Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiChậm trễ Long Thành: Nhớ chuyện thần tốc xây dựng sân bay...

Chậm trễ Long Thành: Nhớ chuyện thần tốc xây dựng sân bay Vân Đồn

Quốc hội thông qua nghị quyết xây dựng sân bay quốc tế Long Thành từ tháng 6/2015. Gần 7 năm trôi qua, 2 công đoạn sẽ xử lý đồng thời là đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng đều chậm trễ so với kế hoạch.

Thúc đẩy các dự án lớn

Cuộc thị sát xuyên Việt gần đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính để đánh giá về tiến độ triển khai các dự án cho thấy sự hối thúc công việc của người đứng đầu Chính phủ quả là rất cần thiết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe đơn vị thi công dự án sân bay Long Thành báo cáo tổng thể quy hoạch, tiến độ thi công các hạng mục. Ảnh: VGP

Dù đang ngày nghỉ Tết, hôm 5/2, Thủ tướng đã có chuyến công tác kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công các dự án cao tốc Bắc – Nam, chặng Nha Trang – Cam Lâm – Vĩnh Hảo – Phan Thiết – Dầu Giây.

Đây là các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu chung là phải hoàn thành khoảng 2.000km đường cao tốc trong cả nước ở nhiệm kỳ 2021-2026. Đó quả là quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng và Chính phủ.

Ngày 6/2, Thủ tướng cùng đoàn công tác tiếp tục xuống thị sát tỉnh Đồng Nai. Điều khiến ông chưa bằng lòng là tiến độ triển khai xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành đang có vấn đề, cần chấn chỉnh để tăng tốc dù đã có những cố gắng nhất định.

Theo đó, dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư là 22.856 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017-2021 được giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Nội dung dự án thu hồi diện tích là hơn 5.364ha thuộc huyện Long Thành (với 5.541 hộ dân và 18 tổ chức bị ảnh hưởng).

Đến nay, tỉnh mới thu hồi được tổng diện tích hơn 4.108ha/4.946ha kế hoạch. Như vậy mới chỉ đạt 85% sau 4 năm triển khai.

Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 được Thủ tướng phê duyệt từ ngày 1/1/2020 với tổng mức đầu tư là 4.664,89 triệu USD, thời gian thực hiện từ năm 2020-2025, gồm 4 dự án thành phần.

Lễ khởi công đã được tổ chức vào tháng 1/2021. Chúng ta đang phấn đấu hoàn thành vào năm 2024 và đầu năm 2025 đưa vào khai thác giai đoạn 1, thế nhưng tiến độ đang chậm so với kế hoạch.

Thủ tướng yêu cầu cấp dưới bám sát thực tế và chỉ đạo rốt ráo cho đúng tiến độ. Ông đã phải nhắc nhở khá nặng lời: “Đề nghị các bộ, ngành, đơn vị bàn rõ việc, rõ trách nhiệm; ai làm được thì quyết tâm, ra sức thực hiện; ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm”.

Chiến dịch giải phóng mặt bằng mang tên Quang Trung

Còn nhớ, ở phía Bắc, trên vùng đất du lịch với cảnh đẹp mê hồn Quảng Ninh, ước mơ về việc có được một sân bay quốc tế đã có từ rất sớm. Đó là ý tưởng, là khát vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Sau hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2012, các lãnh đạo tỉnh thấy rõ rằng, người ta sở dĩ chưa chọn Quảng Ninh để đầu tư là do giao thông không thuận lợi, chi phí vận tải và thời gian vận chuyển quá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Theo tinh thần đó, tỉnh đã chủ động tìm và mời gọi nhà đầu tư, dành nguồn ngân sách đối ứng để thực hiện đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, tổ chức GPMB chuẩn bị quỹ đất sạch để làm sân bay.

Sân bay Vân Đồn 

Chỉ sau thời gian ngắn, một số nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã đến Quảng Ninh. Họ đề xuất được nghiên cứu đầu tư sân bay tại huyện đảo Vân Đồn. Sun Group được lựa chọn bằng kế hoạch đầu tư cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với số vốn ban đầu hơn 7.700 tỷ đồng.

Tháng 4/2015, dự án chính thức được triển khai xây dựng. Tháng 12/2018, sân bay được chính thức đưa vào khai thác và đón chuyến bay thương mại đầu tiên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thành khi đó được giao trực tiếp làm chỉ huy trưởng chiến dịch GPMB dự án sân bay Vân Đồn mang tên chiến dịch Quang Trung (tên này do Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính đặt vì nó cận Tết). Ông Thành kể, theo kế hoạch, địa phương phải bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư vào trước Tết Nguyên đán 2015. Vì thế, phải thật khẩn trương với tinh thần thần tốc như hồi Nguyễn Huệ – Quang Trung tiến vào thành Thăng Long dẹp giặc Thanh hơn 200 năm trước.

Được biết trong diện tích cần GPMB có 3 khu nghĩa trang cũ với trên 600 ngôi mộ cần di dời. Đây là cả câu chuyện không hề đơn giản nếu không làm tốt công tác dân vận. Và thực tế, tỉnh đã làm rất bài bản.

Tôi được nghe kể, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã giao nhiệm vụ cho Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ đứng ra làm việc này vì biết sẽ liên quan đến công tác vận động, thuyết phục người dân ủng hộ một chủ trương phát triển kinh tế lớn của tỉnh. Mọi người khi hiểu rõ đều dần dần ủng hộ chính quyền GPMB.

Thước đo là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

Có lẽ nhờ cung cách lãnh đạo rốt ráo, nhiệt huyết mà nhiều công trình tại Quảng Ninh đều hoàn thành đúng tiến độ hoặc trước tiến độ, trong đó có cả tuyến đường cao tốc nối Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Nó cũng đã được thông suốt cực nhanh, tạo nên một tam giác hoàn chỉnh để góp phần tăng trưởng kinh tế cho cả vùng.

Nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu nhận xét khá xác đáng rằng: “Bất kể địa phương nào khác cũng vậy. Khi người đứng đầu bám sát, nắm chắc công việc, rồi đốc thúc cơ sở và thuộc cấp liên tục thì cả bộ máy sẽ vào guồng và đôn đáo để thực hiện. Từ đó tiến độ sẽ rất nhanh và hiệu quả rõ rệt”.

Hiện tại, Quảng Ninh đang là địa phương dẫn đầu cả nước ở 4 chỉ số quan trọng: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); giữ vững vị trí thứ 3 chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT Index) 2 năm liên tiếp.

Có được điều này là nhờ địa phương luôn đặt mục tiêu đổi mới, liên tục cải cách, lấy thước đo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm phương châm điều hành, chỉ đạo.

Câu chuyện tại tỉnh Quảng Ninh sau một số năm chuyển mình để thay da đổi thịt đến độ ngỡ ngàng cho thấy: Muốn những dự án trọng điểm quốc gia kiểu như dự án đường cao tốc Bắc – Nam, dự án xây dựng sân bay Long Thành triển khai nhanh, đúng tiến độ thì từ người thay mặt lãnh đạo Chính phủ được phân công theo dõi việc này cho đến Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai, các bộ, ngành khác phải bám sát công việc để tăng tốc.

Chỉ có như vậy mới hy vọng các dự án trọng điểm quốc gia sớm đi vào sử dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đất nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới