Wednesday, December 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNằm chờ ở cảng TQ gần 2 tháng mới được thông quan...

Nằm chờ ở cảng TQ gần 2 tháng mới được thông quan chỉ vì thiếu chữ S trong tên công ty

Đến cảng Thiên Tân (Trung Quốc) từ ngày 25/1/2022 nhưng do bất cẩn chỉ thiếu một chữ “s” trong tên công ty, lô hàng hạt điều của một doanh nghiệp Việt Nam phải nằm chờ ở cảng. Sau khi nhờ Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) hỗ trợ, lô hàng đã được thông quan chỉ sau 2 ngày Văn phòng nhận được thông tin.

Cảng Thiên Tân (Trung Quốc), nơi lô hàng của một doanh nghiệp ngành điều phải nằm chờ gần 2 tháng mới được thông quan do sai sót trong hồ sơ, giấy tờ theo Lệnh 248, 249.

Thiếu một chữ “S”, doanh nghiệp chờ gần 2 tháng mới xuất khẩu được lô hạt điều sang Trung Quốc

Sáng 20/3, trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Khắc Nhã, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Chế biến Nông sản, thực phẩm xuất khẩu T.A bày tỏ sự vui mừng khi lô hàng hạt điều trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng cuối cùng đã được thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc sau gần 2 tháng phải nằm chờ ở cảng Thiên Tân (Trung Quốc).

“Một phút bất cẩn, chỉ thiếu một chữ “S” trong tên công ty thôi mà hàng của chúng tôi phải nằm ở cảng chờ đợi khá lâu” – ông Nhã cho biết.

Trước đó, thực hiện nghiêm túc những thay đổi trong chính sách kiểm soát nông sản, thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc theo Lệnh 248, 249, doanh nghiệp của ông Nhã đã nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc từ tháng 12/2021 và đã được phía Hải quan Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu theo đúng quy định.

Doanh nghiệp cũng đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của Công văn số 175/BVTV-ATTP ngày 20/01/2022 của Cục Bảo vệ thực vật về hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có nguồn gốc thực vật thực hiện việc đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc, sản phẩm của công ty hoàn toàn đáp ứng đủ mọi yêu cầu.

Thế nhưng không hiểu sao khi hàng đến cảng Thiên Tân, khách hàng lại báo không nhận được hàng.

“Khi khách báo không thể nhận hàng, công ty lên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thì mới phát hiện sai sót, hàng còn nằm chờ ở cảng chúng tôi như ngồi trên đống lửa”, ông Nhã nói.

Sau khi được Hiệp hội Điều Việt Nam tư vấn, Công ty TNHH Chế biến Nông sản, thực phẩm xuất khẩu T.A đã gửi công văn tới Văn phòng SPS Việt Nam nhờ hỗ trợ vào ngày 18/3 với nội dung đề nghị hỗ trợ công ty trong việc đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cho thông quan lô hàng có số vận đơn CULVSGN2I03814.

Ngay sau khi nhận được công văn đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp, Văn phòng SPS Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong 2 ngày 18, 19/3.

Và ngay trong ngày 19/3, Hải quan Thiên Tân đã cho phép khách hàng của Công ty T.A nhận hàng.

Trung Quốc là thị trường quan trọng của hạt điều Việt Nam, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ thật tốt

Cũng theo ông Bùi Khắc Nhã, Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng của doanh nghiệp, năm 2021, giá trị xuất khẩu hạt điều của doanh nghiệp sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 10 – 15% doanh số của công ty.

“Trung Quốc ngày càng có những quy định khắt khe trong kiểm soát thực phẩm, nông sản xuất nhập khẩu với nhiều loại giấy tờ, những sai sót của chúng tôi tuy không đáng có nhưng cũng khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian” – ông Nhã nói.

Đánh giá cao sự vào cuộc của Văn phòng SPS Việt Nam, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam đề nghị Văn phòng tăng cường hỗ trợ, tư vấn, cũng như tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của các Hiệp định SPS từ thành viên WTO nói chung, và Lệnh 248, Lệnh 249 nói riêng đến các doanh nghiệp ngành điều và xuất khẩu nông sản nói chung.

Từ vụ việc của Công ty T.A, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ tên doanh nghiệp trên hồ sơ, mã sản phẩm, địa chỉ và các thông tin liên quan, tránh để sai lỗi chính tả, lỗi dính chữ, lỗi thiếu ký tự, lỗi số học…

“Đặc biệt, doanh nghiệp phải kiểm tra hồ sơ đồng bộ trước khi xuất hàng, tránh trường hợp không thể thông quan chỉ vì lỗi chính tả”, ông Nam nói.

Trong trường hợp không may bị lỗi, doanh nghiệp cần liên hệ sớm với cơ quan có thẩm quyền quản lý sản phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Văn phòng SPS Việt Nam hoặc hệ thống các hiệp hội để được trợ giúp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới