Ảnh vệ tinh cho thấy tàu đổ bộ USS Miguel Keith, căn cứ viễn chinh di động của quân đội Mỹ, lần đầu tiên tiến vào Biển Đông hôm 21/3.
Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), tổ chức có trụ sở tại Bắc Kinh, hôm qua ra thông báo về phân tích ảnh vệ tinh cho thấy tàu đổ bộ viễn chinh USS Miguel Keith của Mỹ cùng tàu khu trục lớp Arleigh Burke đi qua eo biển Bashi để tiến vào vùng biển phía tây nam Biển Đông hôm 21/3.
SCSPI cho hay đây là lần đầu tiên USS Miguel Keith tiến vào Biển Đông kể từ lần tàu được triển khai tới Tây Thái Bình Dương hồi tháng 10/2021.
Với lượng giãn nước hơn 90.000 tấn, USS Miguel Keith là một trong những tàu chiến lớn nhất, chỉ đứng sau các siêu tàu sân bay Mỹ. USS Miguel Keith là con tàu thứ ba thuộc lớp Lewis B. Puller, có thể thực hiện một số nhiệm vụ của căn cứ viễn chinh di động như làm nơi cất hạ cánh của trực thăng hạng nặng, hỗ trợ hậu cần hay hoạt động như một trung tâm chỉ huy và kiểm soát.
Một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết nước này nên chú ý theo dõi hoạt động của tàu USS Miguel Keith và tìm cách ứng phó, vì sự hiện diện của con tàu trong Biển Đông có thể “nâng cao đáng kể khả năng hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực”.
Theo SCSPI, tàu USS Miguel Keith từng đóng vai trò chủ lực trong cuộc diễn tập chung Mỹ – Nhật Bản Noble Fusion hồi tháng 2. SCSPI cũng dự đoán USS Miguel Keith có thể sẽ tham gia nhiều cuộc tập trận và sự kiện quân sự ở Biển Đông cùng các khu vực lân cận do tính đa nhiệm của nó.
Mỹ và các nước phương Tây như Anh, Pháp và Đức gần đây tăng cường hiện diện quân sự và tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng leo thang do Trung Quốc mở rộng lực lượng hải quân và thiết lập các tiền đồn quân sự trên đảo nhân tạo bồi đắp trái phép trong khu vực.
Mỹ nhiều lần phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực, cáo buộc nước này quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng. Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/1 công bố tài liệu 47 trang bác bỏ cơ sở địa lý và lịch sử liên quan đến các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đô đốc John Aquilino, tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM), cuối tuần trước cáo buộc Trung Quốc dường như đã hoàn tất hoạt động xây dựng kho tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác trên đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập, song chưa rõ họ có xây thêm hạ tầng quân sự ở các thực thể khác hay không.
Ông Aquilino cho biết các hành động này hoàn toàn trái ngược với cam kết của Trung Quốc rằng sẽ không biến các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự. Ông đánh giá đây là một phần trong quá trình Trung Quốc củng cố sức mạnh quân sự.
Đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ thập là ba trong số 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Các thực thể còn lại là đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma và đá Châu Viên.
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 22/3, khi phóng viên Kyodo News hỏi về tuyên bố của đô đốc Aquilino, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngang nhiên nói rằng Bắc Kinh “có quyền triển khai các cơ sở quốc phòng cần thiết” trên cái mà họ gọi là “lãnh thổ” của mình.
Ông Uông còn cho rằng Trung Quốc làm như vậy là “phù hợp với luật pháp quốc tế và không có gì đáng chê trách”, phớt lờ thực tế rằng Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong “đường chín đoạn” ở Biển Đông cũng như các thực thể tại vùng biển này.
Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế.
Trong cuộc họp báo ngày 24/6/2021, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay các hành vi dưới mọi hình thức vi phạm chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận.
Việt Nam kiên quyết phản đối những hành vi này và đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).