Ngày 20/04 China Radio International đăng bài phỏng vấn ông Dương Cảnh Khoa cán bộ về hưu thuộc phòng kỹ thuật của Đài Phát thanh – Truyền hình Trung Quốc và ông Trương Á Quang cán bộ về hưu của cục khai thác quặng Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông Trung Quốc. Trong bài phỏng vấn này hai ông đã bịa ra 2 số liệu: Từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 8 năm 1973 Trung Quốc đã điều động 320.000 binh sỹ thuộc các quân chủng sang giúp miền Bắc Việt Nam.
Trong thời gian 3 năm 7 tháng họ đã tác chiến 558 lần, bắn rơi 597 chiếc máy bay và bắn trúng 479 máy bay Mỹ. Đây là sự bịa đặt hoàn toàn. Trong tất cả tài liệu lịch sử của Trung Quốc từ trước tới nay chưa bao giờ đưa ra hai số liệu nói trên. Không hiểu đài Phát thanh – Truyền hình Trung Quốc đưa thông tin nói trên vào thời điểm hiện nay mà không hề có căn cứ để nhằm mục đích gì.
Để làm rõ sự thật, chúng tôi xin điểm lại sự giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với những toan tính của Bắc Kinh.
Năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đúng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dân Việt Nam đã vùng lên giành chính quyền từ tay phát xít Nhật khi sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Năm 1946 Việt Nam thực hiện Tổng tuyển cử bầu chính phủ hợp hiến đầu tiên.
Cũng thời gian đó Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa giành được chính quyền còn đang phải chiến đấu cam go với chính quyền Trung Hoa Dân quốc. Từ năm 1946 đến năm 1949 mặc dù trong điều kiện phải kháng chiến chống lại thực dân Pháp nhưng Việt Nam đã tích cực ủng hộ cuộc chiến đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việt Nam đã cử tướng Nguyễn Sơn dẫn đầu đoàn quân thực hiện Thập vạn đại sơn giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại Quốc Dân Đảng.
Năm 1949, cách mạng Trung Quốc thành công, lập lên nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Năm 1950, Việt Nam mở chiến dịch biên giới thắng lợi, biên giới Việt – Trung được khai thông cách mạng hai nước có điều kiện hỗ trợ nhau nhiều hơn.
Biết Đảng Cộng sản Trung Quốc mới giành chính quyền còn đang khó khăn Việt Nam đã nhờ Liên Xô viện trợ vũ khí, đặc biệt là pháo và xe cơ giới. Liên Xô đã yêu cầu Trung Quốc chuyển vũ khí cho Việt Nam kịp thời đánh Pháp và Liên Xô sẽ chuyển vũ khí cho Trung Quốc sau. Thực hiện yêu cầu của Liên Xô, Trung Quốc đã giúp Việt Nam huấn luyện pháo binh, đào tạo lái xe… Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc còn cử chuyên gia quân sự sang giúp Việt Nam. Nhưng Việt Nam luôn nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tuân trọng ý kiến của chuyên gia, nhưng thực hiện cách đánh của Việt Nam nên đã giành thắng lợi.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam trở thành tiền đồn của phe xã hội chủa nghĩa thắng lợi chủ nghĩa thực dân mới. Tất cả các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đều có trách nhiệm giúp Việt Nam chống Mỹ. Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa láng giềng đã giúp Việt Nam khá nhiều từ quân trang, lương thực đến súng bộ binh, pháo binh, xe tăng, những vũ khí thông thường. Còn Liên Xô đã giúp Việt Nam các vũ khí hiện đại như tên lửa, máy bay, pháo phòng không, xe tăng hạng nặng.
Các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên thế giới đều muốn giúp đỡ để Việt Nam thắng Mỹ và thống nhất đất nước. Còn Trung Quốc giúp Việt Nam với những toan tính riêng.
Trung Quốc từng đưa quân giúp Triều Tiên chống Mỹ nhưng dừng lại ở việc chia cắt Triều Tiên làm 2 miền Nam – Bắc. Năm 1954 cũng chính Trung Quốc đã ép Việt Nam chấp thuận lấy vĩ tuyến 17 chứ không phải 21, chia cắt 2 miền Nam – Bắc Việt Nam tại Hội Gionever. Khi Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hoà vi phạm hiệp định Gionever đàn áp cách mạng Việt Nam, Việt Nam buộc phải tiến hành đấu tranh vũ trang thì Trung Quốc khuyên Việt Nam kiên quyết kháng chiến giành độc lập , thống nhất đất nước, Trung Quốc lại có toan tính khác. Khi Mỹ mở rộng chiến tranh, ào ạt đưa máy bay đánh phá miền Bắc, Trung Quốc đề nghị được đưa quân sang giúp Việt Nam, nhưng hiểu rõ toan tính của Trung Quốc Việt Nam kiên quyết từ chối. Nếu như lúc đó Việt Nam chấp thuận cho quân đội Trung Quốc vào miền Bắc Việt Nam thì đất nước có thể đã không được thống nhất.
Năm 1974, để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công giải phóng miền Nam, lãnh đạo Việt Nam đã gặp lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc để thăm dò ý kiến. Liên Xô nhiệt tình ủng hộ còn Trung Quốc thì “băn khoăn”. Cũng năm đó Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Không khuất phục được Việt Nam, năm 1979 Trung Quốc tiến hành chiến tranh trên toàn tuyến biên giới Việt Nam. Trước nguy cơ bị thất bại, Trung Quốc rút quân với tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”. Từ đó đến nay Trung Quốc tiếp tục đánh chiếm nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hai nước đã bình thường hoá quan hệ, Việt Nam muốn xây dựng lại tình hữu nghị, nhưng Trung Quốc luôn xuyên tạc cuộc chiến chống xâm lược của Việt Nam năm 1979, cho rằng Việt Nam “vô ơn”. Gần đây Trung Quốc cho xây dựng cả phim về chiến tranh biên giới bóp méo lịch sử.
Trên mạng thông tin điện tử còn nói nhiều người lính Trung Quốc đã phải hy sinh cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Việt Nam luôn trân trọng sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng hãy hỏi có bao nhiêu người Việt Nam đã phải chết trong các cuộc tàn sát của chế độ diệt chủng ở Campuchia dưới sự bảo trợ của Trung Quốc và trong cuộc xâm lược biên giới năm 1979. Có bao nhiêu người lính của Việt Nam khi bảo vệ chủ quyền trên đất liền, trên biển đảo khi Trung Quốc xâm lược.
Lịch sử không thể bị xuyên tạc, ân nghĩa cần được trân trọng, tình hữu nghị là điều mà nhân dân hai nước luôn mong muốn.
H.L