Wednesday, January 1, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLãng phí đất đai ở Việt Nam là khủng khiếp

Lãng phí đất đai ở Việt Nam là khủng khiếp

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao mọc lên như nấm. Địa phương tạo điều kiện về chính sách, đất đai, vốn để doanh nghiệp xây dựng mô hình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau khi “lấy đất” thì chậm tiến độ, bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn, nông dân thì bơ vơ khi tham gia vào dự án.

Dự án nông nghiệp công nghệ cao trên 240 ha ở Hà Tĩnh chỉ sản xuất trên diện tích nhỏ.

Thời gian qua, thông tin trên báo chí phản ánh về tình trạng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhưng sau khi thu hồi đất thì nhiều năm không đi vào hoạt động hoặc hoạt động dở dang dẫn đến bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn về đất đai, nông dân thì bơ vơ sau khi tham gia vào các dự án này.

Một số dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao có vốn đầu tư hàng trăm tỷ được “chỉ mặt, gọi tên” trong thời gian qua phải kể đến một dự án nông nghiệp công nghệ cao trên 240 ha ở Hà Tĩnh. Tổng mức đầu tư của dự án này dự kiến khoảng 300 tỷ đồng và thời gian hoạt động dự án là 50 năm.

Mục tiêu của dự án này là tổ chức trồng trọt, sản xuất rau củ đạt tiêu chuẩn sạch, chất lượng, an toàn và giàu dinh dưỡng thông qua ứng dụng công nghệ cao, nhằm đáp ứng các sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Nhưng sau khi được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đi vào sản xuất ở địa bàn xã Thạch Văn, Thạch Trị (huyện Thạch Hà) vào tháng 1/2018, từ đó tới nay dự án nông nghiệp công nghệ cao này sản xuất không hiệu quả, nhiều diện tích bị bỏ hoang.

Hay như ở Thái Nguyên, dự án Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao có số vốn đầu tư lên tới 100 tỷ đồng cũng đang bị bỏ hoang, chưa hẹn ngày hoạt động trở lại?

Theo đó, năm 2018, tỉnh Thái Nguyên giao 5 ha đất ở phường Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên cho Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung Anh (Hà Nội) thực hiện Dự án Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, sau bốn năm, đến nay trên diện tích rộng lớn này là nhà xưởng bỏ hoang, cỏ dại mọc ùm tùm, không một bóng người lao động.

Anh Phạm Văn Dương ở tổ dân phố Nhị Hòa (TP. Thái Nguyên) cho biết, thời gian đầu Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung Anh sản xuất hoa lan trong nhà kính, trồng dưa chất lượng cao trong nhà lưới và bước đầu đem lại hiệu kinh tế. Tuy nhiên, sau đó không thấy tiếp tục hoạt động, nhà xưởng in lìm, hoang vắng, “đắp chiếu”.

Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng dự án đầu tư nông nghiệp sau khi được cấp phép và triển khai giữa chừng rồi để đó hiện tồn tại khá nhiều gây ảnh hưởng không tốt đến phát triển kinh tế và dư luận địa phương.

Theo đó, chỉ riêng xã Đức Minh, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) có tới 3 dự án đang rơi vào tình cảnh “hụt hơi nữa chừng”. Một trong số đó là dự án trang trại tổng hợp, có quy mô 5ha, tổng mức đầu tư trên 6,7 tỷ đồng.

Sau khi triển khai đầu tư hệ thống phun tưới tự động, trồng măng tây, rau, quả sạch, xây chuồng trại chăn nuôi…rồi bỏ đó suốt hàng chục tháng qua.

Cách không xa là dự án Chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức, có diện tích gần 21ha, tổng vốn đầu tư trên 114 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau hơn 3 năm kể từ khi được cấp phép, dự án có quy mô sản xuất, sản phẩm/năm theo dự kiến gồm: 1.000 con bò, 26.400 tấn nha đam, 150 tấn dưa lưới, 16 tấn táo xanh, 8 tấn nho….hiện chỉ giống như một bãi đất bỏ hoang không hơn, không kém.

Chia sẻ với Dân Việt về vấn đề này, Giám đốc của một HTX nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội nói: “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang hướng sóng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, kể cả những doanh nghiệp chưa làm nông nghiệp bao giờ. Ban đầu họ vẽ ra những kịch bản rất đẹp đẽ về thu nhập của nông dân, rồi chính quyền địa phương sẽ được hưởng lợi về thu hút đầu tư…thế nhưng sau khi nhận đất thì bỏ hoang hoặc bỏ dở giữa chừng. Phải chăng đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, khi mục đích cuối cùng của họ chỉ là lấy đất của nông dân”!?

Về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc Công ty TNHH xuất, nhập khẩu nông sản Hải Phong (huyện Lương Tài, Bắc Ninh) mong muốn Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ, ngành tìm ra giải pháp để tháo gỡ cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao đang bị bỏ hoang, hoạt động giữa chừng tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tại tỉnh Sơn La vào tháng 5 tới đây.

Chị Trâm cho rằng, trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư thì các cơ quan quản lý cần thẩm định và đánh giá dự án một cách chặt chẽ, kỹ càng hơn.

Bên cạnh đó, nông dân cần tìm hiểu kỹ về dự án, có thể như: họ được tham gia vào dự án như thế nào và được hưởng lợi gì? Thực tế cho thấy, doanh nghiệp hứa hẹn mức đến bù giá đất cao thì không ít người dân đã nhanh chóng giao đất.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới