Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ - “quân tử phòng thân”

Mỹ – “quân tử phòng thân”

Thời điểm lò lửa Ukraine nóng bỏng, không chỉ Đài Loan, Mỹ cũng đang canh chừng một quốc gia nào đó lợi dụng tình hình để để toan tính các mục tiêu chiến lược trên Biển Đông.

Tàu đổ bộ viễn chinh USS Miguel Keith.

Đài Loan thì đã hẳn. Hòn đảo tự trị này, ngay từ trước thời điểm cuộc chiến do Nga phát động nhằm vào Ukraine khai hỏa, cùng với các chuyến thị sát các đơn vị quân đội, bà Thái Anh Văn đã xuất hiện nhiều một cách khác thường trên truyền thông, kêu gọi quân đội phải cảnh giác và theo dõi sát các hoạt động quân sự của Trung Quốc quanh hòn đảo này.

Thậm chí, như cảm nhận được hơi nóng từ Ukraine, ngày 22/2, nhà lãnh đạo Đài Loan đã triệu tập một cuộc họp với các quan chức nhóm công tác Ukraine thuộc Hội đồng An ninh Đài Loan, để bàn những công việc hệ trọng mà bà gọi là liên quan đến “an nguy của chúng ta”. Có thể trong cuộc họp khẩn cấp đó, bà đã chỉ đạo quân đội tổ chức liền 2 cuộc tập trận nửa cuối tháng 3 này như một sự trả lời cuộc tập trận quy mô lớn, dài ngày của Trung Quốc trước đó.

Cùng với Đài Loan, là Mỹ. Washington hậm hực với thái độ lửng lơ của Bắc Kinh thể hiện qua phát biểu của các nhà ngoại giao, trong đó có ngoại trưởng Vương Nghị, về vấn đề Ukraine. Nhà trắng càng cay cú thêm về lá phiếu trắng của Trung Nam Hải đối với Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga chấm dứt cái mà Kremlin gọi là chiến dịch quân sự.

Đã đành, lá phiếu của Trung Quốc chỉ 1 trong 35 lá phiếu tương tự, nhưng Mỹ và phương Tây hiểu, tiếng nói của một cường quốc sát Nga, đang mặn mà với Nga quan trọng như thế nào tại tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này. Nói cách khác, phương Tây và Mỹ đã thất bại trong mưu đồ buộc ông Tập Cận Bình gây sức ép với ông Putin. Chưa hết, từ thái độ đó, Washington còn lo Bắc Kinh có thể nhân cơ hội cộng đồng quốc tế bấn bíu với cuộc chiến Ukraine, sao nhãng các địa bàn chiến lược khác, mà có những hành động “liều lĩnh”, nhất là trên Biển Đông.

Thế nên, là phương Tây đành phải học sách Tàu về món võ “quân tử phòng thân”. Ấy là chủ động triển khai các động thái quân sự để cảnh báo Trung Quốc. Một trong những việc Mỹ đã làm, là đưa “căn cứ di động viễn chinh” vào Biển Đông.
“Căn cứ di động viễn chinh” là ngôn từ giới chuyên môn chỉ là tàu USS Miguel Keith của Mỹ. USS Miguel Keith là một trong những tàu chiến lớn nhất, lượng giãn nước 90.000 tấn, chỉ đứng sau các siêu tàu sân bay Mỹ. Trị giá tới hơn nửa tỷ USD, có tính năng đa nhiệm, USS Miguel Keith là con tàu thứ ba thuộc lớp Lewis B. Puller, có thể thực hiện một số nhiệm vụ của căn cứ viễn chinh di động, như làm nơi cất hạ cánh của trực thăng hạng nặng, hỗ trợ hậu cần hay hoạt động như một trung tâm chỉ huy và kiểm soát… Nhờ đó, nó sẽ giúp Mỹ thiết lập một căn cứ trên biển ở nhiều nơi trên thế giới mà không cần các cảng và cơ sở hạ tầng trên đất liền”.

Còn nhớ, thời điểm đưa vào hoạt động giữa năm 2021, USS Miguel Keith giới chuyên gia phương Tây đã hoan hỷ thay Mỹ rằng: USS Miguel Keith có thể coi như một sự thách thức mới về sức mạnh quân sự của Mỹ với tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chính vì thế, Trung Quốc đặc biệt theo dõi con tàu này. Và ngày 21/3, tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), có trụ sở tại Bắc Kinh, đã là cơ quan phát đi thông báo về phân tích ảnh vệ tinh, cho biết, USS Miguel Keith cùng tàu khu trục lớp Arleigh Burke đi qua eo biển Bashi để tiến vào vùng biển phía tây nam Biển Đông hôm 21/3 – một động thái được coi là “chưa từng có”.

Cái lo, hay nói đúng hơn, sự cảnh giác, bây giờ, từ phía Mỹ, lại trở ngược về phía Bắc Kinh. Cho dù tại Biển Đông có lợi thế hơn Mỹ do đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất 3 trong số các hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh lo rằng: tiếp theo việc USS Miguel Keith vào Biển Đông, là điều gì? Liệu “căn cứ di động viễn chinh” tới rồi đi ngay, hay “cắm sào” lâu lâu tại đó để gây khó dễ cho mục tiêu thôn tính Biển Đông của Trung Quốc?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới