“Cơ quan Điều phối An ninh, Công lý và Hòa bình Philippines (SJPCC) đã đình chỉ mọi hoạt động thăm dò trong các khu vực tranh chấp ở Biển Đông”. Thông tin này được Martin Andanar, phát ngôn viên của của ông Duterte – tổng thống Philippines – cho biết hôm 20/4, đã và đang làm dư luận Philippines nổi sóng.
Nổi sóng trước hết vì lẽ ra, cùng với thông báo, văn phòng của ông Duterte phải giải thích rõ lý do để người dân được tường tận.
Vậy mà không!
Bức xúc thứ hai, và đây mới là điều quan trọng nhất: bất luận vì lý do gì, thì việc dừng hoạt động thăm dò dầu khí khó mà khiến người dân Philippines có thể chia sẻ và đồng tình. Ngay một cơ quan thuộc chính phủ, là Bộ Năng lượng, cũng phản đối quyết liệt. Bộ này cho rằng, khảo sát địa vật lý ngay cả trong vùng biển tranh chấp, theo luật pháp quốc tế, cũng được coi là hợp pháp kia mà, huống chi, trong sâu thẳm, hẳn chăng một người dân Philippines nào nghĩ rằng, họ đang khảo sát trong một vùng biển tranh chấp. Cái gọi là tranh chấp thực ra khó có thể có, nếu Trung Quốc không thò ra cái “đường 9 đoạn” mà Tòa trọng tài PCA đã gần như bác bỏ toàn bộ?
Tiếng nói của một cơ quan chuyên trách như Bộ Năng lượng, trong trường hợp này, càng khiến dư luận Philippines khó chịu. Nó làm bùng phát trở lại những định kiến về một ông Duterte “ươn hèn” trước Trung Quốc. Đặc biệt, câu chuyện càng phức tạp hơn trước thông tin của giới truyền thông về việc Bắc Kinh đã cho một tàu hải cảnh bám đuôi các tàu khảo sát của Philippines. Nếu vậy, đích thị rồi, đây mới là nguyên nhân chính khiến ông Duterte phải hối hả ra lệnh cho các tàu khảo sát Philippines dừng lại việc thăm dò. Một khi đã cho là như thế, không còn là sự bức xúc nữa, người dân Philippines không thể không trút vào ông Duterte sự phẫn nộ. Đồng thời, một lần nữa, ấn tượng về ông Duterte như một nhà lãnh đạo bạc nhược, hằn sâu thêm trong tâm trí người dân Philippines.
Suy cho cùng, ông Duterte đừng nên trách dư luận, người dân tệ bạc với ông ngay cả trong những tháng ngày cuối cùng của nhiệm kỳ. Trách nhiệm của một nhà lãnh đạo đất nước như ông Duterte thật nặng nề. Ngồi vào các ghế sang trọng và quyền lực đó, khó ai có thể tự tin rằng, mình sẽ không sai sót. Cử tri Philippines hiểu và sẵn sàng chia sẻ, thể tất điều đó, miễn ông Duterte không làm thế một cách vụ lợi. Nhưng cử tri cũng hiểu rằng: với một nhà lãnh đạo tối cao, bản lĩnh và sự cứng rắn để bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước trong mọi tình huống, là điều quan trọng nhất. Vậy mà ông Duterte, từ khi bắt đầu ngồi vào ghế tổng thổng cho đến những tháng ngày cuối nhiệm kỳ đang diễn ra, với những gì đã thể hiện, đều ngược lại. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nếu thật sự cầu thị và tỉnh táo, ông Duterte hãy thử kiểm điểm lại mình đã làm những gì thể hiện là một nhà lãnh đạo khí phách trước Trung Quốc – quốc gia đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough năm 2012 từ tay Philippines, và từ đó đến nay, luôn gây hấn với Philippines và các nước phản đối yêu sách “đường chín đoạn” nuốt trọn Biển Đông một cách ngang ngược.
Ngồi vào chiếc ghế tổng thống, ông Duterte đã phát huy được thắng lợi của Philippines trước Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông tại Tòa trọng tài (PCA) với phán quyết năm 2016 ư? Không! Ông đã lờ đi thì có.
Ngồi vào ghế tổng thống, ông Duterte đã kiên quyết đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại các vùng biển mà Philippines khẳng định chủ quyền ư? Không! Ngược lại, ông theo đuổi một kế hoạch về cái gọi là “khai thác chung” với Trung Quốc, bất chấp cảnh báo của dư luận.
Ngồi vào ghế tổng thống, Duterte đã kiên quyết bảo vệ quyền đánh cá của ngư dân Philippines trên các ngư trường truyền thống ư? Không. Nhắc đến điều này, dư luận sao có thể quên, thậm chí vẫn lấy làm xấu hổ về thái độ còn tệ hơn cả nửa vời, khi ông Duterte tỏ ra đồng lõa với Bắc Kinh về cái gọi là “sự cố hàng hải”, bất chấp thực tế tàu Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở bãi Cỏ Rong hồi tháng 6/2019 làm 22 ngư dân Philippines suýt mất mạng…
Thậm chí, tháng 5/2021, ông Duterte còn “cấm” các thành viên chính phủ “không bàn công khai về Biển Đông sau khi các bộ trưởng lên án Trung Quốc cho hàng trăm tàu neo đậu tại khu vực bãi Ba Đầu, trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.
Đành là làm việc đó, ông Duterte vin vào chuyện kiềm chế để tranh thủ nguồn viện trợ kinh tế khồng lồ từ Trung Quốc. Nhưng, cho tới nay, cơ bản, ánh sáng kim tiền vẫn chỉ lấp lánh từ xa như một thứ mồi nhử; tiền mà Philippines sờ thấy thực sự nào được mấy nỗi?,v.v…
Thế nên, lần này, việc đình chỉ hoạt động thăm dò dầu khí ở đang tiến hành trên Biển Đông – như thông báo của người phát ngôn của ông Duterte, người Philippines mà không cả giận ông Duterte mới là lạ
T.V