4 tháng nữa mới diễn ra cuộc tập trận chung mang tên “Lá chắn Garuda” do Mỹ và Indonesia tổ chức. Tuy nhiên, thông tin về sự kiện quân sự này lại sớm thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cuộc tập trận mang tên “Lá chắn Garuda” tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2009. Mục đích của “Lá chắn Garuda” – như công bố lần đầu, là nâng cao năng lực của quân đội Indonesia tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, tăng cường sự hợp tác quân sự trong khu vực Thái Bình Dương, đồng thời xây dựng tình bạn và tình hữu nghị giữa quân đội hai nước.
Những người quan tâm tình hình khu vực Đông Nam Á có thể nhận thấy, “Lá chắn Garuda” cùng được cả Mỹ và Indonesia rất coi trọng. Điều đó thể hiện không chỉ ở việc sự kiện được duy trì đều, ngay trong điều kiện khó khăn nhất, mà còn liên tục được mở rộng về quy mô.
Năm 2021, giữa đỉnh dịch Covid-19, “Lá chắn Garuda” vẫn tổ chức rầm rộ tại 3 địa phương là Sumatra, Kalimantan và Sulawesi của Indonesia, từ ngày 1-14/8, với quy mô được coi là “lớn nhất” khi có đến hơn 3600 binh sĩ hai bên. Nhiều người còn săm soi và phát hiện điều khác thường: phòng thủ biển đảo với những khoa mục như huấn luyện trên thực địa, bắn đạn thật, hàng không và y tế…, vốn không sát sườn mấy với mục tiêu của các “lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ”, lại được “Lá chắn Garuda” 2021 coi trọng.
Tới cuộc tập trận năm 2022, dự kiến diễn ra vào tháng 8 năm nay, phát ngôn viên quân đội Indonesia Albert Tambunan cũng khẳng định: đây là cuộc tập trận lớn nhất kể từ khi “Lá chắn Garuda” được tổ chức vào năm 2009, sẽ diễn ra tại khu vực bãi biển tại quần đảo Nam Sutra của Indonesia ở Ấn Độ Dương và phía đông đảo Borneo, gần Biển Đông.
Việc lặp từ “lớn nhất” cùng sự thiếu cụ thể của ông Albert Tambunan gây thắc mắc cho nhiều người. Thắc mắc bởi con số binh sĩ tham gia lần này nhỏ hơn đáng kể so với con số 3600 binh sĩ tham gia trong năm 2021, sao lại nói là “lớn nhất”? Hay ông Albert Tambunan nhầm?
Tuy nhiên, mọi sự có thể được hóa giải: 3000 nhỏ hơn 3600, nhưng “Lá chắn Garuda” sở dĩ “lớn”, vì có binh sĩ của tới 14 nước tham gia, trong đó có các cường quốc Anh, Australia và Nhật Bản.
Bối cảnh quốc tế, nhất là tình hình Biển Đông hiện thời, là điều, theo các chuyên gia quốc tế, có thể là một căn cứ để giải thích việc các quốc gia tổ chức là Mỹ, Indonesia chủ trương mở rộng thành phần quốc gia tham gia “Lá chắn Garuda” 2022.
Bối cảnh quốc tế, trong trường hợp này là cuộc chiến khốc liệt tại Ukraine. Ngay từ lúc tên lửa Nga bổ xuống các thành phố thuộc Ukraine ngày 24/2, nhiều nhà quan sát đã cảnh báo thế giới coi chừng thời cơ đang đến với Trung Quốc, nếu Mỹ và cộng đồng quốc tế bị hút vào cuộc chiến tại Ukraine mà lơi là các điểm nóng khác, nhất là Biển Đông.
50 ngày sau tiếng nổ đầu tiên của chiến tranh, truyền thông quốc tế cấp tập đưa thông tin Trung Quốc hoàn thành việc quân sự hóa 3 đá, gồm: Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập. Ba đá này nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, tuy nhiên, không riêng Việt Nam, mà nhiều nước cho rằng, với việc làm này, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Unclos 1982.
Các chuyên gia Biển Đông nhận định rằng: Trung Quốc từ lâu đã âm thầm quân sự hóa 3 đá này, nhưng lợi dụng các quốc gia chống đỡ với đại dịch Covid-19, gần đây, lại thêm phân tán trong sự kiện Ukraine, Bắc Kinh đã ráo riết tăng tốc để hoàn thành mục tiêu này trước tiến độ. Thậm chí, tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John C. Aquilino, đã giận dữ nói: các hành động này (của Trung Quốc – NV) trái ngược với lời đảm bảo trước đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ không biến các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp thành căn cứ quân sự.
Rất có thể việc Trung Quốc hoàn thành quân sự hóa 3 đá trên không phải là nguyên nhân trực tiếp để Mỹ cùng Indonesia, trong vai trò “nhà tổ chức”, chủ trương mở rộng thành phần quốc gia tham gia “Lá chắn Garuda” vào tháng 8 tới. Nhưng chắc chắn, nó là một nguyên nhân quan trọng khiến Mỹ, Indonesia cũng như Nhật Bản, Australia, Anh và 9 quốc gia khác thấy rằng, nếu không có những động thái quân sự mạnh hơn để cảnh báo, rất có thể Trung Quốc sẽ còn tiếp tục có những hành động ngang ngược, quyết đoán hơn nữa trên Biển Đông. Khi đó, “lá chắn” của Mỹ và Indonesia, dù dày tới mấy, cũng có thể đã bị vô hiệu hóa rồi.
T.V