Điện mặt trời triệu đô hư hỏng sau 2 tháng sử dụng
Năm 2019, dự án điện năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới ở tỉnh Quảng Bình được triển khai tại bản Ho Rum (xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình). Cả bản được trang bị 65 bộ chuyển đổi năng lượng mặt trời dùng cho 91 hộ dân trong đó có 1 bộ dành cho nhà văn hoá thôn.
Ông Hồ Duy Vàng, Bí thư Chi bộ bản Ho Rum (xã Kim Thuỷ), cho biết người dân ở vùng sâu, vùng xa rất mừng khi được trang bị hệ thống điện hiện đại. Tuy nhiên, ông Vàng cho hay bà con nhanh chóng thất vọng khi hệ thống điện mặt trời trên chỉ dùng được 2 tháng là mất điện cho đến nay.
“Số tiền đầu tư điện mặt trời rất lớn, mỗi hộ dân tính ra là 250 triệu đồng, cụm pin mặt trời ở nhà văn hóa bản là hơn 1 tỷ đồng, nhưng điện lại mất triền miên nên bà con dân bản rất thất vọng.
Trong 65 cụm pin thì chỉ còn 4 nhà có điện thắp sáng, số còn lại không có bất cứ dòng điện nào được tích trữ. Bà con nhìn đống vật liệu triệu USD như phế thải”, ông Vàng nói.
Ông Nguyễn Văn Muôn, trưởng bản Sắt (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), cho hay tình trạng hư hỏng cũng xảy ra ở những gia đình được trang bị hệ thống điện mặt trời từ dự án. Theo đó, bình ắc quy trên hệ thống không tích được điện từ các tấm pin mặt trời.
“Nhiều người gỡ bình ắc quy xuống mang đi sạc điện rồi mang về dùng. Chúng tôi phản ánh mãi nhưng không ai lắng nghe”, ông Muôn nói thêm.
Đại diện UBND xã Trọng Hoá (huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình), xác nhận tình trạng hư hỏng xảy ra tại các hệ thống tại 6 bản có dự án triển khai. Theo đó, hệ thống ắc quy có đến 239 cái bị lỗi, 2 điểm cấp điện tập trung bị hư hỏng, 6 điểm cấp điện độc lập không thể cấp điện vì các lý do cháy tủ điện, hộp đấu pin, hỏng bộ chuyển đổi điện.
Nguy cơ thành phế liệu
Theo tìm hiểu, dự án điện năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới ở tỉnh Quảng Bình được triển khai qua hiệp định vay vốn ODA của chính phủ Hàn Quốc khoảng 12 triệu USD, Việt Nam đối ứng 1,7 triệu USD. Dự án được phê duyệt năm 2012, được triển khai trên địa bàn 8 xã của 4 huyện gồm Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) với gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công được hưởng lợi.
UBND tỉnh Quảng Bình sau đó thành lập Ban quản lý Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời (QBSC) trực thuộc UBND tỉnh để thực hiện dự án. Dự án được tư vấn bởi liên danh do nhà thầu Dohwa đứng đầu, còn nhà thầu KT Corpotation của Hàn Quốc trúng thầu xây lắp.
Ông Nguyễn Việt Hà, Phó giám đốc Sở Công Thương, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời, xác nhận nhiều hệ thống điện của dự án bị hư hỏng, không thể tích điện, phát điện.
Được biết, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (thuộc Sở Công Thương) thống kê các điểm hư hỏng, có phương án thay thế, sửa chữa và hiện đang quản lý các thiết bị dự phòng của dự án, gồm 309 tấm pin, 120 bình ắc quy và phụ kiện khác.
Ông Lê Mậu Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, cho hay đang thống kê các điểm hư hỏng. Ông Khánh cũng thừa nhận việc sửa chữa sẽ tốn kinh phí rất lớn. Trách nhiệm sửa chữa thuộc nhà thầu nhưng hiện các nhà thầu Hàn Quốc đã về nước, rất khó để họ quay lại.
“Sơ bộ số điểm hỏng nhiều hơn thiết bị dự phòng đang có. Việc sửa chữa sẽ rất tốn kém”, ông Khánh nói.
Theo tìm hiểu của PV, dự án đang được làm thủ tục quyết toán nên các phương án thay thế, sửa chữa không được thông qua. Trong thời gian chờ quyết toán và chờ xây dựng phương án, các trạm điện hư hỏng đành phải bỏ hoang phế.