Wednesday, November 27, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ không tuân thủ các quy tắc của LHQ về cung cấp...

TQ không tuân thủ các quy tắc của LHQ về cung cấp các sản phẩm dầu tinh luyện cho Triều Tiên

Một cuộc điều tra của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho thấy chính phủ Trung Quốc đã không tuân thủ các quy tắc và thủ tục đã được thiết lập khi báo cáo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc cung cấp các sản phẩm dầu tinh luyện cho Triều Tiên.

Hình ảnh bên ngoài trự sở Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc không phân biệt các loại sản phẩm dầu mỏ mà họ xuất khẩu khi cung cấp dữ liệu liên quan mà chỉ cung cấp tổng số theo tấn, dẫn đến số liệu quy đổi của LHQ không chính xác và kể từ tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã không thực hiện việc nộp báo cáo hàng tháng theo quy định. Điều này cho thấy lỗ hổng trong hệ thống báo cáo của LHQ về nguồn cung dầu tinh luyện của Triều Tiên. Đáng chú ý hơn, vì Trung Quốc, hiện là nhà cung cấp duy nhất các sản phẩm dầu tinh luyện cho Triều Tiên, đã không báo cáo cung cấp xăng, dầu diesel và dầu hỏa cho nước này, điều này đặt ra câu hỏi về việc Triều Tiên lấy những sản phẩm này từ đâu.

Nghị quyết 2397 về Triều Tiên, được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua năm 2017, giới hạn tổng nhập khẩu dầu tinh luyện cho Triều Tiên ở mức 500.000 thùng mỗi năm và yêu cầu các nước cung cấp cho Triều Tiên phải báo cáo nguồn cung của họ hàng tháng để tính Tổng số.

Trang web của Ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liệt kê dữ liệu hàng tháng về tất cả các sản phẩm dầu tinh luyện do các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cung cấp, bán hoặc chuyển giao cho Triều Tiên từ tháng 10/2017 đến nay. Các số liệu cho thấy hai quốc gia duy nhất cung cấp các sản phẩm này cho Triều Tiên là Trung Quốc và Nga, và Nga đã ngừng cung cấp các sản phẩm này cho Triều Tiên kể từ năm 2021.

Ủy ban trừng phạt là một cơ quan trực thuộc được thành lập vào năm 2006 theo Nghị quyết 1718 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nghị quyết nhằm phản ứng trước vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên và các hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân khác.

Một cuộc điều tra của các phóng viên VOA tiếng Hàn cho thấy, mặc dù chính phủ Trung Quốc đã báo cáo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về lượng dầu tinh luyện mà họ cung cấp cho Triều Tiên, nhưng họ đã không nộp báo cáo hàng tháng theo yêu cầu kể từ tháng 9 năm ngoái. Thay vào đó, họ cung cấp các số liệu hàng tháng từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 2 năm nay trong một lần, vào hai tuần trước mà không có tất cả các chi tiết cụ thể.

Một quan chức LHQ cũng xác nhận với VOA tiếng Hàn rằng chính phủ Trung Quốc chỉ đơn giản nộp tổng số lượng tính bằng tấn, chứ không nêu rõ từng sản phẩm cụ thể cung cấp cho Triều Tiên, vì vậy Ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ đã phải quy đổi số tấn này thành thùng bằng cách sử dụng tỷ lệ quy đổi xăng.

Tuy nhiên, sau khi so sánh khối lượng các sản phẩm dầu tinh luyện hàng tháng mà chính phủ Trung Quốc đệ trình lên Hội đồng Bảo an với dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, VOA nhận thấy rằng phần lớn các sản phẩm dầu tinh luyện do Trung Quốc cung cấp cho Triều Tiên là dầu nhờn và nhựa đường, chứ không phải xăng và dầu diesel, hoặc dầu hỏa, vì vậy những con số mà Ủy ban trừng phạt ghi nhận là không chính xác.

Ví dụ, theo báo cáo của Trung Quốc với LHQ, trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, Trung Quốc đã cung cấp cho Triều Tiên tổng cộng 2.054,81 tấn sản phẩm dầu tinh luyện, mà Ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ đã quy đổi nó thành 17.116.568 thùng, sử dụng tỷ lệ quy đổi tiêu chuẩn là 8,35 cho xăng, nhưng theo quy định riêng, tỷ lệ chuyển đổi từ tấn sang thùng đối với dầu nhiên liệu còn lại là 6,35. Sử dụng tỷ lệ quy đổi này, nguồn cung cấp các sản phẩm dầu tinh luyện của Trung Quốc cho Triều Tiên phải là 13.048,04 thùng.

Quan chức LHQ giải thích rằng tỷ lệ chuyển đổi thích hợp chỉ được biết khi họ được cho biết sản phẩm nào đang được xuất khẩu sang Triều Tiên.

Quan chức này cũng nói rằng Trung Quốc tiếp tục gửi các báo cáo này mà không đề cập đến cách thức vận chuyển các sản phẩm tới Triều Tiên hay thông tin cụ thể về các thực thể liên quan đến việc giao hàng, trong khi các nghị quyết liên quan nêu rõ rằng Ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ cần được thông báo về chi tiết của các đơn vị (công ty và tàu thuyền) liên quan đến việc giao hàng hợp pháp này.

Điều này cho thấy lỗ hổng trong hệ thống báo cáo của LHQ về việc cung cấp dầu tinh luyện cho Triều Tiên.

Đáng chú ý hơn, theo số liệu xuất khẩu của hải quan Trung Quốc, hầu hết các sản phẩm dầu tinh luyện mà chính phủ Trung Quốc cung cấp cho Triều Tiên không chứa các sản phẩm dầu mỏ thực sự, mà chủ yếu là dầu nhờn và nhựa đường.

Các quan chức LHQ nói với VOA rằng sau khi Ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với Trung Quốc, phía Trung Quốc đã trả lời rằng: “Phần lớn xuất khẩu dầu tinh luyện của Trung Quốc sang Triều Tiên là các sản phẩm như dầu nhờn và nhựa đường, không phải các sản phẩm dầu nhiên liệu như xăng, dầu diesel và dầu hỏa”.

Ngoài ra, Nga đã ngừng cung cấp bất kỳ sản phẩm dầu nào cho Triều Tiên từ năm 2021. Điều này có nghĩa là ít nhất Triều Tiên đã không nhập khẩu hợp pháp các sản phẩm dầu từ bất kỳ quốc gia nào trong thời gian gần đây. Điều này đặt ra câu hỏi về việc các sản phẩm dầu nhiên liệu của Triều Tiên như xăng, dầu diesel và dầu hỏa đến từ đâu.

“Những gì bạn thường nghĩ về các sản phẩm dầu tinh luyện nói chung là dầu hỏa, dầu diesel, xăng. Đây là ba sản phẩm năng lượng chính mà Triều Tiên có khả năng tiêu thụ và cần với số lượng lớn. Rõ ràng, họ sử dụng ba sản phẩm này với số lượng lớn, nhưng họ không báo cáo những sản phẩm đó là hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Vì vậy, thật tò mò chuyện gì đang xảy ra ở đó”, ông William Brown, giáo sư tại Đại học Maryland, nói với VOA.

Vào ngày 24/3 năm nay, Triều Tiên đã bắn thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, dẫn đến sự lên án từ các quốc gia bao gồm Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hoa Kỳ đã kêu gọi LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên. Nghị quyết 2397 của Hội đồng Bảo an LHQ bao gồm một điều khoản kích hoạt hạ giới hạn nguồn cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên nếu Triều Tiên tiếp tục hành động khiêu khích. Vẫn còn phải xem liệu Hội đồng Bảo an LHQ có kích hoạt điều khoản này sau vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gần đây hay không.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới