Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTái cấu trúc tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Tái cấu trúc tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, thời gian qua, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt gần 7% năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp 5 lần, tỷ lệ nghèo giảm xuống dưới 7% so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980. Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao nhất. Độ mở của nền kinh tế đạt khoảng 200% GDP. Đây là những thành tựu ngoạn mục. Việt Nam đã duy trì tốt mục tiêu tăng trưởng cao và nhanh.

Tăng trưởng GDP khu vực Đông Nam Á năm 2018-2020.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế thống nhất rằng, phát triển kinh tế ở Việt Nam chưa bền vững. Điều này thể hiện rõ rệt ở mấy tiêu chí sau: Chỉ số năng suất lao động bình quân; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR); Chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP); đóng góp vào GDP; bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Kinh tế tăng trưởng cao nhưng không bền vững

1. Về chỉ số năng suất lao động, giai đoạn 2011 – 2015 đạt 4,3%. Giai đoạn 2016 – 2020 đạt 5,8%. Chúng ta đang đặt mục tiêu 6,5% cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, so với các nước láng giềng, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bẳng 7,6% của Singapor; bằng 19,5% của Malaysia; bằng 37% của Thái Lan và 56,9% của Philippine. Có nghĩa là ở mức rất khiêm tốn. Năm 1990, năng suất lao động của Trung Quốc tương đương với Việt Nam, sau 27 năm thì họ tăng lên 8,89%, có nghĩa là tăng 9,4 lần. Trong khi Việt nam chỉ tăng 3,74 lần.

Về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) của Việt Nam trong thời gian qua là 6,1. Chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn yếu. Nếu so sánh với Nhật Bản trong những năm 70 và Hàn Quốc, Đài Loan những năm 80 khi có cùng hoàn cảnh như chúng ta thì chỉ số ICOR của họ chỉ dao động trong khoảng từ 2,5 đến 3. Thái Lan và Malaysia chỉ ở mức 3 – 4.

Về chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp TFP (Tính toán tăng đầu ra bằng việc nâng cao chất lượng yếu tố đầu vào,bao gồm lao động và vốn, đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức quản lý, nâng cao kỹ năng, trình độ của người lao động) thì mức trung bình của thế giới là 60%. Mô hình tăng trưởng tại Việt Nam trong 10 năm qua cho thấy năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) chỉ đóng góp 40% vào GDP; yếu tố lao động chỉ đóng góp 7%. Nền kinh tế vượt bẫy thành công có TFP lên tới 1,2%. Các nền kinh tế mắc bẫy thu nhập trung bình thường có TFP khoảng 0,4%. Trong khi đó, TFP của Việt Nam hiện nay thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia thành công và để thành công trong giai đoạn 2021 – 2045, TFP của Việt Nam phải tăng 2,67%.

Đóng góp cho GDP của Việt Nam: Vốn chủ yếu đến từ ODA, FDI và chi tiêu cho đầu tư công, dẫn đến tích lũy kém. Lao động chủ yếu là phi chính thức (lao động di cư chiếm 72% lao động phi nông nghiệp) do đó năng suất thấp. Tỷ trọng Khoa học công nghệ rất nhỏ, chỉ đóng góp 28,44% vào năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), chất lượng còn thấp.

Các thành phần kinh tế Việt Nam chưa bình đẳng. Khối doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi, sử dụng nguồn lực vốn và tài nguyên của quốc gia, nhưng đóng góp chưa tương xứng. Các doanh nghiệp FDI, chiếm 72% giá trị xuất khẩu, được hưởng ưu đãi rất cao về thuế, chính sách. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế trong việc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt hầu như không đáng kể.

Sau gần 30 năm, doanh nghiệp Việt Nam chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi. Chủ yếu tham gia vào các công đoạn có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Theo một số chuyên gia, FDI không giúp nâng cao công nghệ bởi 85% đầu tư vào Việt Nam là công nghệ thấp. Chỉ có 15% sử dụng công nghệ cao. 74% nguyên liệu đầu vào là nhập khẩu. Tổng cục Thống kê vừa cho biết, trong 10 tháng qua cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,45 tỷ đô la. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,73 tỷ. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 21,28 tỷ.

Kinh tế tư nhân được coi là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong bốn trụ cột vững chắc của nền kinh tế, tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã trở thành những doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế như Vingroup, Thaco, T&T Group, Vinamilk, Vietjet, Sungroup. Họ có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đại dịch Covid-19, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia đóng góp rất lớn cho phòng, chống dịch bệnh, sản xuất vaccine, cứu trợ nhân dân.

Tuy nhiên, trên thực tiễn, do cơ chế chính sách chưa cân xứng, chưa bình đẳng nên kinh tế tư nhân chưa thể trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tâm lý chung của các doanh nghiệp tư nhân là co cụm, tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực, như dịch vụ bất động sản, nhà hàng, khách sạn. Rất ít doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, đầu tư vào công, nông nghiệp. Kinh tế tư nhân lại đang ở vào thế yếu so với kinh tế của khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

2. Từ mô hình tăng trưởng kinh tế trên cho thấy ba điểm yếu cơ bản của kinh tế Việt Nam là: (1) các nguồn lực kinh tếkém hiệu quả, năng suất lao động chỉ bằng 62% so với các nước thu nhập trung bình thấp. Lực lượng lao động đông, nhưng chưa tinh. (2) Sự phát triển kinh tế không đồng đều trong cả nước. Kinh tế phát triển mạnh chủ yếu ở Hà Nội và Hồ Chí Minh. Hai thành phố này phải gánh vác quá nhiều chức năng. Những khu vực như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ, khu vực miền Trung, các thành phố ven biển chưa được đầu tư thích đáng. (3) Chưa có chính sách để khai thác hết và phát huy mạnh mẽ nội lực của đất nước.

3. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh đến tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tỷ trọng công nghiệp trong GDP chiếm 40%, cần có sự đột phá về mô hình tăng trưởng.

Trong bối cảnh lợi nhuận tính trên vốn đầu tư ngày càng giảm sút, mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới sẽ phải dịch chuyển dần từ “thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn và tri thức; chuyển dần từ lượng sang chất; thúc đẩy công nghệ, sáng tạo, tinh thần doanh nhân chiếm vị trí trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng”.

Theo các chuyên gia kinh tế, song song với việc phải tiến hành tháo gỡ các nút thắt căn bản về cơ chế, thị trường, phân bổ tài nguyên, cơ cấu các ngành kinh tế theo lợi thế vùng, tái cơ cấu và khơi dậy tiềm năng của các doanh nghiệp thì khoa học công nghệ phải được coi là nhân tố chính trong đổi mới tăng trưởng. Trong đó đặc biệt tập trung vào việc chuyển đổi số. Theo nghiên cứu của Tổ chức Data61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Trước khi chính phủ có những quyết sách mạnh mẽ thì trên thực tế Việt Nam đã được coi như một “ổ cắm” trong khu vực của vòng tròn sản xuất và lưu chuyển, cung ứng hàng hóa với nhiều lợi thế sẵn có.

Chuyển đổi số với ba trụ cột chính là chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số vừa là xu thế chung của thế giới và cũng là đòi hỏi khách quan. Đây thực sự là một bước ngoặt đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Với lợi thế của mình, kinh tế số sẽ giúp Việt Nam đi tắt, đón đầu, huy động toàn bộ các nguồn lực quốc gia, thúc đẩy xu thế dịch chuyển trong đầu tư, chuỗi cung ứng của khu vực và Việt Nam.

Đây cũng là cú hích để Việt Nam chuyển đổi các thể chế quản trị quốc gia, khai thác lợi thế lực lượng lao động xã hội. Tạo cơ hội để mọi người dân đều có thể tham gia vào phát triển kinh tế. Giảm chi phí quản lý, hành chính. Thúc đẩy tăng trưởng quốc gia và tăng trưởng của từng cá nhân, thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam

1. Việt Nam có nhiều lợi thế trong chuyển đổi số.

Theo chỉ số xếp hạng “Sự trỗi dậy số” của các quốc gia năm 2021 do Trung tâm cạnh tranh số châu Âu thực hiện, ba năm qua từ 2018 – 2020, Việt Nam là một trong những nước đi nhanh nhất trên thế giới trong việc ban hành các chủ trương, chiến lược về chuyển đổi số. Việt Nam được xếp thứ nhất trong số 137 quốc gia về tốc độ tiến bộ trong nhóm Đông Á và Thái Bình Dương. Chính phủ Việt Nam quyết tâm đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% của GDP năm 2025.

Việt Nam có nền tảng hạ tầng kinh tế số tốt, có vị trí địa chính trị thuận lợi cho việc chuyển đổi và ứng dụng số. Mạng viễn thông và internet phát triển nhanh, rộng khắp, hiện đại và ở tầm quốc tế. Việt Nam xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng internet đông nhất thế giới. Mạng lưới 5G của Việt Nam cũng đang thử nghiệm tốt. Mức giá cước dịch vụ Internet vừa phải, cước dịch vụ internet băng thông rộng cố định ở mức thấp nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Các hình thức của kinh tế số ở Việt Nam phát triển ngày càng đa dạng. Xu hướng ứng dụng công nghệ số trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giao thông, ngân hàng, y tế, giáo dục, du lịch, giải trí, quảng cáo và các dạng ứng dụng trực tuyến ngày càng phát triển.

Việt Nam có sức hút lớn với các nhà đầu tư bởi dư địa tăng trưởng và mức độ sôi động của thị trường gần 100 triệu dân. Tỷ lệ dân số trẻ cao. Có nền tảng toán học. Yêu thích và nhanh nhạy tiếp cận công nghệ. Theo NapoleonCat (Công cụ đo lường các chỉ số mạng xã hội) tới tháng 6/2021, Việt Nam có gần 76 triệu người dùng Facebook, chiếm hơn 70% dân số, tăng 31 triệu người so với năm 2019.

Theo báo cáo chính thức vừa qua của Google, Temasek và Bain &Co nền kinh tế số tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 21 tỷ đô la cho năm 2021. Tăng 31% so với năm 2020. Tương đương Malaysia nhưng đứng sau Indonesia, Thái Lan. Với đà tăng trưởng này, dự kiến kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ vào năm 2025, tăng 29% năm. Theo “e-Economy SEA 2021”, tính đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người sử dụng mua bán trực tuyến. Điểm đáng chú ý là 55% trong số đó đến từ các khu vực nông thôn.

Thương mại điện tử (TMĐT) đã góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số ở Việt Nam (53%) thời gian qua. Theo khảo sát gần đây, các trang thương mại điện tử có nguồn gốc Việt Nam như Lazada Việt Nam, Tiki, Sendo, FPT Shop, Điện máy xanh, Thế giới di động hiện đang định hình thói quen mua sắm của người Việt. Khảo sát Tháng 3 năm 2020, iPrice insights cho biết trong năm 2019, trung bình có khoảng gần một lượt triệu người truy cập vào các trang thương mại điện tử có uy tín của Việt Nam. 99% doanh nghiệp Việt chấp nhận thanh toán trực tuyến. 72% dự kiến tăng mức sử dụng các công cụ tiếp thị kỹ thuật số trong 5 năm tới.

Nguồn vốn từ các thương hiệu nổi tiếng của thương mại điện tử thế giới như Alibaba, Amazon, Ebay, Shopee vẫn chảy mạnh vào Việt Nam cho dù đại dịch Covid-19. Chứng tỏ lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào hệ sinh thái kỹ thuật số của Việt Nam.

2. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, Việt Nam cần quyết tâm rất cao để tháo gỡ những nút thắt đang làm ảnh hưởng đến chuyển đổi số.

Nút thắt đầu tiên và quan trọng nhất là nhận thức còn yếu và không nhất quán, của các cơ quan quản lý và của toàn xã hội. Xếp hạng về chính phủ điện tử của Việt Nam khá thấp. Theo đánh giá của Liên hợp quốc về Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam xếp thứ 86 trên 193 quốc gia. Xếp thứ 6 trên 10 nước ASEAN! Đây đang là cản trở lớn nhất cho công tác chuyển đổi số.

Hệ thống thể chế, chính sách cũng như các thiết chế giải quyết tranh chấp và hiệu lực của cơ quan thực thi liên quan đến phát triển kinh tế chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc kết nối giữa các nền tảng rất yếu. Chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước và địa phương, doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu chưa hoàn chỉnh, đồng nhất, manh mún. Giao diện lập trình chưa phát triển, còn phải mua của bên ngoài. Chính điều này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Đại dịch Covid-19 cho thấy những bất cập hiển hiện trong công tác quản lý và chống dịch.

Một khó khăn nữa là các doanh nghiệp kinh tế số ở Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài. Báo cáo về thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam 6 tháng năm 2020 của ABI Research cho thấy Grab vẫn là hãng gọi xe công nghệ dẫn đầu thị trường, chiếm 74,6% thị phần. Cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp Việt như Go-Việt, Be, MyGo. Gần 70% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam thuộc về các công ty nước ngoài như Facebook, Google. Chỉ trong 10 năm Việt Nam mất khoảng 50% thị phần quảng cáo.

Bên cạnh đó thói quen giao dịch, thanh toán tiền mặt của đa số người tiêu dùng là trở ngại rất lớn. Vẫn còn khoảng cách rất xa giữa khu vực thành thị với các khu vực nông thôn, miền núi. Thương mại điện tử còn tồn tại bất cập. Hàng giả, hàng nhái, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa tốt.

Điểm cuối cùng và vô cùng quan trọng đó là chất lượng nguồn nhân lực còn chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang kinh tế số. Thiếu hụt lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông. Nhìn chung kỹ năng sử dụng internet an toàn còn thấp và chưa theo kịp với tốc độ phát triển. Hệ thống giáo dục ở Việt Nam chưa bắt kịp xu thế chuyển đổi số.

Đây sẽ là điểm nghẽn quan trọng cần tháo gỡ nếu muốn phổ cập kinh tế số trong toàn xã hội. Cho đến nay, tỷ lệ dân số chưa tham gia vào nền kinh tế số của Việt Nam còn đến 29,3%, trong khi Thái Lan chỉ là 10,1%.

3. Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia thống nhất rằng phát triển kinh tế số ở Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Yếu tố quan trọng đầu tiên là phải nâng cao nhận thức về tính cấp bách và tầm quan trọng của chuyển đổi số. Lấy người dân làm trung tâm và đặt lợi ích của người dân lên cao nhất. Cần phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam: Đất nước có nền nông nghiệp cao, tỷ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lớn.

Theo tinh thần đó Chính phủ cần đi tiên phong trong quá trình số hóa bộ máy quản trị quốc gia, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy lãnh đạo, quản lý cũng như điều hành. Cần cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến, tạo thuận lợi người dân. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu, hạ tầng dữ liệu quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Để tránh tình trạng người dân và doanh nghiệp phải chờ đợi, co cụm, không dám đổi mới, sáng tạo vì sợ sai sót, Chính phủ cần tạo khuôn khổ pháp lý thông qua việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách về kinh tế số. Cần có chế tài trong việc xử lý, giải quyết những tranh chấp, xung đột. Thành lập cơ quan thiết chế chuyên trách, có thẩm quyền giải quyết xung đột. Tạo lòng tin.

Theo thống kê năm 2020, 97% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Chính vì thế, nhà nước cần cơ chế hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho lực lượng này. Tại Diễn Đàn kinh tế Việt Nam ngày 5.12 vừa qua, Trưởng Đại diện của IMF tại Việt Nam đã khuyến cáo Chính phủ Việt Nam cần quan tâm đặc biệt đến việc đầu tư cho doanh nghiệp để họ có điều kiện ứn dụng chuyển đổi số bởi đây chính là động lực cho quá trình phục hồi và phát triển bền vững của Việt Nam.

Điểm cuối cùng và không kém phần quan trọng là cần cấp bách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung phát triển, thu hút các chuyên gia về công nghệ số, các doanh nhân số; Đổi mới giáo dục, đào tạo bồi dưỡng để tái đào tạo lực lượng lao động. Cập nhật, bổ sung các chương trình đào tạo về công nghệ số, nền tảng số.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển với tốc độ ở cấp số nhân và đang làm biến đổi toàn bộ các mô hình tăng trưởng và quản trị của tất cả các quốc gia. Một nửa dân số thế giới đã kết nối trực tuyến, một phần ba tham gia mạng xã hội. Dự kiến trong thập kỷ tới kinh tế số được kỳ vọng sẽ chiếm 25% GDP của toàn thế giới.

Xu thế mới hiện nay của nhiều nhà đầu tư quốc tế khi đặt bút ký quyết định đầu tư là dựa trên mức độ số hóa của một quốc gia thay vì các yếu tố truyền thống như chi phí lao động thấp, tài nguyên, quy mô dân số.

Chính vì những lẽ đó, phát triển và tận dụng kinh tế số cho mô hình tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới chính là một lựa chọn đúng đắn, phù hợp với xu thế và bảo đảm cho sự phục hồi và phát triển bên vững kinh tế, đem lại sự thịnh vượng cho Việt Nam trong tương lai.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới