Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiJ-20 TQ tấn công “chim ăn thịt” Mỹ

J-20 TQ tấn công “chim ăn thịt” Mỹ

Trung Quốc tiếp tục đe doạ an ninh quốc tế, an toàn hàng hải trên Biển Đông bằng việc đưa máy bay hiện đại nhất J-20 hoạt động tuần tra trên Biển Đông và Biển Hoa Đông trong những ngày cuối tháng 4.

J-20 là loại máy bay tối tân nhất thuộc thế hệ thứ 5 trên giới. Bắc Kinh huênh hoang, “nó” có khả năng đè bẹp đối phương là F-22 (còn gọi là “chim ăn thịt”) của Mỹ và Su-27 của Nga. Xin nói ngay là, cả Mỹ và Nga đều cho rằng Trung Quốc đã ăn cắp thiết kế động cơ của hai loại máy bay tối tân của họ. Hiện tại Washington và Moscow đều tìm mọi cách hạn chế tối đa, không để cho Bắc Kinh tiếp tục đánh cắp thiết kế “hàng khủng” của mình.

Theo tin từ báo chí Trung Quốc, những ngày vừa qua, máy bay chiến đấu tàng hình của nước này đã bắt đầu hoạt động tuần tra trên các Biển Hoa Đông và Biển Đông trong cái gọi là tập huấn thường kỳ. Lạ một điều, tuyên bố này được ông Ren Yukun, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát kỷ luật, Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) đưa ra. Ông này không hề giấu diếm rằng, ban đầu, loại máy bay chiến đấu này được trang bị động cơ dòng Saturn AL-31FN do Nga sản xuất.

Còn các chuyên gia Trung Quốc cho hay, J-20 là sự kết hợp giữa F-22 và F-35 của Mỹ. Loại máy bay này được người Mỹ gọi là “chim ăn thịt”. Khi các chú “chim” khủng này hoạt động, radar không thể phát hiện. Với sự nâng cấp của J-20, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc hiện sẽ sở hữu năng lực của máy bay siêu thanh, có khả năng thực hiện nhiều động tác nhào lộn trên không.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton từng tuyên bố rằng, chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Trung Quốc trông rất giống F-35. Còn các chuyên gia phương Tây chỉ rõ, J-20 là bản sao của F-35 do tổ hợp trinh sát dẫn bắn quang – điện tử (EOTS) nằm dưới mũi J-20 – được sử dụng phát hiện mục tiêu và dẫn đường cho vũ khí thông minh mà không cần tới radar. EOTS của J-20 có nhiều điểm tương đồng với cụm EOTS trên tiêm kích F-35.

“Chim ăn thịt” của Mỹ vốn được thiết kế để hoạt động ở Châu Âu, vì vậy chiến đấu cơ tàng hình này sẽ gặp hạn chế khi đối đầu Trung Quốc ở Châu Á – Thái Bình Dương. Chiếc F-22 hai động cơ này có thể đối mặt với những thách thức tương tự như máy bay ném bom F-4 mà Lầu Năm Góc đưa đến Việt Nam trong chiến tranh (khoảng năm 1965-1973). F-22 cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề tương tự khi nó được triển khai ở châu Á – Thái Bình Dương trong tình hình hiện nay ở Biển Đông.

Còn nếu so sánh với Su-27 của Nga, thì J-20 cũng có nhiều ưu điểm vượt trội. Nga thừa biết Trung Quốc đã đánh cắp thiết kế động cơ Su-27 của họ và biến thành bản sao thiết kế không có giấy phép của riêng Bắc Kinh. Vì biết rõ hành động này nên, Moscow không bán riêng rẽ các động cơ của máy bay chiến đấu, khiến việc Trung Quốc muốn biến những mô hình động cơ của Nga thành của phiên bản của riêng mình sẽ rất khó khăn.

Vì sao Trung Quốc tung J-20 ra Biển Đông vào thời điểm này? Theo các nhà phân tích có hai mục tiêu chính: một, sự tự tin của Bắc Kinh với các năng lực quân sự của mình, cụ thể là máy bay chiến đấu của họ đủ khả năng đè bẹp đối phương, máy bay Mỹ hay Nga từng một thời là nỗi khiếp đảm của thế giới, nay cũng không hơn gì J-20 của Trung Quốc; hai, Bắc Kinh muốn cảnh báo các quốc gia khác đang liên quan đến các tranh chấp với Trung Quốc tại hai vùng biển này.

Khi J-20 khuếch trương thanh thế cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng tại một khu vực vốn đã đầy rẫy các vũ khí nguy hiểm. Và điều lo ngại Trung Quốc sẽ tấn công căn cứ quân sự của các đồng minh của Đài Loan như là Mỹ và Nhật Bản là có cơ sở.

Mỹ và Nga thừa hiểu J-20 của Trung Quốc hoàn toàn áp đảo các lực lượng không quân nhỏ yếu của các nước Đông Nam Á liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Có điều Trung Quốc sẽ triển khai J-20 trong trường hợp nào, vì rất tốn kém. Loại tiêm kích này có giá trị vô cùng lớn, khi sử dụng phải hết sức cân nhắc. Theo nguồn tin tình báo, Trung Quốc hiện có khoảng 60 J-20 và đó là một đống tài sản khổng lồ.

Cứ cho rằng J-20 có thể chống lại F-22 trong tình huống chiến đấu một chọi một, thì Trung Quốc với 60 chiếc J-20 không thể đọ sức với gần 200 F-22 của Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ đã triển khai hàng trăm chiếc F-35 cho châu Á – Thái Bình Dương, tạo thành mối đe dọa lớn hơn đối với Trung Quốc.

Đấy là so sánh với Mỹ, còn ở châu Á, để tiêu diệt những lực lượng không quân “ốm yếu” trong khu vực, Trung Quốc chỉ cần sử dụng chiến thuật tiêu hao trên không, thay vì sử dụng phi đội tiêm kích tối tân nhất. Trung Quốc có thể lựa chọn tiến hành các cuộc tuần tra liên tục và tăng cường trên không phận của các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, buộc lực lượng không quân của các quốc gia tranh chấp phải phản ứng ở quy mô và mức độ vượt quá khả năng của họ.

Điều đáng lo ngại là ở chỗ này. Một chuyên gia quân sự của Mỹ mới đây cho biết, nguy cơ Trung Quốc sẽ tấn công Việt Nam tại Trường Sa lớn cao hơn nguy cơ tấn công Đài Loan. Và bắt đầu không phải là đưa J-20 ra trận, mà chỉ dùng đến phi đội tiêm kích hạng trung. Cảnh báo này buộc Hà Nội phải cảnh giác cao hơn nữa. Phải thực hiện nhiều sự thay đổi cả về học thuyết đối ngoại và quốc phòng, mới có thể bảo vệ được chủ quyền biển đảo, bảo vệ lợi ích chính đáng trên Biển Đông.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới