Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiQuá vô lý khi xăng dầu bị đánh thuế "tiêu thụ đặc...

Quá vô lý khi xăng dầu bị đánh thuế “tiêu thụ đặc biệt

Ngoài việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng phải bỏ luôn 10% thuế tiêu thụ đặc biệt mới khiến giá giảm mạnh, giúp ổn định vĩ mô phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Nên tạm bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu để ổn định vĩ mô, phục hồi kinh tế.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng không còn phù hợp

Tại kỳ họp Quốc hội (QH) mới đây, một số đại biểu QH cho rằng trong cơ cấu tính giá xăng dầu còn hàm chứa “nhiều yếu tố phức tạp”, có nhiều loại thuế đánh vào giá thành xăng dầu bán ra là chưa hợp lý. Đặc biệt, các ý kiến nhấn mạnh xăng dầu là hàng hóa thiết yếu nhưng phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Nên chăng bỏ luôn loại thuế này trong bối cảnh giá xăng dầu tăng quá mạnh. Trước thắc mắc của đại biểu QH, Phó chủ tịch QH đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu thêm để làm rõ vấn đề tại sao xăng dầu là mặt hàng thiết yếu lại bị đánh thuế TTĐB như hàng xa xỉ là bia rượu, thuốc lá…

Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thuế TTĐB là một loại thuế gián thu, không trực tiếp đánh vào thu nhập và tài sản của người nộp thuế mà đánh một cách gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa và dịch vụ. Tức là do nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu xăng dầu phải nộp loại thuế này. Mục đích thuế TTĐB quy định nhằm để người dùng… tiết kiệm và khoản thuế này được quy định trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu hiện nay.

Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, Chủ tịch Group Quản lý doanh nghiệp (DN), cho rằng không riêng VN, nhiều quốc gia có áp dụng thuế TTĐB đối với xăng dầu như một công cụ định hướng tiêu dùng và điều tiết nguồn thu ngân sách. Do mặt hàng xăng dầu vốn có nguồn gốc không tái tạo, gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng nên đưa vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm hạn chế tiêu dùng. Tuy nhiên, tại VN, sắc thuế này được hình thành từ thời 100% xăng dầu tiêu thụ phải nhập khẩu. “Tại thời điểm đó, mặt hàng xăng dầu nhập khẩu gần như toàn bộ, được xem như các mặt hàng xa xỉ hạn chế sử dụng như các sản phẩm nhập khẩu khác: rượu bia, nước hoa, thuốc lá, xe hơi… không khuyến khích tiêu dùng. Đến nay, nói cách nào đó, loại thuế này lại có sự mâu thuẫn với chiến lược phát triển công nghiệp ô tô, công nghiệp hóa đất nước. Thứ hai, VN nay tự chủ được 70% xăng dầu tiêu thụ trong nước, nên việc vẫn tiếp tục duy trì mức 10% thuế TTĐB với xăng dầu đã trở nên không còn phù hợp”, ông Đỗ Hòa phân tích và kiến nghị nên chăng tư duy về thuế TTĐB đánh vào xăng dầu cần thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới đang biến động mạnh.

Đồng quan điểm, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN nước ngoài, cũng cho rằng để ổn định kinh tế vĩ mô, giá xăng dầu phải được giảm mạnh, dưới mốc 25.000 đồng/lít mới bảo đảm tính bền vững cho phục hồi kinh tế. Muốn vậy, bằng công cụ thuế phí, cơ quan điều hành có thể giảm đáng kể giá xăng dầu tại kỳ điều hành tới. “Xăng lên 30.000 đồng/lít khi giá dầu thế giới vọt lên trên 130 USD/thùng. Hiện tại, dầu thế giới đang trong khoảng 105 USD/thùng, nếu giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (BVMT) như đề xuất của Chính phủ với Ủy ban Thường vụ QH, cộng thêm giá thế giới thấp hơn tại kỳ điều hành trước, cơ quan quản lý tính toán tạm không thu 10% thuế TTĐB trong năm nay, giá xăng dầu sẽ về mức ổn định dưới 25.000 đồng/lít theo kỳ vọng của nền kinh tế”, GS Nguyễn Mại phân tích.

Chính sách cần đột phá

Theo ông Đỗ Hòa, Bộ Tài chính cần tính toán, mạnh dạn đề xuất tạm bỏ thuế TTĐB đối với xăng dầu trong năm 2022 – 2023 để hỗ trợ ngành du lịch, vận tải, sản xuất kinh doanh phục hồi sau đại dịch. “Bỏ hẳn sẽ rất khó, nhưng nền kinh tế nước nhà đang cần những quyết sách đột phá. Có những chính sách “xưa nay chưa từng có” đã được Chính phủ triển khai, bỏ thêm sắc thuế này là góp phần quan trọng cho chiến lược kích cầu, phục hồi kinh tế”, ông Hòa nhấn mạnh.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng các chính sách giúp giảm giá xăng dầu trong bối cảnh hiện nay phải đạt được 2 mục đích, đó là vừa giảm áp lực lạm phát, vừa đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng, ổn định vĩ mô 2022 – 2023. Bởi nếu không ổn định vĩ mô, các giải pháp kích cầu, hỗ trợ DN… rất khó đạt mục tiêu đề ra.

“Chúng tôi ủng hộ chủ trương giảm thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu trong giai đoạn này. Hiện tại, so với giá xăng cuối năm 2021, đề xuất giảm thuế BVMT 50%, tương đương giảm 2.000 đồng/lít với xăng sẽ giúp kéo giảm chỉ số tiêu dùng 0,3%, khiến tác động của tăng giá xăng lên CPI chỉ ở mức 0,6%. Tuy nhiên, với mục tiêu kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, VEPR đề xuất bên cạnh việc giảm cố định 2.000 đồng từ thuế BVMT, Bộ Tài chính nên cân nhắc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu hoặc tạm miễn 10% thuế TTĐB cho đến hết ngày 31.12 năm nay”, ông Việt đề xuất và phân tích: “Tỷ lệ thuế 10% này sẽ được áp dụng linh hoạt hơn, không bị ràng buộc vào mức giảm cố định, theo đó, điều hành vĩ mô sẽ có sự chủ động, dự báo dễ hơn trong giá cả lẫn thu ngân sách. Bên cạnh đó, bỏ thuế TTĐB giúp DN lường trước được giá xăng dầu sẽ tăng giảm thế nào theo giá thế giới để có kế hoạch kinh doanh sản xuất phù hợp và chủ động hơn. Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm, do giá xuất khẩu dầu thô tăng, nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô tăng gấp đôi so cùng kỳ. Thế nên, nếu nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu”.

Dẫn ví dụ từ đề xuất của Bộ Tài chính trước đây là giảm thuế BVMT 1.000 đồng/lít xăng, sau vài ngày, đề xuất giảm 2.000 đồng (tương đương 50% thuế BVMT), TS Nguyễn Quốc Việt nhận xét cách điều hành như vậy là thiếu linh hoạt. “Nếu có thể, điều tiết giá dựa trên các mức thuế, phí tương đối sẽ có sự chủ động và linh hoạt hơn so với các loại thuế, phí tuyệt đối cho cả hai phía là cơ quan điều hành và cả phía người dân, DN. Giảm thuế theo tỷ lệ % của giá mua vào sẽ hỗ trợ ổn định vĩ mô của nền kinh tế hơn so với mức giảm cố định mà Bộ Tài chính đang đề xuất. Giảm cả thuế BVMT, tạm ngưng tính thuế TTĐB, mới giúp kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giảm khó khăn cho người dân và DN được”, ông Việt nhấn mạnh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới