Thursday, November 7, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhững tổn thất của nền kinh tế Nga sau 4 tuần khủng...

Những tổn thất của nền kinh tế Nga sau 4 tuần khủng hoảng

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, bắt đầu vào ngày 24/2, đã dẫn tới những lệnh trừng phạt sâu rộng, đẩy nước này ra khỏi cơ cấu tài chính toàn cầu và khiến nền kinh tế của họ lao đao.

Một tháng sau khi xung đột bắt đầu, đồng tiền của Nga đã mất phần lớn giá trị, cổ phiếu và trái phiếu của nước này đã bị lọai ra khỏi các chỉ số. Nền kinh tế Nga đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động có thể sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Dưới đây là 5 biểu đồ cho thấy những thay đổi trong nền kinh tế Nga cũng như vị thế của nước này trên thị trường thế giới:

Tổn thất về kinh tế

Năm 2020, Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Nhưng đến cuối năm nay, nước này có thể rơi xuống vị trí dưới 15, dựa trên tỷ giá hối đoái đồng rúp vào cuối tháng 2/2022, theo nhận định của Jim O’Neill, nhà kinh tế đã từng làm việc tại Goldman Sachs, người đã đặt ra từ viết tắt BRIC để mô tả 4 nền kinh tế mới nổi lớn là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Có vẻ như Nga sẽ không thể tránh khỏi suy thoái kinh tế. Các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Ngân hàng Trung ương Nga mới đây đều đưa ra dự đoán kinh tế nước nay sẽ giảm 8% trong năm nay và lạm phát sẽ lên tới 20%.

Dự báo từ các nhà kinh tế bên ngoài nước Nga thậm chí còn ảm đạm hơn. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự đoán kinh tế nước này sẽ giảm 15% trong năm 2022, tiếp theo là giảm 3% vào năm 2023.

“Nhìn chung, các dự báo của chúng tôi cho rằng những diễn biến hiện tại có thể xóa sổ thành quả kinh tế Nga đã xây dựng trong khoảng 15 năm qua”, IIF cho biết trong một lưu ý.

Lạm phát tăng vọt

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2013, thành công lớn nhất của Thống đốc ngân hàng trung ương Nga, Elvira Nabiullina, là kiềm chế lạm phát từ 17% năm 2015 xuống chỉ còn hơn 2% vào đầu năm 2018. Khi áp lực giá cả tăng lên trong những tháng sau đại dịch, bà đã bất chấp các nhà công nghiệp khi tăng lãi suất liên tục 8 tháng.

Bà Nabiullina cũng phản đối các lời kêu gọi trong năm 2014-2015 về việc kiểm soát vốn để ngăn chặn dòng tiền chảy ra ngoài sau khi sáp nhập Crimea.

Nhưng những thành tựu đó đã bị vỡ vụn trong vòng chưa đầy một tháng.

Tốc độ tăng giá hàng năm ở Nga đã tăng lên 14,5% và dự báo sẽ vượt qua 20%, gấp năm lần mục tiêu của ngân hàng trung ương nước này. Dự báo lạm phát mà các hộ gia đình phải chống chọi trong năm tới là trên 18%, mức cao nhất trong vòng 11 năm.

Trong khi việc người dân vội vã mua mọi thứ trong cơn hoảng loạn là nguyên nhân cơ bản khiến giá cả tăng mạnh, sự suy yếu của đồng rúp có thể khiến áp lực giá tăng cao thêm nữa.

Với việc các khoản dự trữ của Nga bị đóng băng ở nước ngoài, bà Nabiullina buộc phải tăng lãi suất gấp hơn đôi vào ngày 28/2 và đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn. Ngân hàng trung ương Nga hiện dự báo lạm phát sẽ chỉ trở lại mức mục tiêu vào năm 2024.

Bị loại khỏi các chỉ số quốc tế

Các biện pháp trừng phạt đang buộc các nhà cung cấp chỉ số phải loại Nga ra khỏi các chỉ số tham chiếu – được các nhà đầu tư sử dụng để quyết định đưa hàng tỷ USD vào các thị trường mới nổi.

JPMorgan và ​​MSCI nằm trong số những công ty đã thông báo loại bỏ Nga khỏi chỉ số trái phiếu và chỉ số cổ phiếu tương ứng của mình.

Vị trí của Nga trong các chỉ số này đã bị ảnh hưởng sau loạt lệnh trừng phạt đầu tiên của phương Tây vào năm 2014 và sau đó là vào năm 2018 vì một số lý do.

Từ ngày 31 tháng 3, trọng số của Nga sẽ bị gần như tất cả các nhà cung cấp chỉ số chính gọi là 0.

Hạ mức xếp hạng

Trước khi Nga bắt đầu thực hiện “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine, quốc gia này đã được 3 cơ quan xếp hạng tín nhiệm là ba cơ quan lớn S&P Global, Moody’s và Fitch xếp hạng ở mức “investment grade” – là vị trí mà các nhà đầu tư “thèm muốn” được đầu tư vào. Điều đó cho phép Nga được đi vay với lãi suất tương đối rẻ và nguy cơ vỡ nợ chính phủ là một viễn cảnh xa vời.

Tuy nhiên, trong bốn tuần qua, Nga bị hạ mức tín nhiệm nhiều chưa từng có đối với bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Hiện nước này đang ở cuối bậc xếp hạng, bị gắn cờ nguy cơ sắp vỡ nợ.

Tiền rúp quay cuồng

Một tháng trước, tỷ giá hối đoái trung bình của đồng rouble là 74 RUB/USD. Giao dịch trên các nền tảng khác nhau cho thấy tính thanh khoản đồng rúp luôn dồi dào và chênh lệch giá mua/bán chặt chẽ – điều mà bất cứ loại tiền tệ lớn nào của các thị trường mới nổi cũng mơ ước.

Nhưng tất cả những điều đó đã thay đổi. Với việc ngân hàng trung ương bị phong tỏa một phần lớn ngoại tệ mạnh, đồng rúp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục hơn 120 RUB/USD trên thị trường nội địa. Trong giao dịch thương mại ra nước ngoài, đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, là 160 RUB/USD.

Khi thanh khoản cạn kiệt và chênh lệch giá mua/bán rộng ra, việc định giá đồng rúp trở nên lộn xộn. Tỷ giá hối đoái của đồng tiền này vẫn chưa tìm lại được sự cân bằng ở cả trong và ngoài nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới