Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPutin từng muốn Nga gia nhập NATO khi mới lên nắm quyền

Putin từng muốn Nga gia nhập NATO khi mới lên nắm quyền

George Robertson hồi tưởng Tổng thống Nga đã không muốn xếp hàng chờ đợi cùng với ‘những quốc gia không quan trọng.’

Vladimir Putin muốn Nga gia nhập NATO, nhưng lại không muốn đất nước của mình phải trải qua quy trình nộp đơn thông thường, và xếp hàng cùng “những quốc gia không quan trọng”, theo lời một cựu Tổng thư ký của liên minh xuyên Đại Tây Dương.

George Robertson, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh, thành viên Công Đảng, người từng lãnh đạo NATO từ năm 1999 đến 2003, cho biết Putin đã nói rõ trong cuộc họp đầu tiên của hai người, rằng ông muốn Nga là một phần của Tây Âu. “Họ muốn trở thành một phần của phương Tây an toàn, ổn định, thịnh vượng, những thứ mà nước Nga đã không còn vào thời điểm đó.”

George Roberson, cựu lãnh đạo NATO từ năm 1999 đến 2003

Các đồng nghiệp của Robertson nhớ lại cuộc gặp ban đầu với Putin, người trở thành tổng thống Nga vào năm 2000. “Putin nói: ‘Khi nào thì ông mời chúng tôi gia nhập NATO?’ Robertson đáp: ‘Chúng tôi không mời mọi người gia nhập NATO, họ xin gia nhập NATO.’ Putin tiếp lời: ‘Nhưng chúng tôi sẽ không đứng xếp hàng cùng với những quốc gia không quan trọng.’”

Lời kể này phù hợp với những gì Putin nói với David Frost, hiện đã qua đời, trong một một cuộc phỏng vấn với BBC, ngay trước khi nhậm chức Tổng thống Nga lần đầu tiên, hơn 21 năm trước. Putin nói với Frost rằng ông sẽ không loại trừ việc gia nhập NATO “nếu và khi các quan điểm của Nga được coi là quan điểm của một đối tác bình đẳng.”

Ông chia sẻ với Frost rằng rất khó để ông hình dung NATO là kẻ thù. “Nga là một phần của văn hóa châu Âu. Và tôi không thể tưởng tượng đất nước của mình lại biệt lập với châu Âu và với cái mà chúng ta thường gọi là thế giới văn minh.”

Nhận xét của Lord Robertson trong podcast One Decision, được trình bày bởi Michelle Kosinski, một cựu phóng viên của CNN, và Sir Richard Dearlove, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo MI6 – nhấn mạnh cách mà thế giới quan của Putin đã thay đổi trong suốt 21 năm cầm quyền liên tục tại Nga.

Sau những đợt biểu tình đường phố trong Cách mạng Cam ở Ukraine năm 2004, Putin ngày càng nghi ngờ phương Tây, những người bị ông đổ lỗi là đang tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ ủng hộ dân chủ. Ông lại càng tức giận hơn trước việc NATO liên tục mở rộng sang Trung và Đông Âu: Romania, Bulgaria, Slovakia, Slovenia, Latvia, Estonia, và Litva đã chọn tham gia liên minh này vào năm 2004; Croatia và Albania tiếp bước vào năm 2009. Gruzia và Ukraine đã được hứa hẹn trở thành thành viên kể từ năm 2008 nhưng hiện vẫn chưa gia nhập.

Ông Putin từng đề cập đến việc gia nhập NATO với Robertson khi mới nhậm chức Tổng thống Nga

Robertson cũng nhớ lại cách ông trở thành Tổng thư ký NATO đầu tiên và duy nhất viện dẫn điều khoản phòng thủ tập thể của NATO, hay Điều 5, sau vụ tấn công ngày 11/09.

Cựu Tổng thư ký nói rằng viện dẫn Điều 5 là “một canh bạc,” và hoàn toàn không có gì chắc chắn rằng các thành viên NATO sẽ dùng đến nó sau một cuộc tấn công khủng bố, đồng thời lưu ý rằng nó “được thiết kế để phản ứng lại một cuộc tấn công của Liên Xô qua Hành lang Fulda ở Đức”.

Một số đồng minh NATO đã không thoải mái đối với việc viện dẫn điều khoản phòng thủ tập thể để hỗ trợ Mỹ, vì lo ngại điều khoản này sẽ cho phép chính quyền của George W. Bush xâm lược Iraq. Robertson nhớ lại một bộ trưởng đã hỏi ông: “’Điều này có nghĩa là chúng ta đang trao quyền cho họ xâm lược Iraq?’ Chúng tôi nói: ‘Không, không phải đâu.’”

Vị quan chức gốc Scotland cũng tiết lộ, quyết định viện dẫn Điều 5 lịch sử này suýt chút nữa đã trở nên tồn tệ. Một ngày sau vụ tấn công ngày 11/09, Robertson phải tham dự một cuộc họp thường lệ của các ngoại trưởng EU. Lo lắng không thể tập hợp EU bằng cách sử dụng Điều 5, ông đã nhờ một số ngoại trưởng thân thiện – Jack Straw của Anh và Louis Michel của Bỉ – đặt câu hỏi để ông có cơ hội thảo luận về nó. Nhưng cả hai bộ trưởng đều không đặt câu hỏi. “Thế là tôi bỏ đi, sau đó đã có chút bất hòa, và họ nói lẽ ra tôi đã nên công bố. Nhưng tôi nói: ‘Tôi cũng định thông báo chứ, nhưng đâu có ai đặt câu hỏi.’”

Sau vụ tấn công ngày 11/09, nhiều đồng minh NATO đã tham gia cùng với Mỹ trong cuộc xâm lược Afghanistan, và NATO đã lên nắm quyền chỉ huy sứ mệnh vào năm 2003.

Robertson cho biết ông đã hối thúc cố Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld giữ lực lượng Mỹ ở Afghanistan cùng với các đồng minh NATO, sau thất bại quân sự của Taliban. Ông cảnh báo Rumsfeld rằng mình sẽ lên án bất kỳ sự rút lui nào của Mỹ, gọi điều đó là không thể chấp nhận được. “Thế nên lúc đó Rumsfeld đã hơi khó chịu, và tôi nói: ‘Không, … đừng nói rằng chúng tôi đã nấu ăn rồi, giờ tới phiên các người rửa bát.’ Tôi nói, ‘Không đời nào. Chúng ta đã đến đây cùng nhau, và chúng ta sẽ ở lại cùng nhau.”

Ông chỉ trích việc Mỹ rút quân trong hỗn loạn vào hai tháng trước, nhưng cho rằng sứ mệnh kéo dài 20 năm của các lực lượng quân sự phương Tây đã tạo ra khác biệt, bất chấp sự trở lại của Taliban. “Chúng tôi đã để lại một di sản ở đó, thứ mà những kẻ lưu manh thần học này sẽ không thể dễ dàng xóa bỏ. Và tôi nghĩ rằng Afghanistan trong tương lai sẽ là một nơi rất khác.”

RELATED ARTICLES

Tin mới