Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) trong một bản báo cáo mới đây cho biết: Tại các trạm đo ở Thái Lan, Lào và Campuchia mực nước sông Mê Kông cao bất thường, vượt kỷ lục và vẫn còn tiếp tục tăng.
Theo MRC, mực nước tại đập thuỷ điện Cảnh Hồng đã tăng khoảng 0,39 m từ 537,23 m lên 537,62 m trong giai đoạn từ ngày 8-14.3.2022. (Đập Cảnh Hồng nằm phía dưới trong hệ thống đập thuỷ điện của Trung Quốc trên dòng chính sông Mê Kông).
Quan trắc của MRC, từ ngày 8-14.3, mực nước dọc theo hạ lưu sông Mê Kông ở Chiang Saen (Thái Lan) đã tăng khoảng 0,36 m so với tuần trước và ở mức cao hơn 1,92 m so với mức trung bình nhiều năm, được coi là bất thường. Còn mực nước tại Luang Prabang (Lào) tăng 0,51 m so với tuần trước và cao hơn 0,17 m so với giá trị tối đa trong lịch sử.
Bên cạnh đó tại các trạm quan trắc khác Chiang Khan (Thái Lan) hay Viêng Chăn (Lào) lần lượt tăng đáng kể trong khoảng từ 0,70 m đến 1,13 m. Mực nước hiện tại tại hai trạm này đang ở mức cao hơn khoảng 2,37 so với mức trung bình nhiều năm của chúng, được coi là bất thường. Ngoài ra tại nhiều trạm khác như Nong Khai, Nakhon Phanom của Thái Lan hay Paksane, Pakse, Savannakhet của Lào và Stung Treng, Kratie ở Campuchia đều tăng so với tuần trước đó và đạt mức cao nhất so với trung bình nhiều năm của chúng.
Đối với các trạm thủy triều tại Tân Châu và Châu Đốc của Việt Nam, mực nước dao động giữa mức tối đa và mức tối thiểu của chúng tại Châu Đốc, do ảnh hưởng của thủy triều hàng ngày từ biển.
Mực nước tiếp tục tăng
Trong tuần từ ngày 15-21.3, mực nước dọc theo hạ lưu sông Mê Kông từ Chiang Saen của Thái Lan sẽ tăng khoảng 0,03 m và sẽ tiếp tục ở mức cao hơn một chút so với mực nước trung bình nhiều năm tại trạm đo này. Trong khi mực nước tại Luang Prabang của Lào sẽ tiếp tục cao hơn mức cao kỷ lục. Ở các trạm đo khác trên lãnh thổ Thái Lan và Lào mực nước sẽ tăng thêm từ 0,15m-0,40m tuỳ trạm. Các trạm ở Campuchia tăng từ 0,10-0,15m cao hơn trung bình nhiều năm.
Đối với các trạm thủy triều tại Tân Châu và Châu Đốc của Việt Nam có thể sẽ dao động giữa các giá trị trung bình nhiều năm và giá trị cực đại của chúng, do quá trình thủy triều gây ra.
Tuy trong báo cáo của MRC chỉ nêu hiện tượng mực nước sông Mê Kông cao bất thường, vượt kỷ lục trong mùa khô và không nói rõ nguyên nhân. Tuy nhiên những số liệu quan trắc của MRC trùng khớp với những phân tích và báo cáo từ dự án dự án MDM (Mekong Dam Monitoring) thuộc Trung tâm Stimpson và Eyes on Earth. Dự án MDM chỉ rõ nguyên nhân mực nước cao bất thường là do các đập thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Kông xả nước, đặc biệt là đập Tiểu Loan và Nọa Trát Độ.
Theo các nhà môi trường, mực nước thay đổi bất thường theo mùa làm ảnh hưởng đến nhịp tự nhiên của dòng sông. Các hệ động thực vật tự nhiên của dòng sông bị mất tín hiệu quen thuộc vốn có làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tồn tại của chúng. Việc tích xả của các đập gây hiệu ứng giảm dòng chảy mùa lũ tăng dòng chảy mùa khô làm cho dòng chảy mùa lũ không đủ mạnh để tải bùn cát về hạ lưu dẫn đến gia tăng sạt lở.
T.P