Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNga-Ukraina căng thẳng, TQ sợ điều gì?

Nga-Ukraina căng thẳng, TQ sợ điều gì?

Trung Quốc lo sợ nếu xung đột quân sự Nga – Ukraine còn leo thang, an ninh lương thực của quốc gia sẽ đối mặt với càng nhiều thách thức.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ gia tăng mất an ninh lương thực toàn cầu do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, đồng thời hối thúc ngành nông nghiệp quốc gia tăng cường năng lực tự cung tự cấp thóc gạo và phân bón.

Trong tuyên bố, ông Lý nhấn mạnh tốc độ phát triển của quốc gia cùng năng suất nông nghiệp của Trung Quốc đang đối mặt với ‘những thách thức mới’, do môi trường quốc tế phức tạp đẩy giá bán tăng mạnh và dẫn tới sự bất ổn trên thị trường toàn cầu đối với nguồn cung nông sản.

Tình hình an ninh lương thực là nỗi lo lớn nhất của Trung Quốc

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nhận định của ông Lý được cho ám chỉ tới cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.

Trong chuyến công tác hiếm hoi tới Bộ Nông nghiệp Trung Quốc vào ngày 23/3, ông Lý yêu cầu giới chức Bộ Nông nghiệp cần đảm hoạt động sản xuất thực phẩm trong nước diễn ra ổn định để đối phó trước những bất ổn bên ngoài.

‘Điều quan trọng là ổn định giá cả, nền kinh tế và tình hình toàn xã hội’, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lý.

Trước ông Lý, nhiều quan chức Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh lương thực cho 1,4 tỷ dân khi mà những căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng giữa phương Tây và chính quyền Bắc Kinh.

Ngay cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã cảnh báo Trung Quốc không thể dựa vào thị trường quốc tế để đảm bảo an ninh lương thực. Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Tang Renjian bày tỏ quan ngại sản lượng lúa mì vụ đông có thể ở mức ‘thấp nhất trong lịch sử’, do tình trạng mưa lớn và ngập lụt kéo dài nhiều ngày trong năm ngoái.

Không riêng Trung Quốc, nhiều nước trên thế giới bao gồm Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc cũng đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu do chiến sự ở Ukraine đang đe dọa nguồn cung của nhiều loại thực phẩm chủ chốt. Bởi trên thực tế, Nga và Ukraine chiếm hơn 1/2 nguồn cung dầu hướng dương, và 30% lúa mỳ cho thế giới.

Ngoài ra, cả Nga và Ukraine còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi cung ứng phân bón trên toàn thế giới.

‘Chúng ta đang bước vào một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có’, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói hôm 24/3.

Theo nhà nghiên cứu Li Guoxiang tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, những nhận định được Thủ tướng Lý đưa ra cho thấy chính phủ Trung Quốc đang thi hành các biện pháp nhằm giảm sản lượng nhập khẩu, nhưng tăng cường hoạt động sản xuất trong nước để ngăn chặn tình trạng lạm phát do giá nhập khẩu tăng cao.

‘Với vị thế là một nhà nhập khẩu nông sản quy mô lớn, Trung Quốc chịu tác động lớn từ giá dầu và ngũ cốc của thế giới, cũng như đảm nhận trọng trách của một nước lớn. Trung Quốc nên dựa vào năng lực tự sản xuất’, ông Li cho biết.

Nhà phân tích cấp cao Ma Wenfeng tại hãng tư vấn Beijing Orient Agribusiness Consultant cho rằng, những bất ổn ở nước ngoài khiến Trung Quốc chú trọng hơn tới vấn đề nông nghiệp và nông thôn trong nước.

‘Xung đột giữa Nga – Ukraine cho chúng ta thấy nếu không thể tự quản lý hoạt động kinh doanh tốt và giải quyết chuyện các nước hạn chế xuất khẩu cho chúng ta, chúng ta sẽ ngay lập tức gặp rắc rối’, ông Ma cho hay.

Bài báo đăng trên chuyên trang tin tức về ngũ cốc cngrain.com hôm 24/3 cũng nhấn mạnh nếu xung đột Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, giá ngũ cốc có thể tăng lên mức cao chưa từng có, và chắc chắn sẽ khiến sản lượng nhập khẩu của Trung Quốc bị sụt giảm.

Như trong năm 2021, Trung Quốc đã mua số lượng ngũ cốc đạt kỷ lục 28,36 triệu tấn, lớn hơn 10 lần so với sản lượng thu hoạch trong nước.

Trong hai tháng đầu năm nay, Ukraine là nguồn cung ngũ cấp lớn nhất cho Trung Quốc khi tăng 12% so với năm ngoái, và chiếm hơn 56% tổng sản lượng nguc cốc Trung Quốc nhập khẩu, theo dữ liệu của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc.

Trong khi đó, Nga chiếm hơn 30,5% tổng số lượng phân bón kali được Trung Quốc nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm nay.

Theo ông Lý, điều quan trọng là hỗ trợ cho các công ty Trung Quốc sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, dầu diesel điều chỉnh giá bán đối với các mặt hàng phục vụ ngành nông nghiệp.

Còn theo ông Ma, dù tác động của chiến sự Ukraine dường như chỉ có giới hạn, nhưng vấn đề an ninh lương thực của Trung Quốc còn xuất phát từ vấn đề trong nước. Cụ thể, nền kinh tế ở các vùng nông thôn bị bỏ xa so với những trung tâm thành phố lớn. Điều này khiến nông dân không còn thiết tha với đồng áng do thu nhập từ nông nghiệp quá thấp.

Các nhà phân tích ở ngân hàng China International Capital Corporation nhận định, chuỗi cung ứng của nông nghiệp Trung Quốc là ‘lớn nhưng không mạnh’.

‘Một số nông sản có sản lượng thấp, nhưng chi phí trồng trọt lại cao. Còn tồn tại tình trạng thiếu năng lực khoa học, cũng như công nghệ trong chuỗi cung ứng nông sản’, giới phân tích của China International Capital Corporation kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới