Friday, January 17, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNghệ thuật làm bạn với cả hai phe đối lập của Ấn...

Nghệ thuật làm bạn với cả hai phe đối lập của Ấn Độ

Chỉ trong vài tuần qua đã có những khác biệt đáng kể, khi Ấn Độ nhận được nhiều quan tâm của phương Tây vì quan hệ với Nga.

Điều đó không chỉ do quốc gia Nam Á này từ chối chỉ trích Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, mà việc mua dầu mỏ giá rẻ hơn từ Nga bị cho là sẽ làm suy yếu các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp với Mátxcơva.

Nhà Trắng thể hiện rõ sự không hài lòng, gọi Delhi là “hơi run rẩy” và nói về “sự thất vọng” của mình.

Sau đó, giọng điệu của phương Tây thay đổi đột ngột. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Narendra Modi trong tháng này, tất cả đều là những lời lẽ ngoại giao và tán dương về “mối liên hệ sâu sắc giữa hai nhân dân” và “những giá trị cùng chia sẻ”. Sau đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đến New Delhi để bàn về thương mại và đề cao “những khác biệt” liên quan đến Nga.

Tuy nhiên, quan điểm của Ấn Độ về vấn đề Ukraine vẫn vậy. New Delhi mua dầu mỏ với giá chiết khấu từ Nga với số lượng nhiều hơn trước, và vẫn im lặng về chiến dịch quân sự của Mátxcơva. Mới đây nhất, vào ngày 7/4, Ấn Độ bỏ phiếu trắng cho nghị quyết tại Liên Hợp quốc về việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng nhân quyền.

Các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ vừa “dạy” cho phương Tây một bài học về ngoại giao quốc tế.

Mỹ coi Trung Quốc là mối đe doạ lớn hơn Nga, và Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Vì thế, phương Tây đã tự “cắn vào lưỡi mình”.

GS Harsh V. Pant, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại trường King’s College London, cho rằng Mỹ đã nhận ra rằng họ phải coi Ấn Độ là “một đối tác mới cần được quan tâm”.

Một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc là đưa Ấn Độ vào cùng nhóm với cả Nhật và Úc trong khuôn khổ Bộ tứ để phối hợp hành động.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng có mối lo riêng về Trung Quốc, nhất là vì tranh chấp trên biên giới và tham vọng dưới Ấn Độ Dương. Trong khi đó, Ấn Độ phụ thuộc vào Nga về vũ khí.

Mối bận tâm chung về những tham vọng của Trung Quốc được thể hiện rõ ràng sau cuộc gặp của hai ông Biden và Modi, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo rằng Bắc Kinh đang tìm cách “tái tạo lại khu vực và hệ thống quốc tế”, và rằng Mỹ cùng Ấn Độ đã “tìm ra những cơ hội mới để mở rộng hoạt động, hợp tác giữa hai quân đội”.

Đó là dấu hiệu cho thấy, bất kể khác biệt trong quan điểm về Ukraine, Mỹ và Ấn Độ “hiểu biết sâu sắc về quan điểm của nhau”, ông Manoj Kewalramani, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Takshashila ở Ấn Độ, nói với CNN.

Những quan ngại đó giải thích vì sao Washington tiếp tục chỉ trích quan điểm của Trung Quốc về chiến dịch của Nga ở Ukraine, nhưng trở nên im lặng với Ấn Độ, trong khi Bắc Kinh và New Delhi có quan điểm tương đồng về cuộc xung đột.

Cả hai đều có quan hệ chiến lược với Nga mà họ không muốn để mất.

Hồi tháng 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quan hệ giữa hai nước “không có giới hạn”, trong khi ước tính cho thấy Ấn Độ mua khoảng 50% vũ khí và thiết bị quân sự từ Nga.

Tuy nhiên, những tương đồng này chỉ là bề ngoài. Các chuyên gia cho rằng có nhiều khác biệt lớn.

Trung Quốc chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây và cáo buộc Mỹ cùng NATO gây ra xung đột. Còn Ấn Độ tránh chỉ trích NATO và hạ thấp khác biệt với Mỹ.

Thủ tướng Modi đã có điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong khi lãnh đạo Trung Quốc chưa làm điều đó. Ấn Độ cũng chỉ trích mạnh mẽ hơn những cáo buộc tội ác chiến tranh.

Lôi kéo từ mọi phía

Theo giới phân tích, Mỹ có thể đang nhận ra rằng quan hệ của Ấn Độ vớ Nga trong lịch sử đã đi theo một hướng rất khác so với phương Tây. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh rằng quan hệ của Ấn Độ với Nga “đã phát triển qua nhiều thập kỷ, vào thời gian Mỹ chưa phải một đối tác của Ấn Độ”.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ thực hiện chính sách không liên kết. Tuy nhiên, New Delhi nghiêng về phía Liên Xô trong những năm 1970, khi Mỹ bắt đầu viện trợ quân sự và tài chính cho Pakistan.

Đó cũng là khi Nga bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ấn Độ, và Ấn Độ phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực này cho đến tận ngày nay.

Các chuyên gia cho rằng tất cả những điều này khiến Ấn Độ đang “bị lôi kéo từ mọi phía”. Mátxcơva vẫn muốn bán dầu mỏ cho Ấn Độ với giá chiết khấu. Trong chuyến thăm New Delhi đầu tháng này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khen ngợi Ấn Độ vì không nhìn cuộc chiến ở Ukraine “theo đường 1 chiều”.

Phương Tây cũng đang cố gắng lôi kéo Ấn Độ về phe mình. Thương mại song phương của Ấn Độ với Mỹ đạt hơn 110 tỷ USD, trong khi với Nga chỉ khoảng 8 tỷ USD. Trong những năm gần đây, Ấn Độ còn trở thành một khách hàng lớn của các nhà sản xuất vũ khí Mỹ.

Dẫu vậy, cuộc gặp của ông Biden với Thủ tướng Modi có vẻ vẫn thể hiện một chút bất an. Tổng thống Mỹ thúc giục người đồng cấp Ấn Độ không tăng cường mua dầu của Nga mà đề xuất giúp để Ấn Độ mua từ nguồn khác.

Vì thế, có vẻ Ấn Độ được đánh giá là đang đạt sự cân bằng ấn tượng trong quan hệ với 2 đối tác quan trọng.

RELATED ARTICLES

Tin mới