Từ đầu tháng 4 đến nay mực nước sông Mê Kông luôn ở trong tình trạng “báo động đỏ”, tăng giảm bất thường theo sự đóng – xả của các đập thủy điện. Tác động tiêu cực của nó đến vùng hạ nguồn và ĐBSCL là không thể đo lường hết.
“Bất thường” là từ ngữ được dùng nhiều nhất để diễn tả mực nước sông Mê Kông trong mùa khô năm 2022. Trong những bản tin của cả Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) và Dự án theo dõi tác động của các đập thủy điện đến sông Mê Kông – Mekong Dam Monitoring (MDM) luôn nhấn mạnh đến sự bất thường này.
Cụ thể, MDM ghi nhận tuần đầu tiên của tháng 3 các đập thủy điện xả gần 1 tỉ mét khối nước xuống hạ nguồn làm mực nước sông Mê Kông tăng mạnh. Tuần tiếp theo tăng rất mạnh khi có đến 16/45 đập đồng loạt xả nước; riêng đập Nọa Trác Độ và Tiểu Loan (cùng của Trung Quốc) đã xả tổng cộng 2 tỉ mét khối nước khiến vùng hạ lưu sông Mê Kông ghi nhận mực nước nhiều nơi tăng 2 m so với dòng chảy tự nhiên của trung bình nhiều năm.
Sự bất thường của dòng nước sông Mê Kông trong những ngày đầu tháng 4 là sự tăng giảm đột ngột với biên độ phổ biến từ 0,5 – 1 m.
Cảnh báo nhiều nhất trong lịch sử
Ngày 20.4, MDM gửi thông tin cảnh báo: Việc xả nước nghiêm trọng từ các đập ở thượng nguồn của Trung Quốc sẽ khiến mực nước sông tại Chiang Saen (Thái Lan) tăng ít nhất 1,6 m từ sáng 20.4 và đạt đỉnh vào cuối ngày 21.4. Đây là lần thứ 9 kể từ đầu tháng 4 MDM phát đi thông tin cảnh báo về sự biến động bất thường của dòng Mê Kông. Trong 8 lần cảnh báo trước đó, có 3 lần ghi nhận mực nước sông biến động tăng hoặc giảm với biên độ trên 1 m; 5 lần còn lại biên độ trên 0,5 m. Đây là số lần cảnh báo được phát ra nhiều nhất trong lịch sử tính theo từng tháng kể từ khi MDM triển khai dự án theo dõi sự hoạt động của các đập thủy điện vào tháng 12.2020.
“Điểm yếu của nông dân VN trước nay là vẫn theo tư duy cũ, ít chịu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gây lãng phí rất lớn về tài nguyên nước và phân bón. Trong khi các mô hình sản xuất lúa thông minh, tiết kiệm nước, phân bón, giống được truyền thông rất nhiều nhưng ít người áp dụng” GS Võ Tòng Xuân, Trường ĐH Nam Cần Thơ
Những kết quả này cũng trùng khớp với các số liệu được sử dụng trong các bản tin hằng tuần của MRC. Ngoài 11 đập thủy điện thượng nguồn của Trung Quốc gây tác động chính thì các đập thủy điện của Lào như: Nam Theun 2, Nam Ngum 1 và Nam Ngum 2, Xe Pian Xenamnoy… cũng đóng góp đáng kể vào sự biến động của mực nước sông Mê Kông. Việc xả nước của các đập thủy điện khiến mực nước sông dâng lên cao hơn mức nước của dòng chảy tự nhiên. Nhiều thời điểm, tại Chiang Saen có 66% lượng nước vượt mức theo mô hình dòng chảy tự nhiên của Eyes on Earth và tại Viêng Chăn (Lào) lượng nước vượt mức là 30%. Còn việc giữ lại nước tại các đập trong tuần từ 11 – 17.4 đã giảm lượng nước vượt mức so với dòng chảy tự nhiên tại Chiang Saen từ 89% xuống còn 43%.
Theo MDM, hiện tại các đập thủy điện của Trung Quốc dung tích hữu ích vẫn còn 58%, các đập của Lào còn 36%. Các đập này sẽ tiếp tục xả phần dung tích hữu ích này để phát điện trong thời gian tới, gây ra nhiều bất thường về mực nước sông Mê Kông. “Những sự thay đổi thường xuyên và nghiêm trọng về mức độ này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản ở hạ nguồn, những vùng đất ngập nước và các cộng đồng sống dựa vào sông Mê Kông”, MDM nhận định.
ĐBSCL tan rã nhanh hơn
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái ĐBSCL, người đã dành cả đời để nghiên cứu và cũng là khách mời thường xuyên của Trung tâm Stimson về chủ đề sông Mê Kông, nhận xét: Nước sông Mê Kông mùa khô 2022 cao hơn bình thường là do mùa mưa các đập thủy điện tích nước rất nhiều. Bằng chứng là từ tháng 8 – 12.2021, dù lượng mưa trong lưu vực khá bình thường nhưng mực nước sông Mê Kông lại thấp hơn bình thường. Theo MDM, từ tháng 12.2021, 45 con đập (11 của Trung Quốc và 34 đập chi lưu) gần như đều đầy. Đến mùa khô 2022 thì lượng nước tích hồi mùa mưa lũ được xả ra để phát điện, làm cho dòng chảy mùa khô cao hơn bình thường. Việc tích – xả này đơn thuần chỉ vì lợi ích các nhà đầu tư đập chứ không phải vì lợi ích chung của cộng đồng dân trong lưu vực. Tác động tích cực của việc xả nước trong mùa khô là làm giảm hạn mặn cho vùng ven biển ĐBSCL, còn tác động tiêu cực thì rất nhiều, ảnh hưởng lâu dài và khó thấy hơn.
Thứ nhất, việc tích nước trong mùa lũ làm cho dòng chảy lũ bị yếu đi, không còn đủ sức để tải phù sa, bùn cát về ĐBSCL. Việc thiếu phù sa, cát thì sạt lở bờ sông, bờ biển ĐBSCL sẽ ngày càng gia tăng và không có cách gì để khắc phục. Trước mắt, cát sẽ ngày càng khan hiếm, không đáp ứng được nhu cầu xây dựng, giá tăng cao ảnh hưởng tới phát triển hạ tầng xây dựng nói chung và cả xây dựng dân dụng. Sạt lở dẫn tới tình trạng mất nhà cửa, tài sản, tính mạng của người dân ngày càng trầm trọng hơn. Về lâu dài, sạt lở sẽ làm tan rã đồng bằng nhanh hơn, đe dọa chính sự tồn tại của ĐBSCL.
Thứ hai, việc tích nước mùa lũ như vậy sẽ làm biến mất mùa lũ, làm đất đai bạc màu. Nguồn lợi thủy sản tự nhiên từ mùa lũ bị sụt giảm nghiêm trọng. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến sinh kế của rất nhiều người dân, đặc biệt là dân nghèo.
Thứ ba, việc xả nước trong mùa khô diễn ra từng đợt như thực tế chứng minh làm cho mực nước biến động bất thường tạo ra những tín hiệu giả của dòng sông, khiến hệ sinh thái bị rối loạn. Ví dụ giữa mùa khô mà nước dâng lên bất ngờ thì cá tôm sẽ tưởng là mùa nước đã tới nên bắt đầu bơi ngược dòng để sinh sản. Đến khi mùa nước thật đến lại không còn sinh sản được nữa.
Thứ tư, việc xả nước không liên tục mà lúc xả lúc đóng nên người dân cũng không biết để điều chỉnh mùa vụ cho phù hợp. Nhưng việc xả nước này là trong điều kiện bình thường, còn những năm khô hạn cực đoan thì các đập này sẽ đóng đập tích nước để chờ đầy nước mới hoạt động. Họ phát điện theo kiểu gián đoạn càng làm cho tình hình hạn mặn ở ĐBSCL nghiêm trọng hơn. “Nếu chỉ thấy tác dụng làm giảm hạn mặn trong mùa khô năm nay thì người ta dễ lầm tưởng là thủy điện thượng nguồn Mê Kông có tác dụng tốt cho ĐBSCL, trong khi về thực tế lâu dài nó tác hại rất nghiêm trọng. Chúng ta cần thấy hết bức tranh cho đầy đủ”, thạc sĩ Thiện nhấn mạnh.
Cần chủ động thích nghi
Sự bất thường của mực nước sông Mê Kông là vấn đề gây lo ngại cho ngành nông nghiệp. Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nói: Diễn biến mực nước năm nay lúc cao lúc thấp theo sự vận hành của các đập thủy điện thượng nguồn là điều rất đáng lo. Nhất là với vụ hè thu là vụ khó nhất trong năm vì điều kiện thời tiết không thuận lợi, thường xảy ra nắng nóng và thiếu nước đầu vụ. Năm nay đầu vụ nguồn nước lại phong phú do các đập thủy điện thượng nguồn xả mạnh, sau đó lại lúc đóng lúc xả làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân. Cục cũng theo dõi rất sát vấn đề nguồn nước để kịp thời khuyến cáo bà con nông dân, nhưng thật sự là chúng ta rất bị động. Trước thực tế đó, nông dân cần phải áp dụng các kỹ thuật canh tác mới, mô hình sản xuất thông minh để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
GS Võ Tòng Xuân, Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng: Ngoài tác động từ thủy điện Mê Kông của Trung Quốc và Lào, các dự án chuyển nước sang vùng đông bắc Thái Lan, ĐBSCL còn chịu sự tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Những sự tác động này chúng ta không thể đảo ngược hoặc can thiệp vì các nước luôn tối đa hóa lợi ích của họ. “Chúng ta phải thực tế về điều đó để chủ động thích nghi với điều kiện mới. Thích nghi một cách thông minh hơn và không lãng phí nước như trước kia”, GS Võ Tòng Xuân khuyến cáo. Theo ông Xuân, trước đây chúng ta bị tâm lý an ninh lương thực đè nặng. Toàn bộ các dự án thủy lợi và đất đai đều để phục vụ trồng lúa 3 vụ. Đem nước ngọt về vùng mặn, ngăn mặn giữ ngọt để trồng lúa… 1 ha lúa ở vùng ven biển cần đến mấy ngàn mét khối nước ngọt. Làm như vậy là không hiệu quả và không thông minh. Trong khi trồng lúa là một lĩnh vực vừa sử dụng nhiều nước và đóng góp phát thải khí nhà kính khá cao, yếu tố góp phần làm ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Chúng ta đã nhìn thấy được điều đó và đang chuyển đổi dần một cách thông minh hơn qua Nghị quyết 120. Vùng ven biển không cần ngọt hóa để trồng lúa nữa mà có thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản có lợi ích kinh tế gấp 4 – 5 lần trồng lúa. Vùng nước lợ (mặn ngọt theo mùa) có thể luân canh lúa – tôm. Còn lại vùng cặp biên giới với Campuchia, đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang không khi nào bị mặn xâm nhập với diện tích khoảng 1,5 triệu héc ta có thể “gánh” được an ninh lương thực cho cả nước. Còn lại vùng giữa, có thể đào mương, lên líp để trồng rau màu và cây ăn trái. Kênh mương có thể dùng để tích nước trữ ngọt dùng vào mùa khô để chống hạn. Phân vùng sản xuất theo kiểu thuận thiên như vậy chúng ta sẽ giảm áp lực về nhu cầu nước ngọt.
GS Võ Tòng Xuân phân tích: Điểm yếu của nông dân VN trước nay là vẫn theo tư duy cũ, ít chịu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gây lãng phí rất lớn về tài nguyên nước và phân bón. Trong khi các mô hình sản xuất lúa thông minh, tiết kiệm nước, phân bón, giống được truyền thông rất nhiều nhưng ít người áp dụng. Cần tổ chức lại theo mô hình hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, để từ đó dần đưa nông dân vào các quy trình sản xuất thông minh năng suất cao và hiệu quả kinh tế lớn.
T.P