Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSau cuộc điện đàm với Hoa Kỳ, áp lực lên ông Tập...

Sau cuộc điện đàm với Hoa Kỳ, áp lực lên ông Tập Cận Bình gia tăng

Các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tổ chức một cuộc điện đàm cách đây vài ngày, trong đó Hoa Kỳ cảnh báo ĐCSTQ rằng việc cung cấp hỗ trợ đáng kể cho Nga sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Một số nhà phân tích tin rằng áp lực đối với ĐCSTQ sẽ gia tăng.

Ông Biden và ông Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm kéo dài khoảng 2 giờ vào thứ Sáu (18/3), sau đó các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố riêng biệt, cho thấy nhiều bất đồng và đối đầu về vấn đề Ukraina và Đài Loan.

Cuộc điện đàm lần này được thực hiện vào thời điểm quan trọng trong cuộc chiến Nga-Ukraina. Trước đây, một quan chức Hoa Kỳ tiết lộ rằng Nga đang tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự hoặc kinh tế từ ĐCSTQ do tình hình chiến sự bất lợi và các lệnh trừng phạt toàn diện từ Châu Âu và Hoa Kỳ, và Bắc Kinh cho biết họ có thái độ cởi mở về điều này.

Sau cuộc điện đàm với ông Tập, Toà Bạch Ốc ra thông cáo cho biết ông Biden đã nói rõ ràng với ông Tập Cận Bình về “những tác động và hậu quả nếu Trung Quốc (ĐCSTQ) hỗ trợ đáng kể cho Nga khi nước này tiếp tục các cuộc tấn công tàn bạo vào các thành phố và dân thường Ukraina” .

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, nói với Epoch Times rằng: “Chính sách hiện tại của chính quyền Biden là sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để hạ bệ Nga và buộc Nga phải rút quân. Nếu sự tham gia sâu rộng của ĐCSTQ mang lại cho Nga nhiều hỗ trợ, thì điều đó sẽ giúp Nga có thêm sức mạnh để tiếp tục cuộc chiến. Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy ĐCSTQ đã công khai giúp đỡ”.

“Ngoài mặt thì ĐCSTQ trung lập, nhưng bí mật cố gắng hỗ trợ Nga theo những cách khác nhau. Điều mà Nga muốn là sự ủng hộ công khai từ ĐCSTQ và đó là sự ủng hộ quy mô lớn. Vì vậy, lập trường hiện tại của ĐCSTQ là đều không lấy lòng cả hai bên”, ông nói.

Ông Đổng Tư Tề (Dong Siqi), Phó giám đốc điều hành của một trung tâm nghiên cứu Đài Loan, cho biết: “Ý định của Hoa Kỳ là đạt được cam kết rõ ràng từ Trung Quốc và không giúp Nga về mặt quân sự hoặc theo những cách khác. Cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình là cách Hoa Kỳ hy vọng có thể hiểu được ý đồ của Trung Quốc, đồng thời hy vọng Trung Quốc sẽ rõ ràng hơn về thái độ của mình đối với Nga và các nước láng giềng”.

Ông Đổng Tư Tề cho rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu. Khi chiến tranh tiếp diễn, các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với Nga ngày càng mạnh mẽ hơn và cắt đứt quan hệ với Nga, thậm chí áp đặt cả cái gọi là các lệnh trừng phạt thứ cấp, tức là trừng phạt sâu hơn và toàn diện hơn các quốc gia viện trợ cho Nga, áp lực lên ĐCSTQ sẽ gia tăng.

Tại một cuộc họp báo tại Toà Bạch Ốc hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki không nói rõ về những hậu quả mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt nếu nước này giúp Nga, nhưng bà nói rằng các biện pháp trừng phạt chắc chắn là một trong những công cụ và dòng chảy thương mại khổng lồ của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng.

Khi tiến trình của cuộc xâm lược Ukraina của Nga đã chậm lại, đã có một sự thay đổi nhỏ trong lập trường của các nhà ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc về cuộc chiến Nga-Ukraina. Các chuyên gia cho rằng, nhận thấy tình hình không ổn, ĐCSTQ đã vội vàng gặp gió bẻ lái, đánh cược cả đôi bên.

Ông Phùng Sùng Nghĩa chỉ rõ: “Kế hoạch ban đầu của ĐCSTQ và Nga là giương súng về phía phương Tây. Trước chiến tranh Nga-Ukraina, Trung Quốc và Nga đã đưa ra một thông cáo chung, tương đương với việc ĐCSTQ bật đèn xanh cho ông Putin. ĐCSTQ đã sử dụng Nga để phát động cuộc chiến tranh ở Châu Âu (làm mẫu), tính toán tấn công Đài Loan. Và cuộc chiến này đã thúc đẩy tình đoàn kết giữa Châu Âu và Hoa Kỳ, và giữa các thành viên NATO. Điều này nằm ngoài dự tính của ĐCSTQ”.

Ông nói: “Mục tiêu lớn nhất của ông Tập Cận Bình lúc này là tìm cách tái tranh cử. Hiện tại, tình hình kinh tế tổng thể của Trung Quốc rất tồi tệ. Mục tiêu lớn nhất của ông ấy lúc này là ổn định tình hình, để nền kinh tế không bị sụp đổ trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20” hoặc sẽ không để các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ công khai chia rẽ vì chính quyền ủng hộ Nga, ảnh hưởng đến việc ông ấy tái đắc cử vào Đại hội 20. Vì vậy, ông Tập Cận Bình sẽ nhượng bộ Hoa Kỳ, đó là để tạm thời ổn định tình hình và thực hiện ước mơ tái đắc cử của ông ấy”.

RELATED ARTICLES

Tin mới