Theo trang tin Sina của Trung Quốc, trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, có 5 nhân vật chủ chốt đang kiểm soát tình hình.
Xung đột giữa Nga và Ukraine đã kéo dài hai tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2.
Ngày 18/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, sau một thời gian dài chuẩn bị, quân đội Nga đã bắt đầu cuộc tấn công vào khu vực Donbass của Ukraine, và phần lớn quân đội Nga hiện đang tập trung tại Donbass.
Khi tình hình chiến sự ngày càng phức tạp, “cuộc chiến kinh tế” của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác nhằm vào Nga cũng liên tục leo thang.
Vậy trong cuộc xung đột này, ai là những nhân vật chủ chốt đang kiểm soát tình hình?
Tướng chỉ huy chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga
Theo trang tin Sina, vào khoảng ngày 11/4, xe tăng, pháo binh và binh sĩ của quân đội Nga đã rút khỏi khu vực xung quanh Kyiv và lần lượt di chuyển đến khu vực Donbass ở miền đông Ukraine. Cùng thời gian đó, Ukraine cũng bắt đầu gửi quân tiếp viện tới Donbass. Khi chiến trường chính của cuộc xung đột giữa hai bên chuyển sang miền đông Ukraine, phía Nga cũng đã thay đổi tướng chỉ huy chiến dịch quân sự đặc biệt.
Ngày 11/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức bổ nhiệm Đại tướng Alexander Dvornikov – Tư lệnh Quân khu phía Nam của Quân đội Nga – làm tướng chỉ huy chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Dvornikov, 60 tuổi, từng dẫn quân tham chiến ở Syria và có nhiều kinh nghiệm chỉ huy quân sự.
Vào tháng 9/2015, khi Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng Syria, ông trở thành tướng chỉ huy đầu tiên của lực lượng vũ trang Nga ở Syria.
Dvornikov đã được Điện Kremlin trao tặng danh hiệu danh dự Anh hùng Liên bang Nga vào năm 2016 vì thành tích chỉ huy quân sự xuất sắc trong thời gian ở Syria.
Tháng 9 cùng năm, Dvornikov được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu phía Nam của Quân đội Nga, phạm vi trách nhiệm của Quân khu này bao gồm cả trọng tâm chiến dịch quân sự hiện tại của Nga – khu vực Donbass ở miền đông Ukraine.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, Dvornikov là sự lựa chọn hợp lý trong giai đoạn mới của chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, vì ông là người hiểu rõ nhất về vị trí địa lý và chiến trường ở khu vực này, và ông cũng rất có năng lực trong việc điều phối quân trong một cuộc tấn công.
Ngoài ra, trang Sina cũng chỉ ra rằng, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, Dvornikov đã dẫn quân từ Crimea lên phía bắc và chiếm được một vùng rộng lớn ở miền nam Ukraine. Kể từ đó, ông đã liên tục giám sát quân đội ở miền nam và miền đông Ukraine.
Tổng tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Ukraine
Theo trang Sina, nếu những thành tích quân sự đáng kinh ngạc của Ukraine từ đầu cuộc chiến đến nay, bao gồm việc bảo vệ thủ đô Kyiv và hầu hết các thành phố lớn khác trước sự tấn công dữ dội của quân Nga, có thể được “tính công lao” cho một người, thì người này chính là Tổng tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny.
Ông Zaluzhny năm nay 49 tuổi, sinh ra trong một gia đình quân nhân. Ông từng theo học tại Viện Nghiên cứu Quân đội thuộc Học viện Quân sự Odessa và Học viện Quốc phòng ở Kyiv, hoàn thành chương trình học của mình vào năm 2007.
Zaluzhny liên tiếp giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Tác chiến Liên hợp các Lực lượng Vũ trang Ukraine, Phó Tư lệnh thứ nhất Bộ Chỉ huy Tác chiến Các Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Tháng 12/2019, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tác chiến phía Bắc Các Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Tháng 7 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn thấy sự hợp tác giữa các lực lượng vũ trang Ukraine và Bộ Quốc phòng nước này nên đã bổ nhiệm ông Zaluzhny làm Tổng tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Trang Sina cho biết, việc Zaluzhny được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh vốn đã là một phần của cuộc cải tổ lớn hơn đối với quân đội Ukraine. Bởi vì Zaluzhny và các tướng chỉ huy khác của Ukraine đã chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng tiềm tàng, lớn hơn kể từ cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014.
Ông Zaluzhny đã tự “mài dũa” bản thân ở vùng Donbass trong 8 năm. Và khi không ở trên tiền tuyến, ông lại tham gia các đợt huấn luyện, diễn tập trên khắp châu Âu, từ đó phát triển lối đánh trận khéo léo hơn. Zaluzhny từng nói rằng, quân đội Ukraine có rất nhiều quân nhân trẻ, chuyên nghiệp và các nhà lãnh đạo quân sự tương lai.
Vào tháng 9 năm ngoái, Zaluzhny tuyên bố rằng, ông đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công có thể xảy ra, và nói rằng: “Bây giờ, với tư cách là Tổng tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Ukraine, tôi chịu trách nhiệm chuẩn bị chiến đấu, huấn luyện và điều động quân đội”.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, Zaluzhny đã tránh hầu hết các cuộc phỏng vấn và rất ít khi xuất hiện trước công chúng, ngoại trừ những tuyên bố không thường xuyên trên mạng xã hội về sự tiến bộ của quân đội Ukraine. Trên các nền tảng mạng xã hội, một số người gọi ông là “Storm Norman” hay “Vị tướng thép bất phàm”.
Chỉ huy hậu trường “cuộc chiến kinh tế” của Mỹ
Trong vòng 2 tháng kể từ khi nổ ra xung đột Nga – Ukraine, các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu đã phát động “cuộc chiến kinh tế” khốc liệt nhằm vào Nga. Người chỉ huy hậu trường của các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga là Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Daleep Singh, 47 tuổi.
Daleep Singh sinh ra ở Olney, Maryland và định cư ở Bắc Carolina cùng gia đình khi lên 7 tuổi.
Ông cố của Singh là người Mỹ gốc Á đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ. Singh tốt nghiệp Đại học Duke với bằng Cử nhân kép về Kinh tế và Chính sách Công; sau đó là bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Kinh tế Quốc tế của Viện Công Nghệ Massachusetts và bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Trường Harvard Kennedy.
Singh dành phần lớn thời gian đầu sự nghiệp của mình tại Goldman Sachs – một ngân hàng đầu tư nổi tiếng, chịu trách nhiệm nghiên cứu lãi suất và thị trường ngoại hối, đồng thời là nhà quản lý đầu tư nổi tiếng ở Phố Wall.
Từ năm 2011 đến năm 2017, trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, Singh từng là Phó Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế và Quyền Trợ lý Bộ trưởng Thị trường Tài chính tại Bộ Tài chính Mỹ. Tại đây, ông đã giúp Bộ Tài chính nước này hoạch định hàng loạt chính sách đối phó với các cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Nga, Hy Lạp và Puerto Rico…
Singh cũng đóng vai trò quan trọng trong các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga sau cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014.
Kể từ đó, Singh là đối tác cấp cao và là Nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại SPX Capital – một công ty đầu tư toàn cầu. Tháng 2/2020, Singer chính thức gia nhập Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York với tư cách là thành viên ban chấp hành; giữ chức Trưởng phòng Thị trường, ông chịu trách nhiệm hoạch định một loạt chiến lược và chính sách tiền tệ khẩn cấp trong thời kỳ đại dịch.
Tháng 2/2021, Singh được bổ nhiệm làm Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, chịu trách nhiệm điều phối một loạt quyết sách cho chính quyền Tổng thống Joe Biden, từ khả năng phục hồi chuỗi cung ứng đến quản trị kinh tế và chống tham nhũng…
Chỉ huy “cuộc phản công tài chính” của Nga
Bà Elvira Nabiullina sinh năm 1963 tại Ufa, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Moscow năm 1986, chuyên ngành kinh tế.
Sau khi tốt nghiệp, Nabiullina liên tục làm việc trong lĩnh vực kinh tế và được nhiều người coi là một “nhà kỹ trị” có năng lực; từng công tác trong Ủy ban Cải cách Kinh tế của Liên minh Khoa học và Công nghiệp Liên bang Xô viết, Vụ Cải cách Kinh tế của Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Nga. Năm 1997, bà trở thành Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Nga.
Trong thời gian đầu cầm quyền của ông Putin, Nabiullina giữ chức Thứ trưởng thứ nhất về kinh tế và thương mại của Nga. Từ năm 2007 đến năm 2012, bà giữ chức Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Nga. Năm 2012, bà trở thành Trợ lý Kinh tế của Tổng thống Nga.
Tháng 6/2013, bà Nabiullina “bất ngờ” trở thành người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga, nữ thống đốc ngân hàng trung ương đầu tiên của một nước thành viên G8 (cựu diễn đàn của nhóm 8 cường quốc có nền công nghiệp hàng đầu của thế giới).
Năm 2014, Nga bị phương Tây trừng phạt vì cuộc khủng hoảng Crimea và phải đối mặt với việc đồng Rúp và giá dầu quốc tế giảm mạnh, khiến nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng.
Trong hai năm sau đó, Nabiullina đã một tay xúc tiến việc thiết lập hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi của Nga, làm giảm bớt áp lực lên dự trữ ngoại hối của Nga, hạ tỷ lệ lạm phát xuống mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô tan rã, và thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Nga. Chính thành tích này đã giúp bà trở nên nổi tiếng.
Dưới sự lãnh đạo của Nabiullina, Ngân hàng Trung ương Nga đã tiến hành hiện đại hóa và thiết lập kho dự trữ vàng và ngoại hối lớn nhất thế giới trị giá 640 tỷ USD, được mệnh danh là “pháo đài” tài chính của Nga. Ngoài ra, Nabiullina đã giúp nước Nga vượt qua một số cuộc khủng hoảng kinh tế và tạo dựng danh tiếng là một “thống đốc ngân hàng theo trường phái diều hâu”.
Trong gần 10 năm trở lại đây, khi đối đầu giữa Nga với phương Tây ngày càng căng thẳng, Nabiullina là một trong những người bạn trung thành nhất của Tổng thống Putin và được coi là nhân vật hàng đầu trong giới tài chính Nga.
Trong cuộc xung đột Nga – Ukraine lần này, thông qua “Lệnh thanh toán bằng đồng Rúp”, Nabiullina đã ngăn chặn thành công sự sụp đổ của hệ thống tài chính Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, và giúp đồng Rúp tăng mạnh trở lại bằng mức trước khi xung đột xảy ra.
Tháng 9/2016, Nabiullina đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng những thống đốc ngân hàng trung ương tốt nhất thế giới do tạp chí Tài chính Toàn cầu công bố.
Ngày 8/12/2020, Nabiullina lại một lần nữa xuất hiện trên bảng xếp hạng 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới hàng năm của tạp chí Forbes với vị trí số 57, trở thành đại diện duy nhất của Nga có mặt trong bảng xếp hạng năm thứ ba liên tiếp.
Người làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine
Tỷ phú người Nga Roman Abramovich – cựu chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Chelsea ở giải Ngoại hạng Anh – đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình Nga – Ukraine sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang.
Theo trang Sina, từ đầu tháng 3, Abramovich bắt đầu tham gia công tác điều phối tổ chức các cuộc hòa đàm Nga – Ukraine. Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã chấp thuận việc Abramovich tham gia công tác tổ chức các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine.
Theo đó, Abramovich “đã đi qua lại giữa Istanbul, Moscow và Kyiv” để chuyển các thông điệp cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Sau khi nổ ra xung đột Nga – Ukraine, giống như nhiều nhà tài phiệt Nga khác, tài sản của tỷ phú Abramovich đã bị đóng băng ở Anh và EU, và ông bị chính phủ Anh ép phải bán câu lạc bộ bóng đá Chelsea – nơi ông đã nắm quyền điều hành gần 20 năm – với một “giá thấp”.
Theo những người am hiểu vấn đề, lý do khiến Abramovich quyết định tham gia các cuộc hòa đàm là vì ông không muốn chứng kiến Ukraine – nơi mẹ mình sinh ra – phải chịu cảnh chiến tranh.
Ngoài ra, Abramovich được nhiều người coi là một trong những nhà tài phiệt thân cận nhất với Tổng thống Putin. Abramovich từng là Thống đốc Khu tự trị Chukotka trong 8 năm.
T.P