Friday, November 22, 2024
Trang chủUncategorizedNhững ẩn số ở thượng nguồn sông Hồng bên kia biên giới

Những ẩn số ở thượng nguồn sông Hồng bên kia biên giới

Sông Hồng dài 1.149 km, bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc, chảy qua miền Bắc Việt Nam và đổ ra biển Đông. Đoạn trên đất Việt Nam dài 510 km.

Được mệnh danh là một trong những dòng sông quan trọng nhất của nước ta, sông Hồng vừa đóng vai trò tưới tiêu cho nông nghiệp, vừa là nguồn nước sinh hoạt quan trọng của các đô thị, trong đó có Hà Nội.

Sông Hồng có vai trò quan trọng đối với đời sống và hoạt động sản xuất của nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam

“Khoảng mờ” thông tin

Thạc sĩ Trần Văn Minh, nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Bộ NN&PTNT) cho rằng, chúng ta đang khai thác nước sông Hồng với số lượng nước tạm đáp ứng nhu cầu trước mắt. Tuy nhiên sông Hồng bắt nguồn từ Vân Nam, chiều dài sông và lưu vực cấp nước nằm phần lớn trên lãnh thổ Trung Quốc.

Trong khi đó, nguồn nước ngọt trên trái đất ngày càng trở nên khan hiếm do nhu cầu sử dụng tăng rất nhanh mà lượng mưa bình quân hàng năm có xu hướng giảm do biến đổi khí hậu.

“Mà Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng tuyến dẫn nước từ Tây Tạng đi Tân Cương với chiều dài 1.000km và có một chương trình dẫn nước từ Tây Nam lên Đông Bắc. Trước mắt họ đã xây dựng tuyến dẫn nước đi Bắc Kinh dài 1.100 km, chuyển nước từ Tây Nam lên phía Bắc, với kinh phí 28 tỷ USD. Tất cả vì sự ổn định nguồn nước của thủ đô Bắc Kinh”, ông Minh nói.

Theo vị thành viên Hội Thủy lợi Việt Nam, nguồn nước khu vực Vân Nam cũng được Trung Quốc sử dụng mà sông Hồng là một đối tượng cấp nước. Sự phát triển về phía Tây Nam của Trung Quốc dẫn tới việc nguồn nước, được sử dụng ngày càng triệt để, sẽ cạn kiệt, hoặc “họ sẽ sử dụng nguồn nước này cấp cho khu vực khác trên đất nước họ”.

Sự phát triển rầm rộ các nhà máy thủy điện trên thượng lưu sông Hồng, sản xuất nông nghiệp, mở rộng dân cư sẽ dẫn đến nguy cơ sử dụng cạn kiệt nguồn nước sông Hồng. Hơn nữa chất thải từ các hoạt động sản xuất có thể được xả xuống dòng sông, gây ô nhiễm.

Trong khi đó, các chuyên gia nói việc chia sẻ thông tin xuyên biên giới “chưa được bao nhiêu”, hay nói cách khác là vẫn còn nhiều “khoảng mờ”.

Theo ông Hồ Cao Khải, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, hiện nay, việc điều tiết nước sông Hồng phụ thuộc vào Trung Quốc bởi những năm gần đây ở đầu nguồn, họ đã gia tăng tốc độ xây dựng các công trình thuỷ điện lớn và các hồ tích nước.

“Nói cách khác, đây được xem là “vũ khí nước”, quyền điều tiết. Khi mình không cần thì họ xả, ngược lại lúc mình cần thì họ lại không xả”, ông Khải nói.

Ông Khải nói Lào Cai cũng đã có các chương trình hợp tác với phía Trung Quốc về đảm bảo an ninh nguồn nước. “Nhưng khi nào mình cần thì phải có công hàm đề nghị, phía Trung Quốc mới xem xét”.

Trả lời câu hỏi đã có dịp nào tham quan, khảo sát các đập thuỷ điện đầu nguồn sông Hồng của Trung Quốc chưa, ông Khải đáp: “Những năm trước đây, theo đề nghị, qua đoàn liên ngành của tỉnh Lào Cai, họ cũng tạo điều kiện cho mình qua. Nhưng mình cũng không được đi vào hết các địa điểm đó, chủ yếu là nắm bắt thông tin qua hệ thống bản đồ”.

Mới đây, một phó tổng giám đốc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng nói về việc khó tiếp cận thông tin về các công trình đầu nguồn các con sông từ Trung Quốc chảy qua Việt Nam: “Trước khi lập dự án thuỷ điện Lai Châu, EVN thông qua con đường ngoại giao, thông qua con đường chính phủ, rất nhiều lần có văn bản đề nghị họ (Trung Quốc-PV) cấp cho mình số liệu cũng như hiện trạng các công trình ở thượng nguồn sông Đà nhưng họ từ chối”.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên thứ trưởng Bộ NG&PTNT, nguyên chủ tịch Hội Thủy lợi nói, ông “không có quá nhiều thông tin về thượng nguồn sông Hồng” và phía Trung Quốc cũng không công khai họ có bao nhiều nhà máy, bao nhiêu nhà máy thải hoá chất.

“Chúng ta không biết được phía Trung Quốc sẽ tận dụng nguồn nước sông Hồng như thế nào, vì họ kiểm soát hoàn toàn thượng nguồn”, ông Hồng nói.

Theo vị cựu chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, điều cần làm lúc này là vùng biên giới Lào Cai, tuy đã có mốc thuỷ chí hàng ngày, hàng tháng rồi, nhưng phải xây dựng được đường biểu đồ để chứng minh rằng có những thời điểm Trung Quốc lấy rất nhiều nước. Điều này có thể sẽ là một trong những minh chứng cho việc họ dẫn nguồn nước lên miền Bắc là đúng hay không.

“Nhờ vào đó mà chúng ta có thể làm việc với Trung Quốc để tìm ra phương án giải quyết phù hợp”, ông nói.

“Lâu rồi tôi cũng không thấy thông tin nào của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói về việc mực nước sông Hồng ở khu biên giới tự nhiên giảm. Nhưng bây giờ phải đo để biết xuống thấp bao nhiêu thì hạ nguồn bị thiếu. Ví dụ nếu như mực nước ở cống Xuân Quan dưới 2m thì nước không thể đổ vào hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải được”.

TS. Đào Trọng Tứ, trưởng ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cho rằng chắc chắn Trung Quốc sẽ thực hiện khai thác nước sông Hồng phục vụ các công trình dẫn chuyển nước lên phía Bắc, nhưng lấy nước từ sông Hồng bao nhiêu, lấy như thế nào thì phải theo dõi. “Liệu họ có xây dựng các hồ chứa và chuyển nước từ đó lên không?”, ông Tứ đặt vấn đề. Theo ông Tứ, việc Trung Quốc sử dụng nước sông Hồng để cấp cho khu vực khác nằm ngoài lưu vực thông qua việc xây dựng các tuyến dẫn nước là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên theo TS Tứ, cần có sự theo dõi và trao đổi giữa hai bên để xem xét sự biến động của nguồn nước. Nước sẽ chảy sang nước ta bao nhiêu? Điều này có thể quan sát được. Chúng ta có hệ thống đo đạc rất rõ ràng tại tỉnh Lào Cai, biết được lượng nước hàng năm thay đổi ra sao, kể cả số lượng lẫn chất lượng. “Rất tiếc là hiện nay liên quan đến sông Hồng thì chúng ta có rất ít sự hợp tác với Trung Quốc”, TS. Đào Trọng Tứ nói.

Cơn khát kinh niên

Lo ngại của các nhà khoa học trong nước là hoàn toàn có cơ sở, khi “căn bệnh trầm kha” thiếu nước ngọt ở Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết.

Nghiên cứu của hai học giả Zhang Hongzhou và Li Mingjiang (Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) chỉ ra rằng, mặc dù chiếm 19% dân số thế giới (1,38 tỷ người), Trung Quốc chỉ có 6% nguồn cung nước ngọt toàn cầu. Và dù Trung Quốc là một trong 5 quốc gia có nguồn nước ngọt lớn nhất, nguồn cấp nước tính theo đầu người chỉ bằng 1/4 mức trung bình toàn cầu, khiến họ trở thành một trong những quốc gia khan hiếm nước nhất thế giới. Thách thức về nước của Trung Quốc còn trở nên trầm trọng hơn do sự phân bố không gian rất không đồng đều.

Bắc Trung Quốc, với 65 % diện tích và 45 % dân số của đất nước, chỉ có 17% tổng tài nguyên nước ngọt của đất nước, trong khi Nam Trung Quốc chiếm tới 83% tài nguyên nước ngọt. Có lượng mưa rất thấp, Bắc Trung Quốc chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp nước ngầm, chỉ chiếm 18,3% tổng lượng nước ngọt.

Tệ hơn nữa, ô nhiễm nước đã nổi lên như một trong những thách thức lớn nhất đối với Trung Quốc. Một báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh vào năm 2017 đã chỉ ra rằng, ở Bắc Kinh, 40% các vùng nước quá ô nhiễm không thể sử dụng được. Tại Thiên Tân, 95% nguồn nước không đủ tiêu chuẩn để phục vụ sinh hoạt.

Để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nước đang rình rập, Trung Quốc đã chi hàng chục tỷ đô la cho các dự án chuyển nước sinh hoạt, ví dụ siêu dự án Nam thủy Bắc đảo, (chuyển nước từ Tây Nam về Đông Bắc), nắn dòng chảy, xây dựng hệ thống kênh dẫn nước và trạm bơm đưa nước từ miền Nam lên miền Bắc khô cằn. Ngoài chi tiền bảo tồn nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm, Trung Quốc đã tìm cách tận dụng nguồn nước của các con sông lớn chảy xuyên biên giới, theo hai học giả Zhang và Li.

Có hơn 60 đập và hồ chứa – 41 đập thủy điện, hai đập đa chức năng và 25 đập thủy lợi – ở phần lưu vực sông Hồng trên đất Trung Quốc, theo Chương trình Nghiên cứu CGIAR về nước, đất và hệ sinh thái, do chính phủ Australia tài trợ.

Ngoài chuyện tận dùng vị thế đầu nguồn để khai thác tài nguyên nước, Trung Quốc cũng được cho là có thể biến lợi thế này thành “vũ khí chính trị – ngoại giao”. Tempa Gyaltsen Zamlha, người đứng đầu bộ phận Môi trường và Phát triển tại Học viện Chính sách Tây Tạng, nói với tờ Al Jazeera rằng Trung Quốc có thể sử dụng lợi thế là đầu nguồn của nhiều dòng sông lớn xuyên quốc gia như một công cụ chính trị.

RELATED ARTICLES

Tin mới