Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang bước sang giai đoạn thứ 2 với quy mô chiến trường thu hẹp tại khu vực Donbass, miền Đông nhưng mức độ khốc liệt gia tăng.
Cả hai bên đều tăng cường huy động vũ khí và quân đội, khiến hy vọng về việc đạt được một thỏa thuận hòa bình trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Nga không còn dàn mỏng lực lượng
Sau khi tiến đánh khu vực phía Bắc và thủ đô Kiev, quân đội Nga đã thu hẹp mục tiêu, tập trung vào Donbass. Không còn chiến đấu tại các trung tâm đô thị đông đúc, lực lượng của Nga và Ukraine đang đối đầu trên những vùng đất nông nghiệp rộng lớn, xen kẽ là những thị trấn và thành phố nhỏ hơn, thưa dân hơn. Bối cảnh này gợi nhớ đến các trận địa trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Thay vì dàn mỏng lực lượng, quân đội Nga và phe ly khai được triển khai dọc theo một chiến tuyến tiếp giáp có hình dáng giống boomerang. Trận địa này có điểm xuất phát từ phía bắc Kharkiv đến thành phố Izyum, bao quanh biên giới phía Đông của Ukraine và trải dài dọc theo bờ biển phía Nam nước này đến Kherson.
Các chuyên gia cho rằng, 2 yếu tố đó đã đưa Nga vào một vị trí thuận lợi hơn so với giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến, ngay cả khi quân đội của Nga ít được nghỉ ngơi và phía Ukraine được tăng cường viện trợ vũ khí hiện đại và công nghệ quân sự từ Mỹ và châu Âu.
Ông Rob Lee – cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ, hiện là chuyên gia nghiên cứu quân sự Nga tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia nhận định: “Ngay từ khi cuộc chiến bắt đầu, Nga đã quyết định tiến đánh từ nhiều phía, nhằm làm suy yếu khả năng của quân đội Ukraine”.
Chuyên gia này lưu ý, cán cân trên chiến trường đã thay đổi. Nga có lợi hơn về quân số so với Ukraine, có lợi về pháo binh, xe tăng các các vũ khí hạng nặng, đặc biệt khi giao tranh diễn ra tại những vùng đồng bằng rộng lớn. Còn tại các thành phố, phương tiện thiết giáp sẽ kém hiệu quả và các đội quân lớn thường phải đối mặt với những cuộc tấn công du kích chớp nhoáng.
Bên cạnh đó, quân đội Nga cũng có lợi thế khi di chuyển trên lãnh thổ do phe ly khai Ukraine kiểm soát – những người đã tuyên bố nắm giữ gần 1/3 khu vực Dobass trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
John Arterbury, chuyên gia an ninh châu Âu tại Navanti nhận định, Nga sẽ không phải đối phó với những trở ngại liên quan đến việc cung cấp hậu cần mà nước này gặp phải như trong giai đoạn đầu của chiến dịch, khi Moscow huy động tới 190.000 quân dọc theo biên giới Ukraine.
“Các lực lượng của Nga tại Donbass có thể tiếp nhận nhu yếu phẩm và vũ khí trực tiếp từ các khu vực ly khai và các đơn vị ở biên giới mà không cần thông qua Belarus hoặc các khu vực khác. Tuyến đường cung cấp hậu cần ngắn hơn sẽ cho phép họ dễ dàng kết nối hơn”, ông John Arterbury nói.
Theo các nhà phân tích, dù cuộc tấn công lớn ở Donbass đã bắt đầu nhưng cho đến nay vẫn chưa có trận chiến xe tăng lớn nào. Tại Severodonetsk – khu vực cực Đông hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Ukraine. Ông Andrey – một quan chức của Ukraine cho biết, Nga đã gia tăng sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong nhũng ngày gần đây với 100 xe bọc thép và triển khai lực lượng đặc nhiệm ở Kreminna – thị trấn đầu tiên mà Moscow giành quyền kiểm soát kể từ khi giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự bắt đầu.
Quân đội Nga cũng tăng cường sử dụng pháo binh và máy bay không người lái. “Trước đây, họ cố gắng di chuyển thật nhanh. Nhưng giờ họ đang đi chậm lại và chuẩn bị các công sự – dấu hiệu cho thấy cuộc chiến có thể sẽ kéo dài”, ông Andrey lưu ý.
Ukraine củng cố hệ thống phòng thủ
Để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, Ukraine đang củng cố hệ thống phòng thủ trong khu vực, dựa trên sự hiện diện của các lực lượng sẵn có tại Donbass được triển khai kể từ khi giao tranh với phe ly khai nổ ra. Cuộc xung đột kéo dài 8 năm qua tại miền Đông đã giúp quân đội Ukraine tạo ra trận địa vững chãi và có được những kinh nghiệm đáng kể trên chiến trường.
Những ngày gần đây, các đoàn xe chở vũ khí hạng nặng, bao gồm pháo, xe tăng, xe phóng tên lửa và các phương tiện bọc thép khác đã xuất hiện trên đường phố Kramatorsk, Slovyansk và Lyman.
Quân đội Ukraine đã áp dụng các chiến thuật tương tự như chiến thuật họ sử dụng trong cuộc chiến tại Kiev: phá hủy các cây cầu, tạo ra những rào cản trên các tuyến đường cao tốc và che khuất những biển báo đường bộ để khiến quân đội đối phương nhầm lẫn.
Phía Ukraine cũng đào hào trên những cánh đồng cạnh các tuyến đường cao tốc lớn, để ngăn thiết giáp Nga di chuyển, dù những cơn mưa lớn trong mùa Xuân đã biến nhiều cánh đồng thành các vũng bùn lầy làm chậm đà tiến của các phương tiện hạng nặng.
Giới phân tích cho rằng, trận chiến tại Donbass sẽ gây thêm áp lực cho quân đội Nga – vốn đã phải chịu sự kháng cự mạnh mẽ trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công. Còn Ukraine sẽ phải chịu nhiều tổn thất về vũ khí, đặc biệt trong bối cảnh nước này không thể thay thế xe tăng và vũ khí hạng nặng với tốc độ nhanh như Nga do còn phụ thuộc vào viện trợ của phương Tây, ông Arterbury nhấn mạnh.
Kết quả cuộc chiến tại Donbass rất khó đoán, ngay cả với các chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về xung đột Ukraine. Rất có thể Nga sẽ thành công khi kéo Ukraine vào một loạt trận đánh cao điểm mà ở đó, lợi thế về máy bay và pháo binh mang ý nghĩa quyết định cho phép quân đội Nga bao vây lực lượng Ukraine và kiểm soát toàn bộ Donbass. Trái lại, Ukraine có thể ngăn chặn thành công các cuộc tấn công của Nga và tiến hành một cuộc phản công lớn, tận dụng nguồn nhân lực hiện có để giành lại các khu vực mà Nga đang kiểm soát. Không loại trừ khả năng hai bên sẽ rơi vào một cuộc chiến tranh hao người tốn của kéo dài suốt nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Hiện tại khi giao tranh diễn ra ác liệt, vẫn chưa thể biết trước tình huống nào sẽ có nhiều khả năng xảy ra nhất bởi điều đó phụ thuộc vào những diễn biến khó lường trên chiến trường. Ngay cả khi Nga hoặc Ukraine giành chiến thắng hoàn toàn tại Donbass thì tổn thất mà các bên phải chịu cũng không hề nhỏ.
Ukraine đang chịu tổn thất lớn cơ sở hạ tầng. Phân tích ban đầu của Trường Kinh tế Kiev hé lộ, các tổn thất vật chất của Ukraine kể từ đầu chiến dịch tấn công quân sự của Nga hiện vượt quá 68 tỷ USD, tương đương hơn 1/3 GDP đất nước năm 2021.
Về phía Nga, nền kinh tế đang bị kìm kẹp bởi các lệnh trừng phạt và có thể những biện pháp này sẽ leo thang trong những tuần tới. Châu Âu đã gia tăng đoàn kết chống lại Nga. Thụy Sỹ – quốc gia luôn giữ trung lập, lần đầu tiên tham gia áp đặt lệnh trừng phạt với Moscow. Thụy Điển và Phần Lan đều tiến tới gia nhập NATO.
“Thắng, thua hoặc hòa – quân đội Nga có thể sẽ mệt mỏi và đuối sức một khoảng thời gian sau trận chiến lớn này,” Michael Kofman, chuyên gia về quân sự Nga tại CNA, một tổ chức tư vấn của Washington nhận định.
T.P