Trong cuộc chiến Ukraine, Putin mơ về sự tái sinh của Liên Xô. Nhưng cuộc chiến của ông ta lại đang tạo ra những điều trái ngược. Kazakhstan là nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ quan trọng đầu tiên tách khỏi Nga – và muốn quay sang phương Tây. WELT đã có các cuộc trao đổi độc quyền với các quan chức chính phủ tại đây.
Chưa đầy ba tháng trước, Tổng thống Kazakhstan yêu cầu Điện Kremlin đưa quân vào đất nước ông. Hồi tháng Giêng, ngay trước khi Nga tấn công Ukraine, bạo loạn đã làm rung chuyển quốc gia Trung Á rộng lớn này. Hàng chục nghìn người biểu tình phản đối mức giá quá cao của khí đốt hóa lỏng, nguồn nhiên liệu chủ yếu của người dân tại đây. Đây cũng là một nguồn năng lượng rất phong phú ở Kazakhstan, tuy nhiên chỉ có một số ít người làm giàu giờ nguồn nhiên liệu này. Các nhóm bạo loạn đã tấn công các đồn cảnh sát và sân bay thủ đô. Tổng thống Qassym-Jomart Tokayev lo sợ xảy ra đảo chính. Ông kêu gọi sự giúp đỡ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga thống trị, một hiệp ước của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Vladimir Putin phản ứng chỉ sau vài giờ đồng hồ. Moscow cử ngay các đơn vị phản ứng nhanh. Theo số liệu chính thức, ít nhất 250 người đã bị chết trong hai tuần bất ổn và hàng nghìn người bị bắt. Cho đến nay nhiều chuyện vẫn còn trong bóng tối, như sự đàn áp dã man của nhà nước, hay thành phần những kẻ tham gia bạo loạn. Chính phủ thì tuyên bố đây là các phần tử “phản bội tổ quốc”.
Sự can thiệp quân sự của CSTO là điều chưa từng có trong lịch sử sau khi Liên Xô sụp đổ. Lúc đó các chuyên gia lo ngại Putin sẽ không rút quân khỏi đất nước giàu dầu mỏ, khí đốt và tài nguyên này. Đó sẽ là một bước ngoặt nếu Điện Kremlin sử dụng liên minh được thành lập vào năm 1992 để đặt chân vào Trung Á. Nó cũng phù hợp với chiến lược của Putin gần đây. Ông ta đã tổ chức một đại lễ hội tại sân vận động Moscow chật cứng người tham gia, và cho hát những bài hát liệt kê Kazakhstan là một phần của nước Nga.
Tình hình diễn ra khác với dự đoán. Putin rút quân nhanh chóng. Giờ đây mọi chuyện mới rõ, bên cạnh Ukraine Putin không thể gánh thêm được một mặt trận nào khác. Ở Kazakhstan đã diễn ra nhiều nỗ lực nhằm thoát khỏi sự bảo bộ của Moscow, đất nước có chung đường biên giới dài tới 7000 km.
Làn sóng chấn động từ cuộc chiến của Putin ở Ukraine đã lan đến toàn bộ khu vực. Kazakhstan, cũng như các quốc gia láng giềng Azerbaijan và Uzbekistan, lại không đứng về phía Kremlin trong cuộc chiến. Tại Liên Hợp Quốc, họ đã bỏ phiếu trắng cho nghị quyết lên án Nga. Trên bản đồ Trung Á, những quốc gia này không còn có thể được đánh dấu là đồng minh rõ ràng của Nga.
Kazakhstan đã viện trợ cho Ukraine, đại sứ quán của nước này ở Lviv vẫn đang mở cửa. Có lẽ không phải chỉ vì lý do nhân đạo, mà trong mọi tình huống người ta đều tránh không muốn bị phương Tây trừng phạt. Tại Kazakhstan, quốc gia có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhiên liệu hóa thạch cho phương Tây trong tương lai, sự ổn định vốn đã lung lay nay càng bị đe dọa.
Từ Nur-Sultan, thủ đô của Kazakhstan, Thứ trưởng Ngoại giao Kazakhstan, Roman Vassilenko, nói chuyện với WELT về “tình hình phức tạp” mà đất nước ông đang trải qua. Ông mới nhậm chức từ cuối tháng Giêng, trong chính phủ xuất hiện nhiều gương mặt mới kể từ sau cuộc nổi dậy. Vassilenko nói về phản ứng của chính phủ đối với cuộc nổi dậy, nay được gọi là cuộc chính biến vì một Kazakhstan Mới.
Nghị viện, dân chủ và pháp quyền sẽ được tăng cường với sự tham gia của người dân, cải thiện cuộc sống của họ thông qua sự phồn vinh kinh tế của đất nước. “Nhà nước trước tiên phải phục vụ công dân, không phải công dân phục vụ nhà nước”, đây là tầm nhìn của tổng thống. Ông nhấn mạnh rằng đây là một quan niệm rất phương Tây. Vassilenko kể hồi tháng 12, Kazakhstan đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày được độc lập, tách khỏi Liên Xô “với niềm tự hào to lớn”.
“Nếu lại có bức màn sắt lần nữa, chúng tôi không muốn đứng phía sau nó. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ không xảy ra,” Vassilenko nói. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không thực hiện những bước đi và cải cách chính trị này để làm hài lòng bất kỳ ai, kể cả phương Tây. Mà đó là bởi vì tổng thống của chúng tôi biết rằng đây là con đường duy nhất để đưa đất nước đi lên.”
Nếu không cải cách, cuộc nổi dậy tiếp theo có lẽ chỉ là vấn đề thời gian, ngay cả trong thời gian bình thường. Theo công ty kiểm toán KPMG, chỉ 162 người sở hữu hơn một nửa tổng tài sản của đất nước. Tuy nhiên, giờ đây, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang giáng vào nước Nga, đối tác thương mại quan trọng nhất của chúng tôi. Đồng nội tệ, Teng, đã mất giá nghiêm trọng, giá cả đang tăng lên. Dự trữ đô la của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang giúp ngăn chặn tình trạng rơi tự do của đồng nội tệ, nhưng nguồn thu nhập quan trọng nhất đang có nguy cơ cạn kiệt.
Đường ống xuất khẩu dầu lớn nhất của nước này chạy qua đất của Putin. Dầu của Kazakhstan sẽ được pha trộn với dầu của Nga, điều này khiến mọi thứ trở nên phức tạp. Nhưng cuộc sống của những người ít liên quan đến lĩnh vực năng lượng cũng bị đe dọa: Vì các doanh nghiệp Nga không còn được phép bán sản phẩm của họ ở phương Tây do lệnh trừng phạt, hàng xuất khẩu của Nga sẽ tràn ngập các nước Trung Á. Các công ty địa phương ở Kazakhstan khó có thể trụ vững trước sự cạnh tranh từ nước láng giềng khổng lồ này.
Quay lưng lại với Nga cũng là một bước hướng tới dân chủ, nhưng cả hai điều này sẽ không làm nước Nga hài lòng. Điều nguy hiểm nữa là siêu cường Trung Quốc – quốc gia cũng có chung biên giới với Kazakhstan – từ lâu đã quan tâm đến tài nguyên thiên nhiên của đất nước này.
Điều gì sẽ xảy ra nếu không có sự bảo vệ của Nga? Cho đến nay, mọi người chỉ đơn giản nghĩ là cần giữ quan hệ tốt với cả hai nước láng giềng. Nếu cả hai nước này đều được hưởng một miếng bánh khả dĩ thì họ sẽ để lại quyền tự trị cho Kazakhstan, giả định cơ bản này đã tồn tại kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Đây chính thức được gọi là “chính sách đối ngoại đa hướng”. Nó được phát triển bởi Tổng thống đương nhiệm Kassym-Jomart Tokayev, người đã nắm quyền hàng chục năm và được đào tạo ở Moscow và Bắc Kinh trong thời kỳ Liên Xô, vì vậy ông luôn có mối quan hệ chặt chẽ với cả hai bên.
Thứ trưởng Ngoại giao Vassilenko nói: “Chúng tôi cũng coi cuộc khủng hoảng là một cơ hội và nhấn mạnh “môi trường đầu tư tốt” ở Kazakhstan nhằm thu hút các công ty phương Tây. Ông nói: “Chúng tôi không muốn các công ty và nhà đầu tư đến đây chỉ để lách các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Nhưng bất kỳ công ty nào có uy tín muốn chuyển hoạt động sản xuất đến đây đều được chúng tôi hoan nghênh.”
Trên thực tế, Brussels và Berlin đã công bố kế hoạch tăng cường cung cấp khí đốt và dầu qua đường ống từ quốc gia láng giềng của Kazakhstan là Azerbaijan để thay thế hàng nhập khẩu từ Nga. Ngoài ra, nhiều công ty phương Tây trước đây đã hoạt động tại Nga có thể sẽ cần một địa điểm mới trong tương lai. Ngoài đường ống dẫn qua Nga, nước này còn có hai đường ống dẫn tới Trung Quốc và một đường ống tới phía tây qua Azerbaijan. Ở phía nam, các tàu chở dầu vận chuyển dầu về phía tây qua Biển Caspi.
Chỉ có điều cả Kazakhstan và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á sẽ không thể nhanh chóng thoát khỏi nước Nga như họ mong muốn. Vẫn không thể đề cập đến một sự chuyển hướng thực sự về phía dân chủ. Tạp chí Foreign Policy của Mỹ đưa tin về các vụ tra tấn và vi phạm nhân quyền đang diễn ra do hậu quả của các cuộc nổi dậy vừa qua. Chuyên gia về Kazakhstan Temur Uranov từ Trung tâm Carnegie Moscow tin rằng mong muốn độc lập khỏi Nga là đáng tin cậy: “Trong tất cả các quốc gia ở Trung Á, Kazakhstan đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ cuộc chiến Ukraine”.
Nhưng mối quan hệ kinh tế và chính trị với Nga đã được thiết lập trong nhiều thập kỷ nên không thể bị cắt đứt nhanh chóng như vậy”, Uranov nói với WELT. Đó là vấn đề của nhiều năm. Về những cải cách chính trị đã được công bố, ông nói: “Sẽ có nhiều nhóm xã hội tham gia vào các quyết định chính trị hơn trong tương lai. Tuy nhiên, Kazakhstan sẽ vẫn là một quốc gia độc tài”.
T.P