Wednesday, January 1, 2025
Trang chủQuân sựMỹ cảnh báo TQ nếu đặt căn cứ quân sự ở Solomon

Mỹ cảnh báo TQ nếu đặt căn cứ quân sự ở Solomon

Phía Mỹ tuyên bố quan ngại về vấn đề đảo Solomon giữa lúc quốc đảo này kí một thỏa thuận bí mật với Trung Quốc.

Không loại trừ can thiệp quân sự

Theo The Guardian, một trong những quan chức cấp cao nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết sẽ không loại trừ hành động quân sự đối với Quần đảo Solomon nếu quốc đảo này cho phép Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự ở đó, nói rằng thỏa thuận an ninh giữa Solomon và Trung Quốc đã tạo ra “những tác động tiềm ẩn về an ninh khu vực” đối với Mỹ và các đồng minh khác.

Đại sứ Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, là thành viên của phái đoàn cấp cao Mỹ tới Solomon vào tuần trước.

Ông cho biết phái đoàn của Mỹ, cũng bao gồm điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương, Kurt Campbell, đã có một cuộc họp “mang tính xây dựng và thẳng thắn” kéo dài 90 phút với thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare, trong đó phía Mỹ đã nêu chi tiết những lo ngại về cuộc họp vừa được ký kết liên quan tới thỏa thuận an ninh với Trung Quốc.

Ông Kritenbrink nói: “Chúng tôi muốn phác thảo cho những người bạn của chúng tôi ở Solomons rằng mối quan tâm của chúng tôi là gì. Thủ tướng Sogavare chỉ ra rằng theo quan điểm của Quần đảo Solomon, thỏa thuận mà họ đã ký kết chỉ có ý nghĩa trong nước. Nhưng chúng tôi đã nói rõ rằng thỏa thuận có những tác động tiềm ẩn về an ninh khu vực không chỉ đối với chính chúng tôi mà còn đối với các đồng minh và đối tác trên toàn khu vực.”

Hôm 25/4, ông Kritenbrink nhắc lại Mỹ sẵn sàng hành động nếu một căn cứ quân sự được Trung Quốc thiết lập tại Solomon.

“Tất nhiên, chúng tôi tôn trọng chủ quyền Quần đảo Solomon, nhưng chúng tôi cũng muốn cho họ biết rằng nếu Trung Quốc thực hiện các bước thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài, tăng khả năng sức mạnh hoặc bố trí quân sự, thì chúng tôi sẽ coi đó là những mối lo ngại đáng kể và theo lẽ tự nhiên chúng tôi sẽ đáp lại những lo ngại đó,” ông nói.

Khi được hỏi phản ứng đó có thể liên quan gì, ông nói: “Tôi sẽ không suy đoán và tôi không có tư cách để nói về những gì Mỹ có thể làm hoặc không thể làm trong tình huống như vậy.”

Động thái của Mỹ

Khi được hỏi về việc liệu ông có loại trừ viễn cảnh Mỹ tiến hành hành động quân sự chống lại Quần đảo Solomon nếu một căn cứ hải quân của Trung Quốc được thành lập hay không, và nếu không, liệu ông có cảm thấy thoải mái với việc Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng căn cứ này là một “lằn ranh đỏ” với Australia hay không, đại diện Mỹ nói: “Tôi không muốn bổ sung gì ngoài những điều tôi đã nói trước đó”.

Trong một tuyên bố tuần trước, chính quyền ông Biden cho biết Mỹ sẽ “đáp trả tương xứng” nếu Trung Quốc được phép thiết lập sự hiện diện lâu dài trên quần đảo, đồng thời lưu ý đảm bảo từ Sogavare rằng ông không có ý định cho phép Trung Quốc đặt căn cứ quân sự.

Ông Kritenbrink cũng nhấn mạnh tham vọng quân sự của Trung Quốc, nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng trong bối cảnh này là cần nhớ rằng Trung Quốc đang tìm cách thiết lập một hệ thống hậu cần ở nước ngoài mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, họ cũng muốn đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho phép PLA [Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc] tăng cường và duy trì sức mạnh quân sự ở những khoảng cách xa hơn.

Vì vậy, chúng tôi muốn có cuộc trò chuyện thẳng thắn đó với những người bạn của chúng tôi ở Solomon. Chúng tôi đã nêu ra những mối quan tâm của mình… và chúng tôi cho biết rằng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình chặt chẽ và tiếp tục tương tác với họ trong tương lai.”

Văn bản của thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon là bí mật, mặc dù các nghị sĩ của Quần đảo Solomon đã kêu gọi thủ tướng công khai nội dung văn bản này.

“Tôi nghĩ rõ ràng là chỉ có một số rất ít người trong một nhóm rất nhỏ từng đọc được thỏa thuận này. Và bản thân thủ tướng đã công khai nói rằng ông ấy sẽ chỉ chia sẻ các chi tiết khi có sự cho phép của Trung Quốc, điều mà tôi nghĩ là một vấn đề đáng lo ngại,” ông Kritenbrink nói.

Tuy nhiên, một bản dự thảo của thỏa thuận đã bị rò rỉ trên mạng xã hội vào tháng trước và có các điều khoản cho phép Trung Quốc “thực hiện các chuyến thăm tàu, thực hiện bổ sung hậu cần và có điểm dừng chân và chuyển tiếp ở Quần đảo Solomon”.

Ông Kritenbrink nói rằng “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không có nhiệm vụ yêu cầu các quốc gia lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay bất kỳ ai khác” nhưng có quan tâm đến việc thúc đẩy “một tầm nhìn chủ động cho các lợi ích chung và các nguyên tắc mà chúng tôi tin là quan trọng đối với tất cả bạn bè của chúng tôi trên khắp khu vực”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới