Năm 2016 Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế vì những việc làm ngang ngược hòng mưu toan chiếm 90% diện tích Biển Đông. Tuy rằng Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết của Tòa PCA tại Liên hợp quốc, nhưng, Manila vẫn là đối thủ mà Bắc Kinh đáng gờm nhất. Ngày 9/5 sắp tới Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ rời ghế quyền lực. Trung Nam Hải và Chủ tịch Tập Cận Bình đang ráo riết “làm thân” với các ứng cử viên mới.
Điều chắc chắn trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines sắp tới, Biển Đông sẽ là vấn đề nóng nhất, xảy ra nhiều tranh cãi nhất. Tổng thống nào thay thế ông Duterte thì cũng phải “đòi” cho bằng được cái kết quả thắng lợi của mình trong vụ kiện tại Tòa trọng tài Liên hợp quốc. Đó là thể hiện bản lĩnh và phẩm chất của một người con trung thành với lợi ích của dân tộc.
Năm năm trước khi trúng cử Tổng thống, ông Duterter cũng là nhân vật cứng rắn với Trung Quốc. Nhưng rồi trước chính sách ngoại giao chiến lang củaTrung Quốc, với con bài giúp đỡ kinh tế, hỗ trợ vắc-xin chống Covid-19, chính phủ của Duterter đã nhiều lần nhượng bộ Bắc Kinh, thậm chí có lúc ngả hẳn theo sự giật dây của nước này. Thế nhưng từ cuối năm 2021 đến nay khi tiếng trống báo hiệu sắp hết nhiệm kỳ thì thùng sau lưng, ngài Tổng thống sắp mãn nhiệm của Phi đã có thái độ khác hẳn.
Trong tháng 3 và đầu tháng 4, tranh cãi giữa hai bên trở nên gay gắt khi Philippines triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối “sự xâm nhập bất hợp pháp” và hoạt động di chuyển “nguy hiểm” của tàu Trung Quốc trong vùng biển Manila có yêu sách trên Biển Đông.
Căng thẳng nhất là cuộc tập trận mới đây của Philippines với Mỹ. Đúng vào ngày 8/4 khi Tổng thống Philippinees hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc thì diễn ra cuộc tập trận chung Mỹ – Philippines với sự tham gia của hơn 5.100 lính Mỹ và 3.800 binh sĩ. Cuộc tập trận kết thúc hôm 8/4. Làm như thế có khác nào ném bùn vào mặt nhau?
Nhưng Bắc Kinh thừa kinh nghiệm. Cố nuốt cục tức vào lòng, từ Chủ tịch Tập đến Ngoại trưởng Vương Nghị vẫn tươi cười vì đại cục. Ông Vương kêu gọi Manila “không tạo ra xáo trộn” trong các chính sách với Trung Quốc. Và Bắc Kinh cam kết sẽ đảm bảo “tính liên tục và ổn định” trong “chính sách láng giềng tốt và thân thiện” với Philippines. Ông này cũng không quên đe nẹt: “Cần phải ngăn chặn các biện pháp can thiệp không phù hợp, thậm chí gây tổn hại đến quan hệ hai nước và sự ổn định của Biển Đông”.
Hiện có ít nhất 6 ứng cử viên tổng thống Philippines, trong đó ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. đang dẫn đầu các cuộc thăm dò cử tri. Nếu ông này đắc cử, thì quan hệ Philippines – Trung Quốc sẽ ít xáo trộn nhất. Còn nếu không phải thế, Bắc Kinh có thể đối mặt với một Manila cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông – cứng rắn hơn nhiều chứ không phải sớm nắng chiều mưa như ông Duterter.
Ứng cử viên Tổng thống nào cũng phải tranh thủ từng lá phiếu của cử tri. Trong đó, thái độ đối với vấn đề Biển Đông, về đòi lại kết quả vụ kiện cách đây hơn 5 năm của ứng cử viên sẽ là lí do để cử tri hi vọng và tín nhiệm. Như vậy, một điều chắc chắn là, quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila khó tránh khỏi sự ảm đạm trong thời gian tới. Ứng cử viên nào thì cũng sẽ là một chính trị gia khôn ngoan, sắc sảo, chứ không phải dễ sai khiến, luôn là “người bạn gần gũi của Trung Quốc” theo cách nói ngoại giao.
Không chỉ có cuộc chuyển giao quyền lực ở Philippines vào tháng 5 tới, mà Trung Quốc cũng đang chuẩn bị bước vào Đại hội Đảng lần thứ XX vào cuối năm nay. Ngồi lại ở ghế Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung quốc, Tập Cận Bình tham vọng sẽ tiếp tục tái cử vào Đại hội XXI, tức là năm 2027. Ông Tập thực tâm muốn ngồi ghế lãnh đạo suốt đời. Đúng như Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói với Tập: “Ông là Chủ tịch trọn đời và do đó ông là vua”.
Trước một kỳ Đại hội quan trọng như thế, Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Bắc Kinh cần phải ổn định tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là mong muốn một Biển Đông tạm thời lắng dịu. Muốn thế thì phải “gác tranh chấp cùng khai thác”, phải tìm cách nhổ đi cái gai sắc nhọn, nguy hiểm nhất, đó là Manila. Chiến lược và sách lược ngoại giao đã rõ, Bắc Kinh đang “mềm” hơn bất cứ bao giờ và mong Philippines lựa chọn được một Tổng thống mới chí ít cũng không chống trả Trung Quốc quyết liệt như ông Duterter ở cuối nhiệm kỳ.
H.Đ