Xét trong khía cạnh nào đó, diễn tả diễn biến quan hệ Trung Quốc – Đài Loan hiện thời có thể lấy câu thành ngữ “Hòn bấc ném đi hòn chì ném lại”. Bắc Kinh sẵng giọng nạt nộ thì Đài Bắc cũng trừng mắt cau có.
Câu chuyện Đài Loan và Trung Quốc ngày càng nóng. Trung Quốc, với sức mạnh kinh tế, quân sự ngày một phát triển, trở thành một cường quốc đúng nghĩa, càng tỏ ra sốt ruột trong việc thu hồi Đài Loan – phần lãnh thổ mà họ coi là thiêng liêng nhằm thực hiện “một Trung Quốc”.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày một quyết đoán hơn. Cho dù không thể hiện rõ sẽ thực hiện mục tiêu đó bằng cách gì, nhưng việc hối hả tăng cường lực lượng quân sự, nhất là hải quân, không quân, cùng những cuộc tập trận thử tên lửa, sử dụng lực lượng đổ bộ, người nhái trên Biển Đông…, khiến dư luận cho rằng, một khi Đài Loan không chịu khuất phục, Bắc Kinh sẽ không ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự để đánh chiếm hòn đảo ly khai bướng bỉnh.
Còn Đài Bắc, nhất là thời của bà Thái Anh Văn, cũng chẳng vừa, luôn đáp trả những hành động mà họ cho là “khiêu khích, đe dọa” từ phía Bắc Kinh, đồng thời, ra sức tăng cường khả năng phòng thủ, mua sắm các loại vũ khí tối tân từ Mỹ và phương Tây.
Bằng chứng mới nhất là trong tháng 3 này, khi Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận trên Biển Đông, Đài Loan cũng ngay lập tức tuyên bố tổ chức tập trận ở vùng biển đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền). Một số chuyên gia quốc tế soi mói và bình luận rằng: Trung Quốc tập trận dài 10 ngày (4 – 15/3) thì Đài Loan, như để khẳng định sự đối đẳng, tập trận 2 lần: từ 16 – 17/3 và 26 – 31/3. Nói cách khác, mọi diễn biến đều cho thấy, một khi Bắc Kinh ném đi “hòn chì”, thì Đài Bắc cũng ném lại “hòn chì” chứ chẳng phải “hòn bấc”.
Thực ra, cái kiểu “ăn miếng trả miếng” của bà Thái Anh Văn với ông Tập Cận Bình là điều có thể đoán. Trước kia đã đành, ai cũng biết. Những ngày gần đây, càng biết hơn. Biết hơn, từ những chuyến nhà lãnh đạo Đài Loan thị sát, kiểm tra quân đội được truyền thông quốc tế đưa tràn ngập, lại còn cố tình đặc tả gương mặt quyết đoán của bà. Biết hơn từ những lời “tài nữ xứ Đài” kêu gọi lực lượng vũ trang Đài Loan phải cảnh giác với Trung Quốc khi cả thế giới đang có chiều hướng chúi mục vào diễn biến căng thẳng Nga – Ukraine khiến mối quan hệ vốn âm ỉ như thùng thuốc súng này khó thoát khỏi phát nổ.
Và khi cuộc chiến nổ ra giữa hai quốc gia Nga – Ukraine vốn từng chung mái nhà, nhà lãnh đạo “hòn đảo tự trị” Đài Loan, chẳng chút lấn cấn, tuyên bố sẽ cùng Mỹ và các nước phương Tây trừng phạt Nga, trong khi Bắc Kinh giữ thái độ cùa kẻ ngồi trên đỉnh núi “quan hổ (Nga – Mỹ) đấu” để xem mình có kiếm chác được gì không. Đó là chưa kể ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn tuyên bố khẳng định mối quan hệ với Nga “vững như bàn thạch” và “sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ bên thứ ba (hàm ý Mỹ) nào”.
Thậm chí, ngày 16/3, phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, bà Zhu Fenglian, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, đã chỉ trích đảng cầm quyền Đài Loan, rằng: “Giới chức đảng Dân Tiến đang sử dụng vấn đề Ukraine để xác thực sự tồn tại của họ và lợi dụng vấn đề nóng, lợi dụng khó khăn của người khác”; đồng thời cảnh cáo: “Những nỗ lực của họ nhằm kích động đối đầu và gây thù địch thông qua thao túng chính trị sẽ không thành công”.
Ai thành công thì chưa biết. Chỉ biết rằng, một khi hai bên bờ, cả hai liên tục nã vào nhau những “hòn chì” nặng nề, thì eo biển Đài Loan đã nóng, càng nóng thêm là cái chắc.
T.V