biến đổi, nhà máy đặt tại các địa bàn này không thể xử lý đạt yêu cầu, bắt buộc phải dùng nguồn nước khác.

Theo GS.TS Đào Xuân Học, chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, sử dụng các nguồn nước nội thuỷ bao giờ cũng tốt hơn và nên được ưu tiên hàng đầu. “Chúng ta không thể hoàn toàn yên tâm khi dùng nguồn nước từ bên ngoài”, ông nói với VTC News.

Ông Đào Xuân Học, nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng Hà Nội hiện sử dụng nước sinh hoạt từ hai nguồn sông Hồng và sông Đà, đều bắt nguồn từ Trung Quốc, và “có nhiều vấn đề bên ngoài lãnh thổ mà chúng ta không thể kiểm soát được”.

“Nếu như trước đây mình quy hoạch tốt thì theo quan điểm của tôi, Hà Nội sử dụng nước từ hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây) là tuyệt vời nhất, hoàn toàn chủ động về mọi mặt. Tất nhiên, mọi quy hoạch đã diễn ra rồi, không thể thay đổi được nữa khi có sự xuất hiện của sân golf Đồng Mô, để bảo vệ cỏ thì họ phải phun thuốc, điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn nước. Chưa kể là các bãi rác lưu vực sông gây ô nhiễm nặng nề”, ông Đào Xuân Học nói.

Theo ông, nói về việc chủ động nguồn nước, phải nhắc đến ví dụ TPHCM lấy nước từ hồ Dầu Tiếng nên hoàn toàn khống chế và kiểm soát được nguồn nước.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên thứ trưởng Bộ NN & PTNT, nguyên chủ tịch Hội Thủy lợi nói ông tin chắc rằng dọc sông Hồng không có hoặc rất ít nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh sở hữu mô hình xử lý chất thải trước khi đổ ra sông. “Vậy nên việc lãnh đạo tỉnh Lào Cai nói địa phương đang tận dụng nguồn nước nội thuỷ để hạn chế sử dụng nước sông Hồng là hoàn toàn có cơ sở. Những thứ bên phía bạn mà chúng ta không biết, không có sự đảm bảo thì nên tìm cách để tự chủ”, ông Hồng nói.

Tuy nhiên theo ông, đổ lỗi hoàn toàn cho thượng nguồn về chuyện ô nhiễm là không nên. Biết đâu lỗi phần lớn là của chúng ta bởi dọc sông Hồng có quá nhiều nhà máy với không biết bao nhiêu họng xả chất thải không qua xử lý.

“Ví dụ cụ thể là sông Tô Lịch, chỉ dài mấy chục cây số nhưng có đến hàng trăm cống xả, vậy với chiều dài của sông Hồng như vậy thì có bao nhiêu”, vị cựu chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đặt vấn đề.

Giảm gánh nặng cho sông Hồng

GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, giảm phục thuộc nước sông Hồng, thay vào đó tận dụng nguồn nước thuỷ điện là một ý tưởng tốt. “Sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc, họ có toàn quyền sử dụng, chúng ta không hề có hiệp định về nguồn nước. Chúng ta đang ở thế bị động thì phải chủ động nguồn của mình, đừng trông chờ nguồn nước sông Hồng nữa. Để làm được điều này thì Bắc Bộ cũng phải có kế hoạch xây dựng mạng lưới chuyển nước”, ông Hồng nói.

Nguyên hiệu phó Đại học Thủy lợi cho rằng cần xem lại quy hoạch nguồn nước, bởi chúng ta từng nói rằng già nửa lượng nước của Việt Nam là bắt nguồn từ nước ngoài, khoảng 500 tỷ m3, còn 300 tỷ m3 là nước nội thuỷ. “Vậy bây giờ 500 tỷ m3 nước kia không còn thì phải làm thế nào?”, GS. TS Vũ Trọng Hồng đặt vấn đề.

Ông cho rằng đã đến lúc nước ta phải thay đổi quy hoạch nguồn nước để không bị phụ thuộc. Việc tích trữ nước vào mùa mưa để sử dụng cho mùa khô hoàn toàn khả thi.

“Đồng bằng sông Cửu Long đã rơi vào thế phụ thuộc nước từ sông Mekong rồi và hiện nay nhà nước đang tìm cách tháo gỡ, vậy nên đồng bằng sông Hồng cũng phải có chiến lược”, ông Hồng nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới