Trong lúc cả thế giới vẫn đang tập trung vào tình hình chiến sự tại Donbass, Ukraine, thì Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng cường sức mạnh và “khoe nanh múa vuốt” trên Biển Đông.
Trung Quốc vẫn đang đe doạ ở Biển Đông
Truyền thông Trung Quốc mới đây vừa cho biết, các máy bay chiến đấu tàng hình của nước này đã bắt đầu hoạt động tuần tra trên các Biển Hoa Đông và Biển Đông trong khuôn khổ các sứ mệnh tập huấn thường kỳ. Tuyên bố này được đưa ra bởi Ren Yukun, trưởng đoàn kiểm tra, giám sát kỷ luật và là một ủy viên của đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC). Ông này cũng cho biết thêm là các hoạt động tuần tra này được thực hiện sau khi các máy bay J-20 chuyển sang sử dụng “các động cơ được phát triển ở trong nước”. Ban đầu, loại máy bay chiến đấu này được trang bị động cơ dòng Saturn AL-31FN do Nga sản xuất.
Thông tin về cuộc tuần tra của máy bay J-20 được đưa ra vào thời điểm khi vừa tháng trước, một máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ và một máy bay J-20 của Trung Quốc đã có cuộc chạm trán rất gần ở Biển Hoa Đông . Chỉ huy trưởng Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ Kenneth Wilsbuch cho biết các phi công Mỹ đã bị ấn tượng sâu sắc trước hệ thống chỉ huy và kiểm soát của máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc. Ông cho biết vẫn còn quá sớm để nói về việc Trung Quốc sẽ triển khai J-20 như thế nào.
Các chuyên gia Trung Quốc cho biết J-20 là sự kết hợp giữa F-22 và F-35 của Mỹ. Loại máy bay này sẽ không bị các radar phát hiện. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ trên thực tế, liệu loại máy bay chiến đấu này của Trung Quốc có sở hữu sức mạnh trên không cũng như hỏa lực mặt đất như F-35 của Mỹ hay không. Theo AVIC, chiến đấu cơ J-20 hiện đang sử dụng các động cơ được sản xuất trong nước, theo đó có sức mạnh lớn hơn. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc tin rằng với sự nâng cấp mới nhất này, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc hiện sẽ sở hữu năng lực của máy bay siêu thanh và sẽ có khả năng thực hiện nhiều động tác nhào lộn ở trên không.
Trung Quốc từ lâu đã quảng bá về khả năng của máy bay chiến đấu tàng hình Thành Đô J-20 kể từ khi nó được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2011. Máy bay chiến đấu tối ưu thế hệ thứ năm, xuất thân từ chương trình J-XX những năm 1990, đã được đưa vào biên chế từ tháng 3/2017, còn đơn vị chiến đấu J-20 đầu tiên được thành lập chỉ một năm sau đó.
Hiện Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chưa tiết lộ số lượng các máy bay J-20 khả dụng của họ, nhưng nhiều ý kiến cho rằng con số này vào khoảng 150.
Động thái này của Trung Quốc mang thông điệp gì?
Các chuyên gia nhận định rằng việc Trung Quốc triển khai các máy bay J-20 cho thấy Trung Quốc muốn thể hiện một số thông điệp: Thứ nhất là sự tự tin lớn hơn của nước này với các năng lực quân sự của mình; Thứ hai là sự cảnh báo của Bắc Kinh với các quốc gia khác đang liên quan đến các tranh chấp với Trung Quốc tại hai vùng biển này.
Việc Trung Quốc điều loại máy bay mạnh nhất này thực hiện hoạt động tuần tra tại Biển Đông ở ngay sát Đài Loan ngay giữa lúc cuộc chiến tranh tại Ukraine đang diễn ra là một nỗ lực nhằm hăm dọa hòn đảo này. Động thái này cũng được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng tại một khu vực vốn đã đầy rẫy các vũ khí nguy hiểm. Không chỉ có vậy, Trung Quốc sẽ có khả năng tấn công căn cứ quân sự của các đồng minh của Đài Loan như là Mỹ và Nhật Bản.
Ngoài ra, sự xuất hiện của loại máy bay này ở Biển Đông có nguy cơ khiến những căng thẳng của Trung Quốc với Đài Loan, Singapore, Việt Nam, Philippines sẽ gia tăng. Đây là thế hệ máy bay chiến đấu thứ năm và ngoài Trung Quốc ra thì không quốc gia nào ở Biển Đông sử dụng loại máy bay tối tân như vậy.
Do đó, J-20 của Trung Quốc sẽ hoàn toàn áp đảo các lực lượng không quân yếu hơn của các nước Đông Nam Á liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, có thể Trung Quốc sẽ chỉ triển khai J-20 trong những trường hợp Bắc Kinh đánh giá là gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với họ vì việc triển khai J-20 rất tốn kém và bản thân loại tiêm kích này có giá trị lớn đến mức Trung Quốc sẽ không muốn bị tổn thất.
Một số chuyên gia cho rằng , để tiêu diệt những lực lượng không quân tương đối yếu hơn trong khu vực, Trung Quốc có thể chọn sử dụng chiến tranh tiêu hao trên không thay vì mạo hiểm sử dụng phi đội tiêm kích tối tân nhất của mình. Ngay cả khi không có J-20, Trung Quốc vẫn có lợi thế hơn so với các lực lượng không quân của các nước tranh chấp khác khi xét về số lượng máy bay chiến đấu. Trung Quốc có thể lựa chọn tiến hành các cuộc tuần tra liên tục và tăng cường trên không phận của các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, buộc lực lượng không quân của các quốc gia tranh chấp phải phản ứng ở quy mô và mức độ vượt quá khả năng của họ. Điều này khiến phi công của các nước tranh chấp phải chịu tình trạng căng thẳng và mệt mỏi, theo đó làm gia tăng khả năng tính toán sai lầm và làm gia tăng nguy cơ gây tổn thất về trang thiết bị do hao mòn khi hoạt động. Điều này Trung Quốc đã thực hiện đối với Đài Loan trong suốt năm 2021.
Liệu Nga có tiếp sức cho Trung Quốc?
Trung Quốc đã cố gắng mô phỏng, sao chép các công nghệ từ các quốc gia khác cho việc sản xuất vũ khí của mình. Một điểm yếu rất lớn của Trung Quốc trong hoạt động sản xuất vũ khí của họ, đó là khả năng sản xuất các động cơ.
Cách đây không lâu, Trung Quốc đã gặp rắc rối với Thái Lan khi nước này không thể giao đúng kỳ hạn hai tàu ngầm lớp Nguyên cho Thái Lan theo đúng hợp đồng . Lý do là vì một công ty của Đức đã không cung cấp động cơ tàu ngầm cho Trung Quốc do lo ngại vi phạm lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm vũ khí của Đức. Trong khi Trung Quốc chưa đủ sức để chế tạo động cơ tàu ngầm với thiết kế như mong muốn.
Đối với động cơ cho máy bay phản lực cũng tương tự. Lâu nay, Trung Quốc đã gặp không ít khó khăn trong kế hoạch sản xuất động cơ phản lực chất lượng cao cho lực lượng không quân của mình – một điểm nghẽn quan trọng trong chương trình hiện đại hóa lực lượng không quân của nước này. Trong những năm 1990 và 2000, Trung Quốc đã nỗ lực sao chép một số phiên bản động cơ nhất định của Nga nhưng lại sản xuất ra những phiên bản kém chất lượng hơn với độ bền của động cơ rất thấp.
Trong khi đó, Nga cũng biết Trung Quốc đã đánh cắp thiết kế động cơ Su-27 của họ và biến thành bản sao thiết kế không có giấy phép của riêng Bắc Kinh . Moscow không bán riêng rẽ các động cơ của máy bay chiến đấu, điều này khiến việc Trung Quốc muốn biến những mô hình động cơ của Nga thành của phiên bản của riêng mình trở nên vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ý lo ngại khi hiện nay, do Nga vướng vào vấn đề xâm lược Ukraine, cho nên gần như toàn bộ phương Tây đã cô lập và cấm vận, trừng phạt Nga. Trong bối cảnh đó, Nga chỉ có chỗ dựa tin cậy là Trung Quốc. Chính vì vậy, khả năng Nga phải đánh đổi bằng cách cung cấp các công nghệ sản xuất động cơ phản lực cho Trung Quốc. Điều này rất có thể sẽ xảy ra.
Nếu Nga chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ phản lực cho Trung Quốc, điều này sẽ khiến Trung Quốc sẽ có thêm sức mạnh để lấn lướt trên Biển Đông.
Một chuyên gia về quân sự của Mỹ mới đây cho biết, nguy cơ Trung Quốc sẽ tấn công Việt Nam tại Trường Sa lớn hơn nhiều so với việc tấn công Đài Loan, như một hiệu ứng từ cuộc chiến Ukraine
Trước tình hình như vậy, lẽ ra Việt Nam cần có một động thái hoặc một chính sách nhằm thích ứng trước những biến động của thời cuộc. Thế nhưng, lãnh đạo Việt Nam vẫn điềm nhiên “tự sướng” như lời của ông Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp với Đại sứ Mỹ tại Hà Nội hôm qua “Việt Nam chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay, trước hết là nhờ vào đường lối đối nội, đối ngoại đúng đắn.”
Ngay cả việc Nga “bán đứng” Việt Nam khi tung ra thông tin tập trận chung Nga – Việt như một “ác ý” cũng khiến Việt Nam phải lúng túng giải thích như “gà mắc tóc”. Trong khi cuộc chiến Ukraine đã cho thấy những hạn chế trong vũ khí và học thuyết quân sự của Nga, nhưng nhiều lãnh đạo Việt Nam vẫn “khư khư” ôm chân Nga, cho dù Nga đã tuyên bố luôn ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông
Việt Nam cần phải thực hiện nhiều sự thay đổi cả về học thuyết đối ngoại và quốc phòng, mới có thể bảo vệ được lợi ích của mình trên Biển Đông.