Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội57 doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đồng loạt kêu cứu

57 doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đồng loạt kêu cứu

Việc quá chậm chạp trong giải quyết các thủ tục hành chính , nhất là thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà, thủ tục cấp phép xây dựng, cấp chủ trương đầu tư… đã làm cho các dự án đứng hình hàng chục năm.

Nhiều dự án nhà ở xã hội không thể triển khai vì các quy định của pháp luật chồng chéo.

Dự án 10 năm chưa thể triển khai

Điển hình như dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý (TP.Thủ Đức) của Công ty Cổ phần Địa ốc Thảo Điền đã hơn 10 năm chưa triển khai được do chưa được giao đất dù phần đất thực hiện dự án công ty đã quản lý, sử dụng từ năm 1993. Công ty này đã nhiều lần cầu cứu UBND TP.HCM xem xét chấp thuận sớm giao đất để thực hiện dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý, để có thêm nguồn cung 291 căn hộ nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội của thành phố.

Hay như Công ty Nam Long 2 dự án nhà ở xã hội là dự án EhomeS và Ehome5S tại huyện Bình Chánh và TP.Thủ Đức, với tổng số 3.000 căn hộ nhà ở xã hội bán, cho thuê mua. Công ty đã hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội 2% lãi suất trong 2 năm đầu tiên (chỉ phải trả 7%/năm thay vì 9%/năm) và đã bàn giao nhà cho người mua hơn 3 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được xác định giá bán nhà ở xã hội nên chủ đầu tư chưa thể làm được sổ hồng cho người mua nhà và cũng chưa quyết toán được công trình.

Tập đoàn Novaland cũng cầu cứu chính quyền thành phố xem xét cấp sổ hồng cho hàng chục ngàn khách hàng đã mua căn hộ ở các chung cư mà Tập đoàn đã bàn giao cho khách hàng vào ở từ nhiều năm. Vì việc này mà khách hàng liên tục khiếu nại, khiếu kiện. Cụ thể, dự án 119 Phổ Quang (quận Phú Nhuận) đã bàn giao nhà cho khách hàng từ cuối năm 2018 và chủ đầu tư cũng đã được tạm nộp tiền sử dụng đất của dự án với số tiền 232,5 tỉ đồng từ năm 2017 nhưng đến nay chưa được phê duyệt tiền sử dụng đất chính thức. Những người mua nhà cũng bị “treo” luôn quyền lợi là được cấp sổ hồng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, UBND TP.HCM cần chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức khẩn trương xem xét tháo gỡ các vướng mắc để đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho thuê. TP.HCM có nhiều doanh nghiệp tự thương lượng giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và tự bỏ vốn (kể cả vay với lãi suất thương mại) để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội như Công ty Lê Thành, Công ty Nam Long, Công ty Đầu tư Thủ Thiêm, Công ty Thiên Phát, Công ty Phú Cường, Công ty Vạn Thái, Saigonres…

Việc tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, thủ tục giao đất cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội… để tăng thêm nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian tới. Bởi chỉ riêng các dự án nhà ở xã hội Lê Thành – Tân Kiên (giai đoạn 1 và giai đoạn 2), dự án nhà ở xã hội Lê Thành – Tân Tạo 2, dự án nhà ở xã hội Nam Lý, dự án nhà ở xã hội cho thuê (giai đoạn 2) khu chế xuất Linh Trung 2 nếu được tháo gỡ có cung cấp 5.209 căn hộ trong năm 2024-2025.

Đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không thuộc diện bị rà soát pháp lý, không bị kiểm tra, thanh tra, điều tra cũng cần sớm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng như thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án, tính tiền sử dụng đất phát sinh (nếu có), thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (có thể kết hợp điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000), thủ tục cấp sổ hồng cho khoảng hơn 20.000 căn hộ dự án nhà chung cư chưa được cấp… mà các doanh nghiệp đã kiến nghị.

UBND Tp cũng cần phối hợp hoặc đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sớm có kết luận đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý hoặc phải kiểm tra, thanh tra, điều tra theo hướng rà soát, chấn chỉnh, bổ sung các thủ tục đầu tư xây dựng dự án còn thiếu và khâu mấu chốt là phải định giá đất phù hợp với giá thị trường để tính tiền sử dụng đất dự án; xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh bổ sung của doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án với Nhà nước (nếu có) đảm bảo nguyên tắc không làm thất thu ngân sách nhà nước, không làm thất thoát tài sản công, trước hết là đất đai, để các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án biết rõ và thực hiện kết luận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời tạo điều kiện ổn định an cư cho người mua nhà.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới