Friday, January 10, 2025
Trang chủQuân sựĐằng sau thỏa thuận an ninh 'bí mật' TQ – Solomon

Đằng sau thỏa thuận an ninh ‘bí mật’ TQ – Solomon

Thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon đang gây ra làn sóng lo ngại lớn từ Mỹ, Úc và nhiều nước khác.

Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh năm 2019.

Khoảng 80 năm trước, lực lượng do Mỹ dẫn đầu đã chiến đấu với đế quốc Nhật trong nhiều tháng để giành lại đảo Guadalcanal, nơi đặt thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon ngày nay. Chiến dịch đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong Thế chiến 2 khi phe Đồng minh chuyển từ phòng thủ sang tấn công ở mặt trận Thái Bình Dương. 80 năm sau, Solomon ký kết với Trung Quốc một hiệp ước an ninh, bị các bên nghi ngờ có thể giúp Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở Nam Thái Bình Dương.

“Hành động của Trung Quốc ở Solomon nhắc nhở toàn bộ khu vực rằng chương trình nghị sự của Bắc Kinh là mở rộng ảnh hưởng và kiềm chế sức mạnh của Mỹ và các đồng minh”, ông Patrick Cronin, chuyên gia hàng đầu về châu Á – Thái Bình Dương tại Viện Hudson (Mỹ), trả lời Thanh Niên chiều qua.

Bí mật đàm phán

Tin đồn đã bắt đầu lan truyền trong chính giới ở Honiara từ tháng 8 năm ngoái. Ông Matthew Wale, lãnh đạo phe đối lập ở Solomon, cho biết thỏa thuận được đàm phán bởi một nhóm rất nhỏ các quan chức được Thủ tướng Manasseh Sogavare tin tưởng, nhưng được giữ bí mật với tất cả những người khác.

Đến tháng 3 năm nay, một bản dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ trên mạng, gây sốc cho Mỹ và các đồng minh, cũng như ngay tại Honiara. Theo văn bản rò rỉ, Trung Quốc “có thể, theo nhu cầu của mình và với sự đồng ý của Solomon, cho tàu ghé cảng, tiến hành tiếp ứng hậu cần, cũng như dừng chân và quá cảnh ở Solomon”. Mỹ và Úc từ lâu đã lo ngại về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương. Bất cứ sự hiện diện nào của quân đội Trung Quốc đều có thể buộc Canberra và Washington phải thay đổi tính toán tại khu vực.

Sau vụ rò rỉ, Úc đã cử hai phái đoàn tới Honiara và trong tuần này, hai quan chức hàng đầu về chính sách của Mỹ tại khu vực cũng sẽ có mặt tại thủ đô của Solomon để ngăn cản. Song những nỗ lực ngoại giao này vẫn thành “công cốc”. Cuối ngày 19.4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thỏa thuận với Solomon đã chính thức được ký kết.

“Thất bại lớn nhất”

Nhà Trắng ngay lập tức tuyên bố Mỹ, Úc, Nhật và New Zealand chia sẻ quan ngại về thỏa thuận trên. Tại Úc, Thủ tướng Scott Morrison và Ngoại trưởng Marise Payne đang hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội. Một số người, bao gồm cựu Thủ tướng Kevin Rudd, nói đây là “thất bại lớn nhất về chính sách an ninh của Úc sau Thế chiến 2”. “Trung Quốc giờ đây có một căn cứ ngay trước cửa nhà chúng ta vì ông Morrison đã phớt lờ phản ứng của đảo quốc (Solomon) về vấn đề cắt giảm viện trợ và khí hậu”, ông Rudd viết trên Twitter. Solomon cách Úc khoảng 2.000 km.

Tiến sĩ Mark Harrison, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Tasmania (Úc) cho rằng thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Honiara là “thảm họa” đối với Canberra. “Úc đã đánh giá sai hoàn toàn tác động từ sự trỗi dậy của Trung Quốc vào đầu những năm 2010, việc tái xem xét chính sách thì diễn ra chậm chạp và phiến diện”, ông nói với Al Jazeera.

Trong khi đó, Thủ tướng Solomon nhiều lần bác bỏ những chỉ trích liên quan đến thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh và khẳng định Honiara không có kế hoạch cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân. Phát biểu trước quốc hội hôm qua, ông Sogavare nói hợp tác an ninh với Trung Quốc không nhằm vào bất cứ nước nào hay liên minh nào, mà xuất phát từ “tình hình an ninh trong nước” của chính Solomon. “Tôi yêu cầu tất cả các nước láng giềng, bạn bè và đối tác tôn trọng các lợi ích tối cao của Quần đảo Solomon và tôi đảm bảo rằng quyết định này sẽ không gây tác động bất lợi hay phá hoại hòa bình và ổn định ở khu vực”, ông nói.

Cạnh tranh Mỹ – Trung

Ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói thỏa thuận với Solomon “không nhắm vào nước thứ ba” và các đảo quốc Thái Bình Dương “không phải là sân sau của bất cứ ai”. Tháng trước, Ngoại trưởng Antony Blinken đã tới Honiara trong chuyến thăm Solomon đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ sau 37 năm. Tuần này, ông Kurt Campbell – điều phối viên Ấn Độ – Thái Bình Dương của Nhà Trắng và ông Daniel Kritenbrink – trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, cũng sẽ thăm Solomon.

Cũng trả lời Thanh Niên chiều qua, nhà nghiên cứu Denghua Zhang (Trường Châu Á – Thái Bình Dương thuộc ĐH Quốc gia Úc) cho rằng hiện vẫn còn sớm để khẳng định hiệp ước an ninh với Solomon là “chiến thắng cho Trung Quốc”. Đến lúc này, chưa có bất kỳ nội dung chi tiết nào của thỏa thuận đã ký được công bố và lo lắng lớn nhất rằng Bắc Kinh có thể xây căn cứ quân sự ở Solomon vẫn đang là suy đoán.

Trong khi đó, theo chuyên gia Cronin, Mỹ và Úc giờ đây phải tăng cường hỗ trợ cho các quốc đảo Thái Bình Dương và Đông Nam Á nhằm có các giải pháp thay thế tốt hơn để phát triển mà “không phải trả giá bằng chủ quyền”, ông nói. “Chúng ta có thể sẽ thấy những hành động cụ thể vào cuối tuần này và tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Mỹ – ASEAN ở Washington D.C, cũng như hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo Bộ Tứ (Mỹ – Nhật – Ấn – Úc) ở Tokyo vào tháng 5”, ông nhận định.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới