Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÍt Tập, nhiều Lý hơn trong các phát biểu về chính sách...

Ít Tập, nhiều Lý hơn trong các phát biểu về chính sách của TQ

Khi nền kinh tế suy thoái, các chính sách mang dấu ấn riêng của Chủ tịch Trung Quốc đã ít được nhấn mạnh hơn.

Thứ Sáu vừa qua, khi Lý Khắc Cường nhận câu hỏi từ các nhà báo trong và ngoài nước, đó có thể là lần xuất hiện cuối cùng của ông trong tư cách là thủ tướng Trung Quốc.

Cuộc họp báo của Thủ tướng diễn ra vào cuối kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hàng năm là thời điểm mà các phóng viên có thể trực tiếp đặt câu hỏi cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Theo thông lệ, một thủ tướng mới sẽ được chọn sau đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu này, và người đó sẽ nhậm chức vào mùa xuân năm sau, khi kỳ họp quốc hội kết thúc.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

Thông thường, ở giai đoạn này, sau 10 năm đảm đương chức vụ, Lý sẽ trở thành một ‘con vịt què.’ Nhưng tình hình có thể không như vậy, theo các nguồn tin quan sát Trung Nam Hải của Bắc Kinh, nơi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt văn phòng của họ.

Một nguồn tin cho biết: “Đáng ngạc nhiên là quyền lực của Thủ tướng đối với chính sách kinh tế hàng ngày đang được củng cố.”

Một người khác nói thêm: “Tình hình kinh tế khó khăn buộc chính phủ phải lựa chọn các chính sách cân bằng. Trong những ngày này, mọi người đang đánh giá cao Thủ tướng.”

Những ẩn ý về sự thay đổi này đã được thể hiện trong Báo cáo Công tác của Chính phủ được Lý công bố hôm thứ Bảy. Bài phát biểu khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên đề cập đến chính sách mới của Chủ tịch Tập Cận Bình về “thịnh vượng chung” chỉ một lần duy nhất.

Kế hoạch chỉ định thành phố Hàng Châu, nơi Tập đã phục vụ nhiều năm, trở thành “đô thị kiểu mẫu” cho thịnh vượng chung thậm chí còn không được nói đến. Cũng không có lời nào nhắc tới hệ thống “phân phối thứ ba,” kêu gọi những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Alibaba và những người có thu nhập cao tự nguyện đóng góp.

Nếu xét đến việc các điểm này đã được nhấn mạnh trong các bài phát biểu trước đây, thật khó bỏ qua việc chúng biến mất, không được nhắc đến.

Cùng lúc đó, một trong các chính sách có đủ ‘thời lượng lên sóng’ là “kế hoạch đô thị hóa kiểu mới” mà Lý và các cố vấn của ông đang thúc đẩy. Kế hoạch này kêu gọi các thành phố và khu vực nông thôn phát triển theo hướng tích hợp.

Mục tiêu lớn của Tập về khắc phục tình trạng bất bình đẳng – trước đây được cho là chủ đề trọng tâm của đại hội toàn quốc của đảng – dường như đã bị bỏ lại phía sau.

Ông Lý Khắc Cường và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Bản thân vị Chủ tịch nước cũng ít khi nói về thịnh vượng chung.

Khi Tập tham gia cuộc họp của đoàn đại biểu Khu tự trị Nội Mông vào ngày khai mạc đại hội, ông chỉ đề cập đến thịnh vượng chung đúng một lần, theo báo cáo chính thức của các phương tiện truyền thông.

Ngày hôm sau, Tập đã gặp các thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của đất nước. Nhận xét duy nhất đề cập đến thịnh vượng chung, theo báo cáo, đến từ một thành viên Chính Hiệp khi đó đang nêu ý kiến.

Điều này hoàn toàn trái ngược với khi Tập kêu gọi thịnh vượng chung vào tháng 8 năm ngoái, tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương của đảng. Báo cáo truyền thông chính thức của buổi hôm đó đã sử dụng thuật ngữ “thịnh vượng chung” tới 16 lần.

Việc tung ra chính sách mới hồi ấy mạnh đến nỗi người ta phải đặt câu hỏi rằng liệu một cuộc cách mạng mới có đang bắt đầu?

Trong một năm rưỡi sau đó, sự nhiệt tình đối với thịnh vượng chung rõ ràng đã nguội lạnh đi.

Trong khoảng thời gian trước đại hội đảng toàn quốc, nhiều người từng cho rằng quyền lực của Tập là bất khả chiến bại, và nhiệm kỳ thứ ba là điều chắc chắn. Tuy nhiên, đã có một thay đổi nhỏ. Sự thay đổi đó đến từ nền kinh tế đang sa sút, tụt chậm dần đến mức đảng không thể chấp nhận được.

Sự chậm lại này không phải do nguyên nhân nào khác mà chính là vì các chính sách kinh tế cực đoan của ông Tập.

Ngay cả các quan chức trong chính quyền trung ương dưới quyền ông Lý cũng bày tỏ quan ngại. “Các công ty tư nhân quy mô vừa và nhỏ đang mất dần động lực,” một người nói. “Nếu tình hình không thay đổi, nền kinh tế hùng mạnh của Trung Quốc, mà chúng ta đã mất nhiều năm xây dựng, có thể sụp đổ trong chớp mắt.”

Trong Báo cáo Công tác, Tập đã tuyên bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào khoảng 5,5% cho năm 2022. Dù mức này là dưới mục tiêu của năm 2021, hơn 6%, nhưng cao hơn đáng kể so với dự báo 4,8% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Đặt mục tiêu tăng trưởng mờ nhạt trong khoảng 4% là điều không thể chấp nhận được trước thềm đại hội toàn quốc của đảng. Tập không phản đối mục tiêu 5,5%. Nhưng điều đó có nghĩa là ông không dám làm nản lòng các công ty tư nhân bằng cách nhấn mạnh quá nhiều vào thịnh vượng chung.

Quan điểm chính thức hiện tại của bảy thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, cho rằng thịnh vượng chung là mục tiêu lâu dài, chứ không phải là chính sách ngày một ngày hai.

Trước kỳ họp quốc hội thường niên, Lâm Nghị Phu, nhà kinh tế hàng đầu từng là phó chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Thế giới, nhấn mạnh: trước tiên cần phải “làm cho chiếc bánh lớn hơn” bằng cách tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo Công tác vẫn giữ vững định hướng của chính sách nhà ở, mà Tập đã tổng kết bằng câu nói, “Nhà là để ở, không phải để đầu cơ.” Báo cáo cũng ủng hộ chính sách giảm gánh nặng chi phí giáo dục.

Nhưng trọng tâm trong báo cáo là các biện pháp chi tiết để cứu các công ty tư nhân siêu nhỏ, nhỏ, và vừa đang gặp khó khăn, vốn là lĩnh vực hoạt động của Lý.

Ngoài ra, báo cáo không đề cập đến việc áp dụng thuế tài sản, một đề xuất đã thu hút nhiều phản hồi khi nó được đưa ra.

Một vấn đề đau đầu khác là Ukraine.

Về khía cạnh này, Lý đã gián tiếp bày tỏ một cảm giác khủng hoảng. Ông nói: “Một phân tích toàn diện về các động lực phát triển trong và ngoài nước chỉ ra rằng, trong năm nay, rủi ro và thách thức đối với sự phát triển gia tăng đáng kể, và chúng ta phải cố gắng để vượt qua chúng.”

Lý nhắc đến vấn đề này vì ngoài quan hệ ngày càng xấu đi với Mỹ, xung đột ở Ukraine cũng đang làm tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc.

Giá dầu tăng chóng mặt sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế Trung Quốc. Nước này cũng sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các quốc gia phương Tây, vì Trung Quốc đang hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.

Không thể dẫn đầu về kinh tế, Tập đang chuyển sự chú ý sang chính trị.

Trong bài phát biểu tại Trường Đảng Trung ương vào ngày 1/3, Tập cho biết đảng sẽ kiên quyết duy trì tập trung vào “xây dựng kinh tế,” nhưng vì có những động lực mới, nên “chúng ta không thể đi giày mới mà lại đi theo con đường cũ.”

Cụm từ “xây dựng kinh tế” là một sự ủng hộ dành cho cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, người đã thúc đẩy “mở cửa và cải cách.” Nhưng so sánh với việc “đi giày” cho thấy Tập đang mong muốn thúc đẩy kỷ nguyên của chính mình.

Trong các phiên họp tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Tập đã ca ngợi về tính ưu việt của hệ thống chính trị và quản trị của Trung Quốc, trích dẫn cuộc chiến chống lại COVID-19 thành công của đất nước, và việc đưa hàng triệu người thoát cảnh nghèo đói, trái ngược với tình trạng hỗn loạn ở phương Tây.

Nhưng logic này cũng có rắc rối, bởi nó đưa Tập về phe Tổng thống Nga Vladimir Putin, và hoàn toàn chống lại phương Tây. Cuộc đối đầu của Trung Quốc với phương Tây sẽ chỉ trở nên gay gắt hơn với loại ngôn ngữ này.

Trong nước, Tập có thể không còn có tiếng nói tuyệt đối trong chính sách kinh tế. Hệ thống lãnh đạo tập thể truyền thống đã trở lại, dù chỉ là nhen nhóm.

Tuy nhiên, di sản chính trị mà Tập dành 9 năm hun đúc bằng chiến dịch chống tham nhũng khốc liệt sẽ không dễ dàng biến mất.

Liệu Tập có sớm lấy được đà tiến? Hay là ông đã ở bên kia của sườn dốc?

Đợt thay đổi nhân sự đầu tiên có thể đến vào bất cứ lúc nào. Mọi con mắt đều đổ dồn vào việc liệu các trợ lý thân cận của Tập, đang ở rải rác khắp Trung Quốc, có được triệu tập trở lại Bắc Kinh và được giao những vai trò quan trọng hay không.

RELATED ARTICLES

Tin mới